• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tiền đâu làm cao tốc Bắc- Nam?

Thời sự 08/10/2016 13:00

(Tổ Quốc) -Bộ Giao thông Vận tải vừa trình Chính phủ đề án đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Bắc- Nam phía Đông đoạn Hà Nội- TP.HCM đến 2020 với kinh phí ước khoảng 230.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đề án này vấp phải sự phản đối của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khi các Bộ này cho ý kiến.

Theo đó, Bộ Giao thông Vận tải tính toán, giai đoạn 1 đầu tư 4 làn hạn chế với tổng kinh phí khoảng 229.829 tỷ đồng, trong đó nhà đầu tư huy động 136.286 tỷ đồng và Nhà nước hỗ trợ 93.534 tỷ đồng (40,7%).

Bộ này kiến nghị Chính phủ bổ sung vốn ngân sách Nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 với kinh phí khoảng 93.544 tỷ đồng.

Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải xin Chính phủ cơ chế đặc thù về bảo lãnh doanh thu, bảo lãnh rủi ro tỷ giá, bảo lãnh của Chính phủ đối với khoản vay để kêu gọi nhà đầu tư nước ngoài, ngân hàng, tổ chức tín dụng nước ngoài tham gia…

Do nguồn lực đầu tư tuyến cao tốc lớn, khi cho ý kiến về dự án, Bộ Tài chính cho biết, vấn đề vốn ở đâu hiện vẫn chưa có câu trả lời xác đáng.

“Với số vốn như vậy sẽ tác động rất lớn đến tổng thể cân đối tài chính ngân sách quốc gia nên còn nhiều vấn đề cần phải được nghiên cứu, làm rõ. Vốn đề xuất của đề án khoảng 230.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2017-2020 là rất lớn so kế hoạch đầu tư công trung hạn đang được xây dựng. Khoản này cũng được cho là chưa phù hợp với quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước” - Ý kiến của Bộ Tài chính cho biết.

 Cao tốc Pháp Vân, Cầu Giẽ. Ảnh minh họa: VnEconomy.

Bộ Tài chính đề nghị Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, sắp xếp các thứ tự ưu tiên, cân đối vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 của Bộ Giao thông Vận tải trong phạm vi tổng cân đối chung đã dự kiến, trình Quốc hội thông qua theo quy định.

Trường hợp không cân đối được nguồn vốn ngân sách Nhà nước như dự kiến trong đề án thì Bộ Tài chính cho rằng, phải nghiên cứu lùi thời điểm thực hiện đề án này.

Ngoài ra, Bộ Tài chính thẳng thắn cho hay, thời gian qua, các ngân hàng thương mại trong nước đã triển khai cho các nhà đầu tư BOT ngành giao thông vay ở mức cao nên khả năng tiếp tục cho vay trong thời gian tới là không còn nhiều. Chính phủ cũng không nên can thiệp vào quyết định cho vay vốn của các ngân hàng thương mại để đảm bảo hiệu quả cho vay.

Trong khi đó, quan điểm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là, Bộ Giao thông Vận tải cần có đánh giá tác động qua lại giữa việc thu phí hoàn vốn các dự án đường cao tốc với việc thu phí quốc lộ 1 trên những đoạn đã được đầu tư theo hình thức BOT và đang khai thác trong bối cảnh dư luận xã hội đang có nhiều ý kiến đối với việc thu phí hoàn vốn các dự án.

Về vấn đề phát hành trái phiếu Chính phủ có bảo lãnh của Chính phủ, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, hiện Chính phủ đang tiếp tục thực hiện cơ cấu lại ngân hàng thương mại và xử lý nợ xấu, để đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng và thực hiện theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng, đề nghị không nâng mức trần dư nợ tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan như đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải.

Ngoài ra, Chính phủ cũng chỉ đạo, từ năm 2017, tạm dừng phê duyệt chủ trương cấp bảo lãnh cho các dự án mới để đảm bảo an toàn nợ công.

Được biết, dự án trục Bắc-Nam có tham vọng kết nối trung tâm chính trị Thủ đô Hà Nội và trung tâm kinh tế TP.HCM đi qua địa phận 20 tỉnh, TP.

Hiện, 4 tuyến đường cao tốc đã đưa vào khai thác, tổng chiều dài 171km gồm Pháp Vân-Cầu Giẽ (30km), Cầu Giẽ-Ninh Bình (50km), TP.HCM-Trung Lương (40km), TP.HCM-Long Thành-Dầu Giây (51km), đồng thời đang triển khai thi công 299km. Đến hết năm 2020 sẽ hoàn thành, đưa vào khai thác 470km.

Theo Bộ Giao thông Vận tải, để thông tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông đoạn Hà Nội-TP.HCM (theo quy mô tối thiếu 4 làn xe) cần tiếp tục đầu tư hoàn thành 1.372 km./.

Thái Linh

NỔI BẬT TRANG CHỦ