• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tiền công đức phải quay lại phục vụ tôn giáo tín ngưỡng

Giải trí 22/03/2012 00:16

(Toquoc)- Nhà nước quản lý tiền công đức sẽ theo hướng công khai, minh bạch, có hiệu quả và đặc biệt là quay lại phục vụ tôn giáo tín ngưỡng, các hoạt động trùng tu, tôn tạo di tích, tổ chức lễ hội, vì mục đích chung của cộng đồng và xã hội chứ không dùng cho mục đích kinh doanh.

(Toquoc)- Nhà nước quản lý tiền công đức sẽ theo hướng công khai, minh bạch, có hiệu quả và đặc biệt là quay lại phục vụ tôn giáo tín ngưỡng, các hoạt động trùng tu, tôn tạo di tích, tổ chức lễ hội, vì mục đích chung của cộng đồng và xã hội chứ không dùng cho mục đích kinh doanh.

Trước thực trạng tiền công đức không kiểm soát được lượng thu, chi. Bộ VHTTDL đã giao cho Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam (VHNT) nghiên cứu, xây dựng Đề án quản lý tiền công đức trong các di tích, đền chùa, nơi thờ tự. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Lương Hồng Quang- Phó Viện trưởng Viện VHNT Việt Nam để hiểu rõ hơn về vấn đề này. Ông Quang khẳng định, Nhà nước quản lý tiền công đức sẽ theo hướng công khai, minh bạch, có hiệu quả và đặc biệt là quay lại phục vụ tôn giáo tín ngưỡng, các hoạt động trùng tu, tôn tạo di tích, tổ chức lễ hội, vì mục đích chung của cộng đồng và xã hội chứ Nhà nước không dùng tiền công đức cho mục đích kinh doanh.

+ Rõ ràng, công đức không phải là chuyện mới. Nhưng tại sao, bây giờ chúng ta lại đặt ra câu chuyện quản lý tiền công đức, thưa ông?

- Trong lịch sử, văn hóa truyền thống có công đức. Người ta công đức để tích phúc tích đức, có cầu xin nhưng đó không phải là tinh thần cơ bản. Ví dụ như những người hiếm muộn cầu xin có con cái, người có tai ương thì cầu tai qua nạn khỏi… Tinh thần cơ bản của hình thức công đức là tích phúc, tích đức.

Nếu minh bạch và công khai được việc quản lý tiền công đức cũng kích thích quá trình công đức của người dân đối với các cơ sở thờ tự (Ảnh: Hà An)

Trong các thiết chế văn hóa cũ có chế độ ruộng công, ruộng hậu, về cơ bản họ đều có nền tảng kinh tế. Trong các dịp lễ, sửa chữa lớn, người ta mới kêu gọi công đức. Chủ yếu thời đó công đức thường là để tu sửa đền, đình, chùa, còn nếu tu bổ rồi thì công đức đóng góp các nội thất bên trong như đồ thờ tự, thường là kêu gọi nhà giàu, các dòng họ.

Câu chuyện tiền công đức thực sự nở rộ từ những năm 90 của thế kỷ trước, nó là hệ quả của chính sách tự do tín ngưỡng, không coi lễ hội đình chùa là biểu hiện của hủ tục và mê tín dị đoan nữa. Nó còn là hệ quả của chính sách xã hội hóa văn hóa, thu hút các nguồn lực trong dân, bởi người công đức bắt đầu có tiền, không như ngày xưa chỉ lo sinh kế. Tựu chung lại, hiện nay người dân đang sống trong một tinh thần hướng về tâm linh, qua đó khẳng định bản sắc dân tộc. Về mặt xã hội học, trào lưu vị truyền thống đang “nóng”.

Công đức là biểu hiện rõ rệt cho xu hướng vị truyền thống hiện nay. Cuối cùng câu chuyện công đức nóng lên là do một số nhóm lợi ích thấy được lợi nhuận từ xu hướng vị truyền thống, được gán nhãn bởi cái mác “văn hóa nghệ thuật có khía cạnh thương mại”, có thể làm ra tiền, mặc dù câu chuyện nhìn ra khía cạnh thương mại của văn hóa là hoàn hoàn không có lỗi, một vấn đề lý luận cần phải tiếp tục đặt ra ở bình diện chính sách phát triển văn hóa.

+ Như vậy, trong truyền thống có quy định nào về việc công đức hay không?

