• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thực hư cơ hội cho Mỹ từ một Triều Tiên “rời Trung, hướng Nga”?

Thế giới 17/08/2017 15:38

(Tổ Quốc) - Có hay không mối quan hệ ngày càng thân thiết Nga – Triều Tiên, và Mỹ đang tận dụng hết sức điều này?

Khi sang Iran tham dự lễ nhậm chức của Tổng thống Iran vừa được tổ chức vào đầu tháng này, ông Kim Young-nam, Chủ tịch Đoàn chủ tịch Hội nghị nhân dân tối cao của CHDCND Triều Tiên đã chọn bay qua Moscow, mặc dù tuyến đường bay qua Nga sẽ thuận tuyện hơn nhiều. Đối với một số nhà quan sát, quyết định của ông Kim cho thấy, Bình Nhưỡng dường như đang rời xa đồng minh truyền thống Trung Quốc, và ngày càng dựa nhiều hơn vào mối quan hệ Nga và Triều Tiên. Tờ Financial Times nhận định, sự thay đổi của Triều Tiên cũng tạo ra một lối đi mới mà các nhà ngoại giao Mỹ có thể “khám phá”, và tận dụng cho những nỗ lực đối phó chương trình phát triển hạt nhân của quốc gia châu Á.

Mỹ hướng vào Nga để giải quyết căng thẳng Triều Tiên?

“Triều Tiên đang không hài lòng với Trung Quốc, và nhiều mối quan hệ chính trị giữa hai bên đã bị đóng băng hoặc thu hẹp lại,” Valery Sukhinin, cựu đại sứ Nga tại Bình Nhưỡng cho biết.

Trong năm vừa rồi, các quan chức Triều Tiên đã có nhiều chuyến công du tới Nga, với một số cuộc gặp gỡ diễn ra ngay tại Moscow. Nhiều chuyên gia phương Tây cho rằng, bên trong nội bộ Triều Tiên, các mối quan hệ giữa quan chức Bình Nhưỡng và các nhà ngoại giao Nga giờ đây đã vượt qua Trung Quốc. Chính quyền Tổng thống Donald Trump từng tỏ ra “bất mãn” với sự do dự của Bắc Kinh trong việc sử dụng quyền lực kinh tế (90% quan hệ thương mại của Triều Tiên là với Trung Quốc) để gia tăng áp lực lên nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Tuy nhiên, đầu tháng này, Trung Quốc vẫn bày tỏ sự ủng hộ quyết định trừng phạt mới nhất của Liên hợp quốc (LHQ) lên Triều Tiên.

Mặc dù mối quan hệ giữa Mỹ và Nga còn đang chứa nhiều bất đồng, Washington đã bắt đầu hướng về Moscow trong vấn đề Triều Tiên. “Bạn có thể thấy Mỹ đang kiểm nghiệm cách tiếp cận và ảnh hưởng của Nga lên Triều Tiên,” một nhà ngoại giao phương Tây nói với Financial Times. “Hồi tháng Ba và tháng Tư, [Ngoại trưởng Mỹ Rex] Tillerson đã kiểm định cách tiếp cận và ảnh hưởng từ Trung Quốc, và giờ đây điều này đang được thực hiện với Nga.”

Cũng trong tháng Tám, ông Tillerson từng đề cập đến cả Trung Quốc và Nga khi nói rằng, hai nước đều có “các kênh liên lạc mở rất tốt” với Bình Nhưỡng. “Tôi hy vọng họ có thể sử dụng ảnh hưởng của mình – và tôi nghĩ họ có ảnh hưởng lên chính quyền [Triều Tiên] – đủ để dẫn đến sự đối thoại,” ông Tillerson phát biểu.

Trong những tháng gần đây, Moscow đã cố gắng tỏ ra khá trung lập giữa thời điểm căng thẳng có xu thế leo thang trên bán đảo Triều Tiên. Cũng như Trung Quốc, Nga kêu gọi các cuộc đối thoại dựa trên việc cùng lúc dừng các vụ thử tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng, và các cuộc tập trận chung của Washington và Seoul. “Người Mỹ đang chờ xem nếu có được một phản ứng tích của từ Bình Nhưỡng, hoặc nếu không, có thể đánh giá tác động của Nga trong nỗ lực đưa các bên ngồi vào bàn đàm phán,” nhà ngoại giao trên nhận định.

