• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thúc đẩy sự đóng góp của các đại biểu trẻ trong các hoạt động của Quốc hội

Thời sự 15/09/2023 15:15

(Tổ Quốc) - Sáng 15/9, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Thủ đô Hà Nội, Hội nghị Nghị sỹ trẻ toàn cầu lần thứ 9 chính thức khai mạc dưới sự chủ trì của bà Emma Tangi Muteka - Nghị sĩ Namibia, thành viên Ban Lãnh đạo Diễn đàn Nghị sĩ trẻ IPU.

Thúc đẩy sự đóng góp của các đại biểu trẻ trong các hoạt động của Quốc hội  - Ảnh 1.

Quang cảnh Hội nghị,

Với chủ đề “Vai trò của giới trẻ trong việc thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững thông qua chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo”, Hội nghị Nghị sỹ trẻ toàn cầu lần thứ 9 sẽ tập trung thảo luận làm rõ vấn đề thông qua 3 phiên thảo luận chuyên đề gồm: (1) Chuyển đổi số; (2) Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; (3) Thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa vì sự phát triển bền vững.

Tham dự Hội nghị toàn cầu lần thứ 9 có hơn 300 nghị sĩ trẻ và đại biểu đến từ hơn 70 Nghị viện thành viên IPU và đại diện của các tổ chức quốc tế; Các Đại sứ, đại diện cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài và tổ chức quốc tế tại Việt Nam; 124 thành viên Nhóm đại biểu Quốc hội trẻ Việt Nam; 20 thanh niên trẻ tiêu biểu của Việt Nam; 20 đại biểu Hội đồng nhân dân trẻ cấp tỉnh của Việt Nam...

Cầu nối đưa tiếng nói của người trẻ đến Quốc hội

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Nhóm Đại biểu Quốc hội trẻ Việt Nam Nguyễn Anh Tuấn cho biết, Việt Nam hiện là một quốc gia có dân số trẻ. Với sự quan tâm đặc biệt của Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội Việt Nam đối với thế hệ trẻ, năm 2015, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII đã thành lập Nhóm Đại biểu Quốc hội trẻ Việt Nam gồm các đại biểu Quốc hội có độ tuổi dưới 45.

Đây là diễn đàn tập hợp các đại biểu Quốc hội trẻ để cùng trao đổi, đề xuất những vấn đề liên quan đến thanh thiếu nhi trong quá trình hoạt động của Quốc hội, là cơ chế để bồi dưỡng, thúc đẩy sự đóng góp của các đại biểu trẻ trong các hoạt động của Quốc hội và giao lưu, học hỏi, chia sẻ với nghị sĩ trẻ các nước trên thế giới về những vấn đề quan tâm chung của thanh niên và trẻ em.

Cũng như nghị sĩ trẻ các nước, sự hiện diện của các đại biểu Quốc hội trẻ Việt Nam đã góp phần tích cực vào tiến trình đổi mới hoạt động của Quốc hội, trở thành cầu nối đưa tiếng nói của người trẻ đến Quốc hội trong quá trình lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Cùng với đó, đại biểu Quốc hội trẻ Việt Nam đã tham gia tích cực vào các hoạt động ngoại giao nghị viện, các diễn đàn đa phương, song phương.

Thúc đẩy sự đóng góp của các đại biểu trẻ trong các hoạt động của Quốc hội  - Ảnh 2.

Chủ tịch Nhóm Đại biểu Quốc hội trẻ Việt Nam Nguyễn Anh Tuấn phát biểu tại Hội nghị

Bày tỏ vui mừng và trân trọng cảm ơn Liên minh Nghị viện thế giới đã tin tưởng để Việt Nam đăng cai Hội nghị rất quan trọng này, Chủ tịch Nhóm Đại biểu Quốc hội trẻ Việt Nam cho biết, trong thời gian vừa qua, với sự quan tâm, tạo điều kiện của Quốc hội, đặc biệt là Ngài Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Vương Đình Huệ, Ngài Chủ tịch, Ngài Tổng Thư ký IPU và Ngài Chủ tịch Diễn đàn nghị sĩ trẻ thế giới, cùng với trách nhiệm của mình, các đại biểu Quốc hội trẻ Việt Nam đã có nhiều điều kiện và tham gia tích cực trong công tác chuẩn bị Hội nghị, được trực tiếp tham gia ý kiến để xây dựng các nội dung, chương trình, hoạt động và thực hiện các nhiệm vụ khác, góp phần vào thành công chung của Hội nghị.

Chủ tịch Nhóm Đại biểu Quốc hội trẻ Việt Nam kỳ vọng đây sẽ là cơ hội rất tốt để học hỏi kinh nghiệm, chia sẻ mối quan tâm và mở rộng hợp tác với các nghị sĩ trẻ trong cộng đồng Liên minh nghị viện thế giới. Các Đại biểu Quốc hội Việt Nam đặc biệt tâm đắc với chủ đề của Hội nghị “Vai trò của giới trẻ trong việc thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững thông qua chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo”. Tiếp nối nội dung các Hội nghị trước đó, chủ đề này đã đáp ứng được 3 mục tiêu quan trọng: đề cập đến các vấn đề toàn cầu mà tất cả các quốc gia cần chung tay giải quyết; đáp ứng nhu cầu tự thân của giới trẻ và phù hợp với định hướng phát triển của Việt Nam trong giai đoạn tới.

