• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thực hư quân lực Trung Quốc: Mục tiêu tìm tiền?

Thế giới 28/02/2018 21:28

(Tổ Quốc) - Quân đội Trung Quốc đang phô diễn lực lượng nhằm kêu gọi tăng cường ngân sách quốc phòng.

Trong khi tăng cường đưa các máy bay chiến đấu vào phục vụ, những hình ảnh rò rỉ về hệ thống pháo công nghệ cao phục vụ hải quân và thông tin về các cuộc diễn tập cho thấy quân đội Trung Quốc đang phô diễn lực lượng nhằm kêu gọi tăng cường ngân sách quốc phòng.

Mặc dù là đất nước có số binh lính đông đảo nhất thế giới, nhưng quân đội Trung Quốc không thấy hài lòng khi thấy mức tăng ngân sách quốc phòng hai năm qua của họ không đáng kể. Gần đây họ đang có nhiều động thái chứng tỏ rằng họ cần nhiều tiền hơn để đối phó với sự bất ổn toàn cầu gia tăng, Reuters dẫn lời các nhà ngoại giao và một số nguồn tin thân cận cho hay.

Trong cuộc chạy đua trước thềm công bố ngân sách quốc phòng tại cuộc họp thường niên của Quốc hội Trung Quốc vào tuần tới, các phương tiện truyền thông nước này tràn ngập thông tin về  các cuộc tập trận quân sự, trang thiết bị tiên tiến và những câu chuyện về hành trình Trung Quốc giải cứu người dân từ Yemen năm 2015.

Quân đội Trung Quốc đối mặt “thách thức”

Thông điệp về tổng thể đã rõ ràng: Trung Quốc đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng, từ những lời đe doạ của Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với Triều Tiên, căng thẳng biên giới ngày càng tăng với Ấn Độ cho tới mối quan hệ với Đài Loan.

Đối mặt với những thách thức này đòi hỏi tiền mặt- điều quân đội Trung Quốc đang cố thuyết phục chính phủ nước này.

Trước thềm công bố ngân sách quốc phòng, quân đội Trung Quốc đang cố vận động thêm tiền. (Nguồn: Reuters)

Chủ tịch Tập Cận Bình đã cam kết trong bài phát biểu quan trọng trước Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 vào tháng 10/2017 rằng sẽ đưa các lực lượng vũ trang Trung Quốc lên tầm thế giới vào giữa thế kỷ này. Quân đội Trung Quốc đang triển khai một chương trình truyền thông lớn để đảm bảo rằng lời hứa đó vẫn ở vị trí ưu tiên.

Trong tháng này, video về một máy bay tiêm kích hiện đại đã được công bố để chào mừng Tết Nguyên đán. Mang tên "Những máy bay chiến đấu mới có sức mạnh tuyệt vời để bảo vệ kỷ nguyên mới", đoạn video bao gồm việc đưa tiêm kích J-20 mới nhất - được coi là đối thủ của Lockheed Martin F-22 Raptor vào phục vụ.

Nói về những tin tức liên quan đến hoạt động quân sự gần đây ở Trung Quốc, một quan chức ngoại giao châu Á cho biết: "Có vẻ như họ đang thực hiện nhiều động thái để tìm một khoản tăng lớn trong chi tiêu cho quốc phòng".

Láng giềng lo ngại

Chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc chỉ bằng 1/4 so với Hoa Kỳ, nếu các con số chính thức là chính xác. Trung Quốc đã nhiều lần nói rằng họ không có ý định gây chiến và quân đội của họ chỉ thực hiện các nhiệm vụ phòng thủ, và chi tiêu quốc phòng là minh bạch.

Theo Reuters, nhiều nước láng giềng lại  nghĩ khác, cho rằng Trung Quốc đang thực hiện chiến thuật đe doạ binh đao khi họ tiến hành các cuộc tập trận trong khu vực.

Nhiều nước khu vực đang tìm kiếm các thương vụ vũ khí và thắt chặt quan hệ quân sự với Hoa Kỳ. Đài Loan đã cam kết tăng chi tiêu quốc phòng và bày tỏ ý muốn mua thiết bị mới của Mỹ.

Nhật báo chính thức của Quân đội Trung Quốc tháng này cho hay, mặc dù Trung Quốc đã cam kết thực hiện chính sách quân sự phòng thủ, nhưng họ phải "dám soi sáng thanh gươm" bằng các cuộc tuần tra không quân xa bờ biển, tiến gần Đài Loan hoặc các hòn đảo không người đang tranh chấp với Nhật Bản tại biển Hoa Đông.

Các chuyến bay như vậy, nó nói lên ý nghĩa về việc bảo vệ "lằn ranh cuối cùng" của Trung Quốc về các vấn đề chiến lược.

Giữa các lằn ranh

Ngân sách quốc phòng sẽ chỉ tiết lộ thông số tổng thể, có tỷ lệ so sánh với năm trước. Số liệu cụ thể sẽ không được cung cấp.

Năm ngoái, Quốc hội Trung Quốc ban đầu không đưa ra con số tổng thể, điều đó dấy lên các câu hỏi về tính minh bạch. Và sau đó, khi họ công bố, mức tăng chỉ là 7%- thấp nhất trong hơn một thập kỷ.

Mức tăng ngân sách 7,6% trong năm 2016 là thấp nhất trong sáu năm và là con số tăng dưới 10% đầu tiên kể từ năm 2010, sau một thập niên tăng trưởng hai con số trong chi tiêu quốc phòng gần như không gián đoạn.

Các chuyên gia nói rằng con số thực có thể cao hơn nhiều so với các báo cáo chính thức khi Trung Quốc đổ tiền cho nhiều dự án quân sự, bao gồm các khoản chi phi quân sự.

“Lưu ý đặc biệt đến sự kết hợp quân-dân sự tại Trung Quốc thì rất khó để biết chi tiêu cụ thể về quốc phòng của nước này”, một nhà ngoại giao phương Tây, người chuyên nghiên cứu về quân đội Trung Quốc nói.

Một số chuyên gia quốc phòng cho hay, Trung Quốc đang làm xói mòn sự thống trị công nghệ của quân đội Mỹ, và quân đội Trung Quốc có thể vượt qua Mỹ về năng lực trí tuệ nhân tạo – hiện đang trở thành một ưu tiên chi tiêu của Bắc Kinh.

Theo Reuters, nhưng nếu không có sự minh bạch về các công nghệ mới thì dư luận vẫn sẽ hoài nghi về khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội nước này.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc từ chối bình luận về con số ngân sách sắp được Quốc hội thông qua. Sự gia tăng về tổng thể ngân sách thường được đưa ra vào ngày trước khi Quốc hội mở phiên họp và số liệu về tổng số tiền sẽ được đưa ra ngày hôm sau. Quốc hội Trung Quốc sẽ làm việc vào ngày 5/3.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