- Công đức dựa trên những nguyên tắc nhất định. Đầu tiên phải được sự đồng ý của làng, không phải muốn công đức gì cũng được. Làng có nhu cầu bổ sung món này món kia như đôi liễn, đôi câu đối. Khi “bố cáo” trong làng thì các dòng họ, cá nhân phải xin làng, làng đồng ý mới được công đức. Không phải ai có tiền làng cũng lấy đâu. Đó là những người danh gia vọng tộc, không có tai tiếng, phải có tâm thì làng mới lấy. Đây cũng không phải đi xin mà chỉ là làng tạo cho một cơ hội để tích phúc tích đức, ghi dấu ấn với làng xã vì đây là chỗ danh vọng, một cơ hội khẳng định mình với cộng đồng. Tinh thần công đức bây giờ nói thẳng ra là xin. Cứ có bao nhiêu là tôi nhận, bất kể lí lịch của ông thế nào, càng nhiều tiền làng tốt. Việc công đức hiện nay đã đi theo tinh thần thế tục. Còn ngày xưa, họ có những nguyên tắc, những khuôn mẫu và giá trị văn hóa ẩn đằng sau việc đó.

+ Liệu chúng ta có phương án nào khả dĩ để có thể quản lý tiền công đức đang lâm vào tình trạng mất kiểm soát như hiện nay?

- Trong xã hội truyền thống thì nguồn thu ít, trừ khi có lễ hội, tôn tạo thì mới có các đợt quyên góp. Nhưng giờ nguồn thu đến hàng ngày và không hề nhỏ, đòi hỏi phải có quản lý và quan trọng là tỷ lệ phân chia. Phải hiểu rằng đấy không phải tiền của riêng ai mà là tiền của người dân, của xã hội cho việc tâm linh, không cho riêng ông trụ trì hay ông từ đền nào mà công đức cho cơ sở đó.

Quản lý tiền công đức chưa phải là đánh thuế nhưng đứng về mặt nguyên tắc mà nói thì các khoản thu đều phải được đánh thuế, dù thuế đó là 0%. Phải quản lý nó một cách công khai, minh bạch, có hiệu quả và đặc biệt là hiệu quả theo hướng quay lại phục vụ tôn giáo tín ngưỡng nói chung, các hoạt động trùng tu, tôn tạo di tích, tổ chức lễ hội, vì mục đích chung của cộng đồng và xã hội chứ không phải vì nhóm lợi ích nào đó. Nhà nước coi đây là một nguồn thu đáng kể phải được kiểm soát, cân đối bù đủ thu chi, phục vụ cơ sở thờ tự, phục vụ nhân dân. Nhà nước thu nhưng không coi đó là nguồn vốn để đầu tư kinh doanh mà lại đầu tư vào phúc lợi xã hội ưu tiên cho địa bàn dân cư đấy hoặc kết nối điểm thờ tự đó với những nơi khác.

+ Nhiều cơ sở thờ tự, đền chùa lâu nay vẫn tự quản lý, thu chi tiền công đức, không bị bó hẹp bởi quy định, theo ông, họ có đồng tình để Nhà nước quản lý không?

- Tôi nghĩ rằng nếu có sự đồng thuận của các vị chức sắc tôn giáo, tín ngưỡng thì sẽ có hành lang pháp lý, tốt cho mọi người, tốt cho Nhà nước cộng đồng, người thực hành tôn giáo, tín ngưỡng, không bị mang tiếng. Nếu ai nói đó là vi phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo thì không đúng, là hoàn toàn hiểu sai tinh thần của tự do tôn giáo. Tất cả các cơ sở tôn giáo, tổ chức từ thiện xã hội tiến hành các hoạt động công đức, quyên góp đều phải chịu sự kiểm soát của luật pháp, nếu không sẽ thành “tư lợi”.

+ Vậy theo ông, với cá nhân người làm công đức, phải nhận thức rõ việc công khai, minh bạch và có quản lý của Nhà nước trong vấn đề này như thế nào?

-  Phải tuyên truyền với người đi công đức rằng, công đức không phụ thuộc vào số lượng mà là sự thành tâm, ý nguyện của công đức quan trọng là tích phúc, tích đức, làm việc thiện chứ không phải là cơ hội cầu xin, mua bán thánh thần, mặc cả. Sự công đức cũng phải tuân theo các khuôn mẫu truyền thống, ví dụ như là vào chùa không nên cúng đồ mặn, cung tiến thì tinh thần là vì cái chung chứ không nhân cơ hội này khoe danh, khoe của. Trong truyền thống cũng đã có quy định rõ, cúng đôi liễn, câu đối không được khắc tên gia đình… Còn đứng ở góc độ người đi công đức thì họ cũng có quyền được biết tiền công đức được sử dụng như thế nào, để họ thấy tiền mình bỏ ra đúng mục đích, không bị lạm dụng. Nếu minh bạch và công khai được việc quản lý tiền công đức cũng kích thích quá trình công đức của người dân đối với các cơ sở thờ tự.

+  Xin cảm ơn ông!

Hà An (thực hiện)





Quản lý tiền công đức: Mỗi nơi một kiểu


NỔI BẬT TRANG CHỦ