Ở Việt Nam, Quốc hội đang thúc đẩy hoàn thiện khung khổ pháp lý và nền tảng thể chế cho quá trình chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa của đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng. Các đại biểu Quốc hội trẻ Việt Nam ý thức được trách nhiệm của mình và cam kết sẽ tham gia một cách tích cực, có hiệu quả trong quá trình xây dựng, hoàn thiện thể chế, khung khổ pháp lý; tham gia giám sát có hiệu quả đối với việc thực thi chính sách và truyền tải cho được thông điệp của Hội nghị tới các cử tri trẻ.

Chủ tịch Nhóm Đại biểu Quốc hội trẻ Việt Nam kỳ vọng rằng, tuyên bố chung được thông qua tại Hội nghị lần này sẽ là động lực góp phần thực hiện có hiệu quả các mục tiêu về chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa vì sự phát triển bền vững; đồng thời thúc đẩy việc trao quyền cho giới trẻ, mở rộng sự tham gia của giới trẻ vào các tiến trình dân chủ và tham gia giải quyết các vấn đề toàn cầu hiện nay.

Việt Nam luôn là một trong những nước đi đầu trong việc thực hiện và hiện thực hóa các cam kết quốc tế

Phát biểu dẫn đề tại Hội nghị, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng cho biết, bối cảnh quốc tế thời gian gần đây cho thấy mục tiêu phát triển của nhiều quốc gia đã và đang bị tác động ở nhiều khía cạnh khác nhau, đòi hỏi mỗi quốc gia sớm có những đánh giá và điều chỉnh hợp lý để duy trì mục tiêu phát triển của mình theo hướng nhanh và bền vững hơn.

Với chủ đề “Vai trò của giới trẻ trong việc thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững thông qua chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo”, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh nhận thấy, Hội nghị lần này đã phản ánh rất đúng xu thế phát triển và mối quan tâm của các quốc gia hiện nay khi phát triển bền vững, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao trở thành một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu quyết định tốc độ, chất lượng phát triển của các nền kinh tế, đặc biệt là trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với nhiều những khó khăn, thách thức.

Thúc đẩy sự đóng góp của các đại biểu trẻ trong các hoạt động của Quốc hội  - Ảnh 3.

Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng phát biểu tại Hội nghị.

Đây là một cơ hội vô cùng quý báu để những đại biểu, nghị sĩ trẻ có cơ hội để gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ, học hỏi lẫn nhau về những việc chúng ta đã, đang và sẽ làm, về những kết quả đạt được, thuận lợi, khó khăn, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm. Đồng thời, cũng là dịp để chúng ta cùng hướng tới một tiếng nói chung, cùng tìm kiếm và xây dựng những giải pháp tối ưu để hướng tới mục tiêu vì một thế giới phát triển bền vững, hòa bình, thịnh vượng, hạnh phúc và tốt đẹp hơn, bao trùm và không ai bị bỏ lại phía sau.

Trong suốt thời gian qua, mặc dù phải đối mặt với vô vàn những khó khăn, thách thức chung của tình hình thế giới, Việt Nam vẫn luôn là một trong những nước đi đầu trong việc thực hiện và hiện thực hóa các cam kết quốc tế trong quá trình phát triển của mình; được cộng đồng quốc tế ghi nhận mà nổi bật là kết quả thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững, các con số ấn tượng về chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo.

Thứ nhất, về thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh nêu rõ, Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ trong đảm bảo an sinh xã hội, đó là: Việc giảm mạnh tỷ lệ nghèo đa chiều; tăng tỷ lệ bao phủ các dịch vụ y tế thiết yếu, tỷ lệ hộ có nguồn nước hợp vệ sinh, tỷ lệ hộ gia đình tiếp cận điện lưới quốc gia, tỷ lệ tiếp cận năng lượng, phủ sóng điện thoại di động; Độ che phủ rừng được duy trì và tăng dần qua các năm. Bên cạnh đó, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội trong nhiệm kỳ 2016-2021, 2021-2026 đạt tương ứng là 27,31% và 30,26%, cao hơn mức trung bình toàn cầu và của châu Á…

Thứ hai, về chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh nhận thấy, những năm vừa qua, Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể trong việc nâng cao các chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu, đứng vị trí 48/132 quốc gia, nền kinh tế về đổi mới sáng tạo và thuộc nhóm quốc gia đạt được những tiến bộ lớn nhất trong thập kỷ qua (tăng hơn 20 bậc), là một trong 5 quốc gia có hệ sinh thái đổi mới sáng tạo phát triển nhất khu vực và xếp hạng 54 về Chỉ số hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu.

Đồng thời, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư, thúc đẩy phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia, với nhiều cơ chế, chính sách, chiến lược, chương trình được ban hành như Luật Đầu tư 2020; Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa…

Thế Công

NỔI BẬT TRANG CHỦ