• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tín hiệu đối thoại với Syria: Thổ bác bỏ giữa căng thẳng lên đỉnh điểm

Thế giới 22/02/2018 16:49

(Tổ Quốc) - Thổ Nhĩ Kỳ bác bỏ thông tin tìm cách đối thoại với Syria giữa bối cảnh căng thẳng leo thang sau cuộc không kích ở Đông Ghouta.

"Thổ Nhĩ Kỳ bắn tín hiệu"

“Các quan chức tình báo Thổ Nhĩ Kỳ vẫn duy trì đường dây liên lạc trực tiếp hoặc gián tiếp nhằm giải quyết các vấn đề trong trường hợp khẩn cấp. Tuy nhiên, điều này sẽ không liên quan đến việc kết nối với chính quyền Tổng thống Syria”, Người phát ngôn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ - ông Ibrahim Kalin cho biết ngày 21/2.

Người phát ngôn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ - ông Ibrahim Kalin cho biết ngày 21/2. Ảnh:Getty Images

Các tuyên bố của ông Kalin diễn ra sau khi quân đội Thổ Nhĩ Kỳ mở cuộc tấn công vào các lực lượng thân chính phủ Syria khi lực lượng này vừa mới tiến vào khu vực Afrin ở phía Tây Bắc Syria.

Hãng thông tấn nhà nước Syria SANA đưa tin, các vị trí của Lực lượng phòng vệ quốc gia (NDF) thân chính phủ Syria đã bị tấn công ngay khi vừa tới Afrin. Đoàn xe NDF cắm cờ Syria tới Afrin từ chiều 20/2 (theo giờ địa phương) chở theo hàng trăm binh sĩ, nhằm ủng hộ lực lượng người Kurd tại đây đối phó với chiến dịch quân sự “Nhành Ô liu” của Thổ Nhĩ Kỳ.

Việc triển khai quân lính vào khu vực Afrin đã dấy lên xung đột căng thẳng giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ trong những ngày qua. Trong khi chính quyền ông Assad quyết tâm giành lại từng tấc đất của Syria thì sự tham gia của các siêu cường, bao gồm Nga, Mỹ, Iran và Israel lại khiến vùng đất này bước sang giai đoạn mới của xung đột. Cuộc khủng hoảng Syria đã xuất hiện bước ngoặt lớn với sự biến động trên chiến trường hồi cuối năm 2017 đánh bật lực lượng của Nhà nước Hồi giáo IS.

Chiến dịch “Nhành ô liu” của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria nhằm xua đuổi Các đơn vị vũ trang bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) ra khỏi khu vực. Thổ Nhĩ Kỳ luôn xem YPG giống như một tổ chức khủng bố vì có quan hệ với các tay súng thuộc đảng Công nhân người Kurd (PKK) bị cấm hoạt động ở Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, YPG lại được Mỹ hậu thuẫn tại Syria trong cuộc chiến chống khủng bố IS. Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng, lực lượng YPG ở Syria đã gây mất mát hết sức to lớn cho họ.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 20/2 đã cho biết: “Thổ Nhĩ Kỳ nên có cuộc đàm phán với Syria nhằm giải quyết vấn đề này. Tôi chắc chắn, các lo lắng an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ có thể được hóa giải và đảm bảo thông qua đối thoại trực tiếp với chính quyền Syria”.

“Thổ Nhĩ Kỳ cần phải có hành động cần thiết vì quyền lợi quốc gia. Chúng tôi kêu gọi chấm dứt các xung đột tại Afrin. Và đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có bất kỳ lời giải thích nào”, ông Kalin nói.

Nút thắt an ninh

Theo ông Elena Suponina -một chuyên gia Trung Đông tại Viện Nghiên cứu các vấn đề Chiến lược của Nga, chỉ khi Moscow tham gia hòa giải mới là lối thoát duy nhất giúp Tổng thống Erdogan bước ra khỏi tình hình khó khăn hiện tại. Thổ Nhĩ Kỳ dường như không thể rút ra khỏi Bắc Syria, tuy  nhiên, chúng tôi đang nói về việc chấm dứt hoạt động động quân sự tại Afrin.

“Thổ Nhĩ Kỳ có thể thiết lập một đường dây an ninh nhỏ nhằm ngăn chặn việc kết nối giữa người Kurd tại Afrin và các khu vực người Kurd khác tại phía Đông Bắc Syria”, ông Sami Nader - người đứng đầu Viện Nghiên cứu chiến lược Levant tại Beirut cho biết.

Cuộc tấn công tại Đông Ghouta ngày 19/2 đã trở thành cuộc không kích kinh hoàng nhất đối với người dân Đông Ghouta trong nhiều năm qua.

Liên Hợp Quốc lên tiếng

Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres ngày 20/2 cho biết ông "rất lo lắng" trước tình hình bạo lực leo thang tại khu vực Đông Ghouta, Syria.

Người phát ngôn LHQ Stephane Dujarric nói: "Tổng thư ký LHQ rất lo ngại về tình hình leo thang ở Đông Ghouta và ảnh hưởng tàn phá của nó đối với thường dân".

“Các cáo buộc về việc liên quan của Nga trong cuộc tấn công Đông Ghouta là vô căn cứ”,  Người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov nói với báo chí ngày 21/1.

Thụy Điển và Kuwait đã kêu gọi bỏ phiếu ngày 22/2 về một nghị quyết của Liên hợp quốc kêu gọi thực thi lệnh ngừng bắn kéo dài 30 ngày trên khắp Syria.

Bản dự thảo nghị quyết trên, ra bản cuối ngày 21/2, chỉ trích tình trạng bạo lực không thể chấp nhận, các cuộc tấn công vào thường dân ở một số khu vực Syria, đặc biệt là tại tỉnh Idlib và đông Ghouta - vùng ngoại ô thủ đô Damascus. Văn bản trên kêu gọi lệnh ngừng bắn bắt đầu 72 giờ sau khi nghị quyết được thông qua. Tài liệu này cũng nói rằng 48 giờ sau khi ngừng bắn bắt đầu thì các đoàn xe nhân đạo phải được phép "tiếp cận bền vững và không bị cản trở" tới các khu vực xung đột và LHQ cùng các đối tác phải được phép sơ tán các trường hợp khẩn cấp.

Đại sứ Nga tại LHQ Vassily Nebenzia trước đó đã gọi lệnh ngừng bắn 30 ngày này là không thực tế, và các nhà ngoại giao tiết lộ, trong các cuộc đàm phán về văn bản này thì ông Nebenzia cũng cho rằng nó không thể thực thi được. Thay vào đó, ông đề xuất một bản thay đổi khác– điều các bên đã bác bỏ, các nhà ngoại giao nói.

"Chúng ta không thể chỉ đơn giản quyết định rằng có một cuộc ngừng bắn. Đây thực sự là một quá trình lâu dài và phức tạp để đạt được. Ngừng bắn không thể diễn ra chỉ bằng cách nêu nó ra trong nghị quyết", ông Nebenzia cho biết ngày 21/2 trong phiên đàm phán.

 

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