Tháng 4/2012, Bộ NN&PTNT thông báo chưa có kết quả khảo nghiệm cuối cùng về cây trồng biến đổi gen (GMO), chưa cho trồng trọt loại cây này ở Việt Nam. Thử hỏi 100 người ở Việt Nam đã nhìn thấy sản phẩm GMO chưa thì hầu hết trả lời là chưa. Tuy nhiên, ngoài thị trường, sản phẩm từ GMO lại được chính cơ quan quản lý xác nhận là đã vào Việt Nam từ lâu. Hơn nữa, nó còn qua mặt nhà quản lý tràn lan trên thị trường, tranh chiếm đất với hàng đã kiểm duyệt.
Bất lực hay bỏ qua
Dù Việt Nam mới chỉ thí điểm trong phạm vi nhỏ để đi đến kết luận có trồng loại cây này hay không, chưa cho phép sử dụng tại Việt Nam nhưng sản phẩm GMO đã có mặt trên thị trường nhiều năm qua. Hàng loạt sản phẩm thực phẩm chế biến và nông sản GMO bày bán tràn lan trên thị trường vẫn chưa được quản lý, kiểm soát.
Tại một cuộc họp về GMO gần đây, GS Nguyễn Lân Hùng cho biết, hiện đã có tới 3/4 giống bông biến đổi gene vào Việt Nam. Tại Sơn La, nhiều nông dân đã sử dụng giống bông biến đổi gene mua từ Trung Quốc. Hiệu quả cao hơn bông bản địa. " Tại Huyện Bắc Yên và Phù Yên của Sơn La sẽ tăng diện tích trồng bông từ 1.000 ha lên 3.000 - 4.000 ha trong năm tới. Bởi năng suất cao hơn hẳn, cây chịu hạn, sâu bệnh cũng tốt", GS Hùng nói.
Không chỉ với cây bông để sử dụng trong công nghiệp, ngay trong thực phẩm, loại sản phẩm này cũng đã vào Việt Nam khá lâu, thậm chí còn khối lượng lớn. GS.TS Nguyễn Lân Dũng, Tổng Thư ký Hội sinh học Việt Nam cho rằng: Dù muốn hay không Việt Nam cũng đang sử dụng sản phẩm GMO. Cụ thể mỗi năm chúng ta nhập khẩu trên 2 triệu tấn khô dầu đậu tương và 1,6 triệu tấn ngô, trong đó đa số là ngô biến đổi gen.
Tại Hội thảo về GMO do Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam tổ chức đầu tháng 10/2011, nhiều nhà khoa học xác nhận rằng, thậm chí, cây bông vải trồng ở Việt Nam đa số là bông GMO.
Trước thực trạng sản phẩm GMO tràn ngập thị trường, Sở Khoa học - Công nghệ TPHCM đã đặt hàng Trung tâm 3 khảo sát, lấy mẫu kiểm nghiệm. Với 323 mẫu bắp, đậu nành, khoai tây, cà chua, gạo lấy ngẫu nhiên tại 17 chợ, siêu thị và cửa hàng ở TPHCM, Trung tâm 3 đã kiểm nghiệm và phát hiện có đến 1/3 là sản phẩm GMO, gồm bắp hạt, bắp trái, bột bắp và sản phẩm thực phẩm chế biến từ bắp; hạt giống, nguyên liệu và sản phẩm chế biến từ đậu nành; khoai tây và sản phẩm chế biến từ khoai tây; gạo và sản phẩm chế biến từ gạo; cà chua, đậu hà lan... Tuy nhiên, hiện trung tâm này không kiểm nghiệm sản phẩm GMO nữa.
