• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tín hiệu chiến lược từ hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Trung Á

Thế giới 20/09/2023 15:46

(Tổ Quốc) - Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm thứ Ba đã gặp lãnh đạo các nước Trung Á theo hình thức đối thoại C5+1 tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York, theo hãng tin AP.

Diễn ra bên lề kỳ họp thứ 78 của Đại hội đồng Liên hợp quốc, hội nghị đánh dấu cuộc gặp mặt lần đầu tiên quy tụ nguyên thủ của 5 quốc gia Trung Á và Mỹ. Các nhà lãnh đạo Trung Á tham dự bao gồm Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev, Tổng thống Kyrgyzstan Sadyr Japarov, Tổng thống Tajikistan Emomali Rahmon, Tổng thống Turkmenistan Serdar Berdimuhamedow và Tổng thống Uzbekistan Shavkat Mirziyoyev.

Mỹ ngày càng quan tâm tới Trung Á

"Tôi nghĩ đây là một thời điểm lịch sử. Chúng ta đang phát triển dựa trên mối quan hệ hợp tác chặt chẽ trong nhiều năm giữa Trung Á và Mỹ, một sự hợp tác dựa trên cam kết chung của chúng ta về chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ", ông Biden nói trong cuộc gặp.

Tín hiệu chiến lược từ hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Trung Á - Ảnh 1.

Hội nghị thượng đỉnh giữa nhà lãnh đạo 5 nước Trung Á và Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: AP.

Lưu ý rằng Mỹ đang đưa sự hợp tác lên tầm cao mới, ong Biden cho biết Washington mong muốn tăng cường hợp tác trong một số lĩnh vực như tài trợ an ninh của Mỹ cho khu vực, cuộc chiến chống khủng bố, kinh tế, an ninh năng lượng, tăng cường chuỗi cung ứng và quyền của người khuyết tật.

"Tôi muốn cảm ơn tất cả các ngài vì cuộc trò chuyện hiệu quả ngày hôm nay…và tôi mong được hợp tác với tất cả các ngài để làm được nhiều điều hơn nữa trong tương lai," ông Biden nói thêm.

Hội nghị thượng đỉnh nhấn mạnh sự quan tâm ngày càng tăng của Washington đối với các nước Trung Á.

Cơ chế C5+1 được khởi động từ năm 2014 như một diễn đàn để đại sứ và bộ trưởng ngoại giao của 5 nước Trung Á phối hợp với Mỹ về vấn đề Afghanistan. Tổng thống Biden hiện đã nâng cơ chế này lên cấp nguyên thủ.

Kadyr Toktogulov, cựu đại sứ Kyrgyzstan tại Mỹ, đã tham dự một cuộc họp của nhóm ngoại giao giữa 5 nước Trung Á và Mỹ hồi năm 2015 tại thành phố cổ Samarkand, thuộc Uzbekistan ngày nay.

Ông chia sẻ với báo chí Mỹ từ Praha: "Tôi thấy được sự tiến bộ mà C5+1 đã đạt được để lên tới cấp tổng thống chỉ trong vòng 8 năm. Tôi nghĩ đây là một bước tiến đáng chú ý". Ông nói thêm: "Thu xếp được sự kiện có mặt tổng thống Mỹ luôn là một vấn đề lớn".

Theo nhận định của tờ Forbes, Mỹ có nhiều mục tiêu khi tăng cường quan hệ với Trung Á và muốn khu vực này trở nên mạnh mẽ hơn. Theo Forbes, sáng kiến gần đây của Washington về việc tạo ra một hành lang thương mại giữa Ấn Độ, Saudi và châu Âu là dấu hiệu cho thấy Mỹ đang có nhiều mục tiêu toàn cầu. Và khi xét đến các khu vực, vùng Trung Á – nơi Con đường Tơ lụa cổ xưa đi qua – cũng có một vị trí địa chiến lược quan trọng.

Thêm vào đó, một Trung Á hùng mạnh, giàu có sẽ khiến các cường quốc khác như Nga và Trung Quốc phải lưu tâm hơn. Trung Á cho đến nay là nơi hai nước này khai thác được nguồn nguyên liệu thô rất lớn, như dầu Kazakhstan, khí đốt Turkmen, vàng Uzbek và nhiều sản phẩm khác.

Trung Á muốn nhận được sự công nhận nhiều hơn

Trung Á cho đến nay đã có nhiều bước đi tăng cường vị thế và sự kết nối chung trong khu vực. Cả 5 quốc gia đã thành lập một khối thương mại thống nhất bằng cách tạo ra một thị trường gắn kết với 70 triệu dân nhằm tăng cường vị thế và khuyến khích đầu tư nước ngoài. Theo tờ Forbes, người thúc đẩy chính cho việc này là Tổng thống Uzbekistan Shavkat Mirziyoyev. Ông Mirziyoyev đã đến thăm các nước láng giềng của mình nhiều lần ngay sau khi nhậm chức vào năm 2015 và đưa ra sáng kiến thương mại liên ngành.

Cho tới nay, Trung Á cũng đã cho thế giới thấy họ có những điều kiện tiên quyết để các đối tác quốc tế đến phát triển kinh doanh – tính liên tục về chính trị, ổn định tiền tệ, pháp quyền thương mại và nhiều điều khác. Các nước ở đây cũng đang thể hiện hiệu quả kinh tế mạnh mẽ. Chẳng hạn, Uzbekistan là một trong số ít nền kinh tế phát triển mạnh mẽ trong thời kỳ Covid, đặc biệt là nhờ xuất khẩu vàng mạnh mẽ. Và trong tương lai, khu vực còn rất nhiều tiềm năng. Ví dụ, với một chút trợ giúp, Uzbekistan có thể trở thành một trung tâm du lịch thách thức những đối thủ như Dubai. Trong khi đó, các trường cao đẳng công nghệ dạy tiếng Anh đang phát triển nhanh chóng để nuôi dưỡng các doanh nhân khởi nghiệp và các doanh nghiệp muốn đa dạng hóa chuỗi cung ứng.

Mong muốn của Trung Á về việc được toàn cầu công nhận nhiều hơn cũng đã thể hiện rõ ràng tại diễn đàn của Liên hợp quốc vào thứ Ba. Tổng thống 41 tuổi của Turkmenistan Serdar Berdimuhamedow cho biết: "Tôi tin rằng đã đến lúc bắt đầu một cuộc đối thoại toàn diện, trên khắp các lĩnh vực và có hệ thống giữa Trung Á và Liên hợp quốc".

Ông Toktogulov cũng lưu ý rằng cả năm quốc gia Trung Á đều có chính phủ thế tục, tương đối ổn định và hợp tác với Mỹ trong quá trình can thiệp vào Afghanistan.

Ông nói: "Tôi muốn thấy một tổng thống Mỹ sẽ đến thăm Trung Á, hoặc có lẽ một trong những hội nghị thượng đỉnh quy tụ 6 nhà lãnh đạo tiếp theo có thể được tổ chức ở Trung Á".

Trong phát ngôn kết thúc cuộc gặp với các nhà lãnh đạo Trung Á, ông Biden cũng cho biết: "Tôi mong sớm được gặp lại các ngài. Có thể ở một trong những quốc gia của các ngài."

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