• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thực hiện tốt bình đẳng giới giúp phụ nữ ngày càng thể hiện được vị trí, vai trò của mình

Văn hoá 05/10/2023 08:00

(Tổ Quốc) - Trong thời gian qua, tỉnh Kon Tum đã tập trung nguồn lực thực hiện các nội dung của Chương trình hành động quốc gia về bình đẳng giới, góp phần tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong thực hiện bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ.

Nhằm hiện thực hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác bình đẳng giới, thời gian qua, huyện Đăk Hà đã đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về bình đẳng giới bằng nhiều hình thức phong phú, như: lồng ghép tuyên truyền trong các hoạt động của cơ quan, đơn vị, địa phương; tại các cuộc họp thôn, làng. Thông qua các hình thức, nội dung tuyên truyền góp phần nâng cao nhận thức, hành động, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân về công tác phụ nữ và bình đẳng giới, từng bước xóa bỏ các định kiến, các quan niệm không phù hợp về vai trò của phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội.

Đến nay, có 17/23 cơ quan, đơn vị chuyên môn thuộc UBND huyện và các xã, thị trấn có lãnh đạo chủ chốt là nữ; tỷ lệ nữ làm chủ doanh nghiệp chiếm hơn 27%. Trên địa bàn huyện hiện có 05 Câu lạc bộ phòng chống bạo lực gia đình.

Ông Nguyễn Quang Thịnh - Chủ tịch UBND xã Đăk La, huyện Đăk Hà cho biết: Để triển khai thực hiện có hiệu quả công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ địa phương chú trọng kiện toàn, duy trì hoạt động Ban vì sự tiến bộ phụ nữ xã. Qua thực hiện thì đến nay cơ bản người dân nhận thức rõ và quan tâm đến công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ.

Công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ nói chung, công tác cán bộ nữ nói riêng đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể tỉnh Kon Tum quan tâm. Thông qua công tác tuyên truyền và việc duy trì các mô hình: "ngăn ngừa, giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới", "hỗ trợ làng xã xây dựng, sửa đổi quy ước, hương ước đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới", "địa chỉ tin cậy – nhà tạm lánh tại cộng đồng", "mô hình thí điểm về dịch vụ tư vấn, hỗ trợ về bình đẳng giới tại xã, phường thị trấn ở miền núi, vùng đồng bào DTTS"... đa số nữ cán bộ, công chức, viên chức và phụ nữ trong các gia đình (đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS) đã ý thức được quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình; biết đấu tranh chống lại những quan niệm lạc hậu, coi thường, khắt khe trong cách nhìn nhận, đánh giá, sử dụng, đề bạt đối với phụ nữ.

Thực hiện tốt bình đẳng giới giúp phụ nữ ngày càng thể hiện được vị trí, vai trò của mình - Ảnh 2.

Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" ở 2 xã Đăk Long và Đăk Pxi, huyện Đăk Hà. Các thành viên Câu lạc bộ sẽ là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu có hại trong đời sống của đồng bào các dân tộc tại địa phương.

Chị Y Đuổi ở làng Le, xã Mô Rai, huyện Sa Thầy chia sẻ: Trước kia, công việc bếp núc, dọn dẹp nhà cửa trong gia đình đều do một mình chị gánh vác, nhưng được xã, thôn tuyên truyền về công tác bình đẳng giới nên chồng đã có sự thay đổi. Bây giờ, chồng chị đã biết quan tâm, chia sẻ và giúp đỡ chị nhiều hơn.

Trước đây, hầu hết công việc nương rẫy, chăm sóc nhà cửa, con cái đều dồn vào tay người phụ nữ, còn nam giới rất ít tham gia vào công việc nhà, dẫn đến tình trạng bất bình đẳng giới. Từ khi được tuyên truyền về bình đẳng giới theo Đề án Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng DTTS, người dân bắt đầu xóa bỏ dần tư tưởng trọng nam khinh nữ vốn đã hằn sâu qua nhiều thế hệ. "Việc bình đẳng như thế thì nó mang lại hiệu quả, như bây giờ là giữa nữ giới và nam giới thì có những cái tạo điều kiện, về trình độ, năng lực thì cũng không còn so bì nữa", ông A Thái, Thôn trưởng làng Le, xã Mô Rai, huyện Sa Thầy cho biết.

Thực hiện tốt bình đẳng giới giúp phụ nữ ngày càng thể hiện được vị trí, vai trò của mình - Ảnh 3.

Ông A Thái (phải), Thôn trưởng làng Le, xã Mô Rai, huyện Sa Thầy.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh Kon Tum cơ bản đạt các mục tiêu về bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị, kinh tế, lao động, giáo dục và đào tạo, trong tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe-lĩnh vực y tế. 

Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 11.200  phụ nữ là cán bộ, công chức, viên chức, chiếm 63% cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh. Có 02/06 Đại biểu Quốc hội là nữ, chiếm 33,33%; 18/51 Đại biểu HĐND tỉnh, chiếm 35,29%; 95/316 Đại biểu HĐND cấp huyện là nữ, chiếm 30,06%... 

Trong lĩnh vực kinh tế, hiện có 770/2.997 số doanh nghiệp/hợp tác xã do nữ đảm nhiệm chức vụ quản lý, đạt 25,7%.

Ông Nguyễn Thanh Tính, Phó Giám đốc Sở Lao động –Thương binh và Xã hội tỉnh Kon Tum cho biết: Nhờ triển khai hiệu quả công tác bình đẳng giới nói chung, triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 21 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới, trong những năm qua, phụ nữ trên địa bàn tỉnh Kon Tum ngày càng thể hiện rõ vị trí, vai trò của mình trong các lĩnh vực kinh tế, lao động và tham gia ngày càng nhiều hơn vào công việc xã hội, đóng góp ngày càng nhiều hơn cho xã hội và gia đình.

Việc triển khai thực hiện có hiệu quả công tác bình đẳng giới, tình hình tư tưởng, đời sống, việc làm của phụ nữ trên địa bàn tỉnh Kon Tum được quan tâm cải thiện hơn trước. Phụ nữ ngày càng thể hiện vị trí, vai trò của mình, nỗ lực tự vươn lên để khẳng định mình trong các lĩnh vực đời sống xã hội, đóng góp ngày càng nhiều hơn cho xã hội và gia đình, từng bước thu hẹp khoảng cách giới.

Khánh Ngân



*Vụ Gia Đình, Bộ VHTTDL thực hiện

NỔI BẬT TRANG CHỦ