Người tiêu dùng bị lừa
"Chị có biết về sản phẩm biến đổi gen không?", câu hỏi được đặt ra cho chị Nguyễn Thu Thủy (Gò Vấp, Hồ Chí Minh) khi chị đang lúi húi mua sữa đậu nành, bim bim khoai tây lát... cho con. Chị chia sẻ: Mình có nghe nói qua qua nhưng cũng không hiểu, tuy nhiên, hàng hóa bây giờ đều có đầy đủ thông tin trên bao bì, nếu là sản phẩm GMO thì nhà sản xuất phải ghi rõ ràng, ai thích thì dùng, còn ai chưa tin tưởng thì để người mua tự quyết định. Thấy có thông tin Hồ Chí Minh nói có nhưng chưa bao giờ thấy bất kì sản phẩm nào ghi liên quan gì đến GMO cả.
Không ở nhà làm nội trợ như chị Thủy, chị Kim Minh (Kế toán trưởng một chi nhánh ngân hàng ở quận 3, Hồ Chí Minh) cho biết: Mình thường xuyên cập nhập thông tin về GMO. Thấy vẫn tranh cãi nhau ghê lắm. Bên bảo độc, vô sinh, bên lại bảo tốt. Cùng một sản phẩm đáng lẽ chỉ có một vài điểm nhận xét lệch nhau còn có lý, đằng này lại hoàn toàn trái chiều. Nhà nước nên có thông tin chính xác, công bố rộng rãi trên truyền thông một cách chính thức vấn đề này. Hơn nữa, vấn đề chưa sang tỏ mà trong nước đã có sản phẩm là không tôn trọng người tiêu dùng trong nước.
Một trong những nhà khoa học theo dõi thường xuyên về GMO chia sẻ: "Kết quả điều tra của Bộ NN&PTNT công bố tại hội thảo về thực phẩm BĐG hồi tháng 9/2007 cho thấy, hầu hết các mẫu thức ăn chăn nuôi có mặt trên thị trường đều chứa sản phẩm BĐG. Mặt khác hiện nay dã có 3 loại cây trồng BĐG đang được trồng ở Việt Nam. Trong một số giống ngô BĐG mang gien BT được trồng lẫn với ngô bình thường tại TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương, các nhà khoa học đã xác định có hiện tượng trội gien. Điều lo ngại là các giống ngô này là do một số công ty nước ngoài thông qua trung gian đưa trực tiếp cho nông dân trồng và bao tiêu sản phẩm. Người dân tại Nam Trung Bộ và Tây Nguyên cũng trồng bông BĐG một cách tự phát. Điều này chứng tỏ rằng việc quản lý và giám sát cây trồng cũng như sản phẩm BĐG của nước ta còn rất yếu kém, vi phạm Luật an toàn sinh học. Do vậy cách tiếp cận với cây trồng BĐG ở Việt Nam cần hướng theo một lộ trình phù hợp".
Một thực tế nữa là Chính phủ đã có quy chế về việc quản lý sản phẩm hàng hóa là sinh vật GMO lưu thông, buôn bán trên thị trường phải ghi trên bao bì dòng chữ "Sản phẩm có sử dụng công nghệ GMO". Tuy nhiên, trên thực tế, hầu hết sản phẩm GMO bày bán đều không tuân thủ quy định này khiến người tiêu dùng càng thêm mù mờ.
Đại diện Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng, ông Đỗ Gia Phan tỏ ra lo lắng bởi hiện nay chưa có bằng chứng đảm bảo là thực phẩm biến đổi gene không gây ra những tác động tiêu cực cho sức khỏe con người, đặc biệt là về lâu dài. "Những sản phẩm này cần phải để bản thân người tiêu dùng quyết định. Nhưng vấn đề đặt ra là việc ghi nhãn thực phẩm biến đổi gene ở nước ta đã trở thành quy định bắt buộc nhưng việc triển khai, kiểm tra, quản lý như thế nào là điều cần bàn và giám sát chặt", ông Đỗ Gia Phan nói.
Ông Bùi Bá Bổng, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, sắp tới Bộ sẽ có báo cáo chính thức về vấn đề này. Bộ sẽ công khai tất cả thông tin liên quan đến GMO và lấy ý kiến rộng rãi từ nhân dân. Lộ trình sử dụng giống cây trồng này cũng được xác định chặt chẽ, có trọng tâm, trọng điểm và bước đi thận trọng.