• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tiến sĩ Bùi Việt Hoa: Làm tỏa sáng văn hóa Việt

24/11/2008 05:04

Từ Phần Lan trở về, TS Bùi Việt Hoa mang theo “tài sản” mới: Sử thi Việt Nam “Con cháu Mon Mân” dày 700 trang! Tác phẩm văn học với 16.500 câu thơ này đã khiến đồng nghiệp và bạn bè ngỡ ngàng, nể phục.

Từ Phần Lan trở về, TS Bùi Việt Hoa mang theo “tài sản” mới: Sử thi Việt Nam “Con cháu Mon Mân” dày 700 trang! Tác phẩm văn học với 16.500 câu thơ này đã khiến đồng nghiệp và bạn bè ngỡ ngàng, nể phục.

 

Từ một dịch giả sử thi

Giữa những năm 90 thế kỷ trước, giới văn học Việt Nam đã từng biết đến một Bùi Việt Hoa dịch giả, khi chị chuyển ngữ gần 23.000 câu thơ Sử thi Phần Lan Kalêvala sang tiếng Việt. Đó là kết quả của một tình yêu mãnh liệt chị dành cho đất nước Phần Lan xinh đẹp.

Được biết, đầu những năm 1980, khi còn là sinh viên trường ĐH Văn học và Ngôn ngữ Hungary), chị đã theo học thêm ĐH Ngôn ngữ và Văn hóa Phần Lan. Hè năm 1986, khi sang thực tập tại đất nước Phần Lan, chị đã được gặp những nhà nghiên cứu văn hóa và văn hóa dân gian Phần Lan. Từ sự yêu mến, khuyến khích của họ, chị đã quyết định tham gia nghiên cứu văn hóa nước bạn. Năm 1987, sau khi trở về nước, Bùi Việt Hoa đã dũng cảm bắt tay vào dịch Sử thi Kalêvala trong nỗi niềm “Cơm áo không đùa với khách thơ”. Thật không ngờ, năm 1994, cuốn Sử thi Kalêvala được ấn bản bằng tiếng Việt đã gây tiếng vang lớn: Hội Nhà văn Việt Nam đã xét chọn và trao giải thưởng “Sách dịch của năm”. Và dịch giả Bùi Việt Hoa- chỉ với một tác phẩm dịch duy nhất- đã đủ tiêu chuẩn để trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.

Bùi Việt Hoa sinh ra tại Hà Nội, cả bố và mẹ đều công tác tại ĐH Sư phạm Hà Nội (nay thuộc ĐHQG). Là một cô gái nhỏ bé, hiền dịu nhưng đầy nghị lực, với quyết tâm phải học lên nữa, chị đã theo đuổi việc quay lại Hungary để học nghiên cứu sinh và làm luận án tiến sỹ trong biết bao khó khăn, đặc biệt là hai con gái còn rất nhỏ. Chồng chị, Tiến sỹ Ngôn ngữ Võ Xuân Quế (lúc đó công tác tại Viện Ngôn ngữ học Việt Nam) đã hết sức động viên và tạo mọi điều kiện cho vợ ra nước ngoài làm Tiến sỹ vào năm 1999, anh đảm đương việc ở lại trong nước nuôi dạy hai con gái mới 3 và 6 tuổi. Rất may, sự nỗ lực của vợ chồng chị Hoa cũng được cuộc sống mỉm cười: TS Quế được nhận “buốc” dạy tiếng Việt và Văn hóa Việt Nam tại ĐH Tổng hợp Budapest, Hungary, thế là cả gia đình đoàn tụ tại đất nước Hungary xinh đẹp.

 

Trở thành người viết sử thi

Chính tình yêu văn hóa truyền thống Việt Nam, cộng với phương pháp nghiên cứu khoa học được tiếp cận ở những đất nước phát triển ấy trong nhiều năm đã thôi thúc Bùi Việt Hoa phải làm một điều gì đó nhằm không chỉ giữ gìn mà phải phát triển và truyền tải kho tàng văn hóa dân gian phong phú, đa sắc của 54 dân tộc Việt Nam ra nước ngoài, đặc biệt là kho tàng sử thi các dân tộc Việt Nam.

“Con cháu Mon Mân” được Bùi Việt Hoa xây dựng cốt truyện dựa theo mô típ chính trong thần thoại các dân tộc Việt Nam, phát triển từ hai chữ “đồng bào”: “người Việt được sinh ra từ “bọc trăm trứng” (thần thoại Việt), hay từ Trứng điếng (Sử thi Đẻ đất đẻ nước - Mường), hay từ một Quả bầu sau nạn hồng thủy (thần thoại nhiều dân tộc ít người), là “con Rồng, cháu Tiên”. Mạch truyện của “Con cháu Mon Mân” được bắt đầu từ lúc trời đất khai sinh, sự xuất hiện của con người, lớp lớp con cháu của Tiên và Rồng đã sát cánh đấu tranh cùng chiến thắng thiên tai, khai phá và xây dựng đất nước, cùng đoàn kết ba miền mới thắng được kẻ thù chung...

Để thực hiện tác phẩm, Bùi Việt Hoa đã nghiên cứu, tham khảo gần 100 Sử thi các dân tộc Việt Nam đã được các NXB ấn hành, đã về nước để đi điền dã  các vùng dân tộc thiểu số có vốn Sử thi miệng phong phú còn được lưu giữ, nghe các già làng hát và ghi âm lại để nghiên cứu, gặp gỡ các nhà nghiên cứu văn học dân gian ở các vùng giàu sử thi trao đổi kinh nghiệm sưu tầm và diễn giải, dịch sử thi tiếng dân tộc sang tiếng Việt. Để truyền tải được cốt truyện của mình, Bùi Việt Hoa đã không chỉ sử dụng nguồn tư liệu sử thi truyền thống và sử thi miệng, mà còn chọn lọc, xây dựng các tích truyện từ truyền thuyết, cổ tích, truyện thơ tự sự, ca dao, dân ca trữ tình... của các dân tộc Việt Nam.

Tác phẩm đã được NXB Văn học hợp tác với Quỹ Juminkeko (Quỹ chuyên về Kalêvala và Văn hóa Karelia của Phần Lan) xuất bản tại Việt Nam, dự kiến cuối tháng 11/2008 sẽ ra mắt bạn đọc (25/11/2008) Cầm trên tay cuốn sử thi của nữ Tiến sỹ Bùi Việt Hoa, tôi tin rằng phải có một tình yêu bỏng cháy đối với Tổ quốc thì cặp vợ chồng Tiến sỹ mới chấp nhận xa quê hương đằng đẵng như vậy để làm một chiếc cầu nhỏ văn hóa Việt với thế giới. Họ đã lặng lẽ góp phần cho văn hóa Việt tỏa sáng.

(Phụ nữ Thủ đô)

NỔI BẬT TRANG CHỦ