Triều Tiên sẽ xa rời cả Nga và Trung Quốc

Tuy nhiên, những kỳ vọng của Mỹ về việc Nga trở thành một yếu tố chủ chốt điều hòa cuộc khủng hoảng, dường như lại đang đối mặt với những nghi ngờ từ ngay Moscow. Các chuyên gia Nga cảnh báo rằng, việc Nga và Trung Quốc ủng hộ vòng trừng phạt mới nhất của LHQ lên Triều Tiên đã phá hủy ảnh hưởng gần như không còn của mối quan hệ Nga và Triều Tiên.

Căng thẳng hạt nhân Triều Tiên đang có nhiều diễn biến phức tạp

Hơn 17 năm trước, Nga đã thay thế hiệp ước liên minh giữa Triều Tiên với Liên Xô, bằng một hiệp ước hữu nghị, trong đó không có điều khoản yêu cầu Nga phải hỗ trợ cho Triều Tiên trong trường hợp xảy ra tấn công quân sự. “Kể từ lúc đó, Triều Tiên đã không còn quá kỳ vọng vào chúng tôi. Nhưng ít nhất, họ không đổ lỗi hoặc nhắm vào chúng tôi trong giọng điệu cứng rắn của mình,” ông Sukhinin nói. “Nhưng trong các tuyên bố mới đây nhất, Nga lần đầu tiên đã bị chỉ trích đích danh vì đã ủng hộ Washington.”

Cựu đại sứ cũng bổ sung, việc ông Trump công khai thể hiện sự tán thưởng đối với Trung Quốc và Nga vì đã đồng ý với nghị quyết của Hội đồng bảo an LHQ, khiến mọi việc càng xấu đi. “Nếu điều này vẫn tiếp diễn, họ [Triều Tiên] có thể sẽ xa lánh cả chúng tôi nữa. Họ cảm thấy bị cô lập, và cách đáp trả của họ là đẩy mạnh chương trình hạt nhân.”

Cái nhìn khác biệt về Triều Tiên của Nga

Có lẽ quan trọng nhất là, Điện Kremlin có một cách đánh giá khác so với Mỹ về khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên. “Từ góc nhìn của chính phủ Nga, quyền lực lớn nhất trong cuộc khủng hoảng này vẫn là nước Mỹ,” ông Alexander Gabuev, một chuyên gia về châu Á tại Trung tâm Cargegie Moscow nói. Nga nhìn nhận nỗi ám ảnh phát triển vũ khí hạt nhân của Triều Tiên là nỗ lực của một quốc gia yếu đuối, bị cô lập, đang muốn tự bảo vệ mình khỏi kẻ thù lớn mạnh – và điều này là có thể thông cảm được.

Về mặt chính thức, Moscow từ chối công nhận Triều Tiên là một cường quốc hạt nhân, từ đó, mới dẫn đến việc Nga ủng hộ cho lệnh trừng phạt của LHQ. Tuy nhiên, hầu hết các nhân viên và các nhà phân tích chính sách đối ngoại Nga cho rằng, lựa chọn thực tế duy nhất để tháo ngòi khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên chính là đạt được một thỏa thuận. “Thay vì theo đuổi mục tiêu không tưởng và không thể đạt được là một Triều Tiên không hạt nhân, Mỹ và các bên liên quan nên lặng lẽ đổi sang một kết quả kém thỏa mãn nhưng thực tế hơn: Triều Tiên với kho hạt nhân quy mô nhỏ và ổn định,” Andrei Lankov, giáo sư người Nga tại Đại học Kookmin, Seoul đề xuất.

“Mục tiêu của Triều Tiên là khiến mọi người đều chấp nhận, ngay cả khi không chính thức, rằng họ đang sở hữu vũ khí hạt nhân – giống như Ấn Độ, Pakistan và Israel. Họ muốn đạt được đẳng cấp đó,” ông Sukhinin phân tích. “Chúng tôi không tin Triều Tiên đe dọa Nga hay Trung Quốc, nhưng cùng lúc, điều quan trọng đối với chúng tôi là mọi chuyện không tiếp tục bị lan rộng ra, và không có leo thang.”

(Theo Financial Times)

 

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