• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tín hiệu laser leo thang sóng gió Mỹ - Trung trên biển

Thế giới 03/03/2020 16:37

(Tổ Quốc) - Lầu Năm Góc cáo buộc Trung Quốc chiếu tia laser cấp quân sự vào máy bay do thám Mỹ tại Thái Bình Dương.

Trong khi sự chú ý toàn cầu tập trung vào đại dịch Covid-19 đang lan rộng nhanh chóng, thì căng thẳng Mỹ - Trung cũng gia tăng tại Thái Bình Dương – điều dấy lên một mối lo ngại khác với sự ổn định khu vực, theo trang Asia Times.

Lầu Năm Góc tuyên bố tuần trước rằng một tàu chiến Trung Quốc đã bắn tia laser cấp quân sự vào máy bay do thám P-8 của Hải quân Hoa Kỳ khi máy bay này thực hiện nhiệm vụ thường lệ ở khu vực hàng hải đang có tranh cãi gay gắt.

Không phải lần đầu có vấn đề về laser

Theo Asia Times, những tia laser như vậy có thể tạm thời làm mù các phi công bằng cách chiếu ánh sáng mạnh vượt qua một khoảng cách xa và vào sâu trong buồng lái máy bay.

Tín hiệu laser leo thang sóng gió Mỹ - Trung trên biển - Ảnh 1.

Mỹ và Trung Quốc vẫn đang tiềm ẩn những căng thẳng tại Thái Bình Dương. Ảnh: US military.

Tuyên bố của Hạm đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ cho biết: "Hành động của tàu khu trục hải quân [Trung Quốc]] là không an toàn và không chuyên nghiệp. Các tia laser cấp độ vũ khí có thể gây ra tác hại nghiêm trọng đối với phi hành đoàn và binh lính, cũng như các hệ thống tàu và máy bay".

Lầu Năm Góc cũng đã đưa vấn đề lên mạng truyền thông xã hội, khi tài khoản Instagram chính thức của Hải quân Hoa Kỳ cáo buộc Trung Quốc vi phạm bộ quy tắc ứng xử trong các trường hợp chạm trán không có kế hoạch trên biển, một thỏa thuận đa phương đã đạt được tại Hội nghị hải quân Tây Thái Bình Dương năm 2014 nhằm giảm sự cố trên biển.

Lầu năm góc cũng cảnh báo Trung Quốc: "Các ông có thể không muốn dùng lá bài laser với chúng tôi". Washington dự kiến sẽ nộp khiếu nại ngoại giao chính thức về sự cố laser này trong những ngày tới, theo nhiều trang tin.

Đây không phải là lần đầu tiên: năm 2018, các quan chức Mỹ cảnh báo các phi công rằng một căn cứ không quân của Trung Quốc ở Djibouti có thể đã nhắm vào các máy bay của họ bằng chùm tia laser cấp quân sự, điều khiến Washington đã đưa ra khiếu nại ngoại giao chính thức tới Bắc Kinh.

Sự cố mới nhất lần này có thể dấy lên một vòng "ăn miếng trả miếng" tại khu vực biển tranh cãi này - nơi cả Trung Quốc và Mỹ đang rơi vào một cuộc cạnh tranh để giành quyền lực vượt trội, theo Asia Times.

Các nhà phân tích chiến lược hiện đang cân nhắc liệu căng thẳng Mỹ-Trung trên diện rộng hơn, bao gồm cả liên quan đến cuộc chiến thương mại chưa được giải quyết của họ và những lời lẽ gay gắt trong bối cảnh cuộc khủng hoảng virus khởi phát tại Trung Quốc, có thể leo thang tình hình Biển Đông hay không.

Diễn biến trên Biển Đông

Hành động của Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh Mỹ tiến hành nhiều hoạt động tự do hàng hải (FONOPs) trong khu vực, bao gồm các cuộc diễn tập mà Trung Quốc nhiều lần chỉ trích.

Năm ngoái, Mỹ đã tiến hành mức cao kỷ lục với 9 hoạt động FONOP ở Biển Đông, tăng từ 9 hoạt động trong năm 2018 và 6 hoạt động trong năm 2017.

Vào tháng 1 năm nay, USS Montgomery, một tàu chiến chở quân độc lập, đã thực hiện hoạt động FONOP đầu tiên của Hoa Kỳ năm 2020, di chuyển trong phạm vi vài hải lý của Đá chữ Thập ở Biển Đông.

Tháng trước, Mỹ đã triển khai tàu khu trục tên lửa USS Wayne E Meyer di chuyển trong phạm vi 12 hải lý của Đá chữ Thập và Đá Vành Khăn. Một quan chức quân sự của Trung Quốc đã chỉ trích hành động này của Mỹ và cảnh báo Mỹ tránh những hành động khiêu khích như vậy để tránh mọi sự cố không thể đoán trước được.

Về phần mình, Lầu Năm Góc đã nhanh chóng bảo vệ cho các hoạt động FONOP mới nhất của mình, vốn đã tăng dần về tần suất dưới thời chính quyền của Tổng thống Donald Trump.

Reann Mommsen, phát ngôn viên của Hạm đội 7 Hoa Kỳ, khẳng định rằng tất cả các hoạt động được thực hiện theo luật pháp quốc tế và rằng Hoa Kỳ sẽ bay, di chuyển và hoạt động bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép.

Bên cạnh đó, có những dấu hiệu Washington đang ngày càng lo ngại trước sức mạnh quân sự đang gia tăng nhanh chóng của Bắc Kinh và việc Trung Quốc tăng cường ngân sách quốc phòng để hỗ trợ cho tham vọng hàng hải của nước này.

Ông Chad Sbragia, phó trợ lý bộ trưởng quốc phòng Mỹ về Trung Quốc cũng nói về những khó khăn trước thách thức xung đột với Trung Quốc: "Đây là một quá trình lâu dài. Chúng ta phải nhanh nhẹn, thông minh".

Điều trần vào tháng 2 trước Ủy ban đánh giá kinh tế và an ninh Mỹ-Trung, quan chức Lầu Năm Góc này khẳng định rằng Hoa Kỳ cần xây dựng và triển khai một lực lượng chung kiên cường, có tính sát thương hơn" để chống lại khả năng quân sự gia tăng của Trung Quốc.

Trong một diễn biến khác, sự cọ sát ngày càng tăng với các đồng minh lâu năm đang làm tăng thêm nỗi lo chiến lược của Mỹ.

Quyết định của Philippines hồi tháng trước hủy bỏ Thỏa thuận Lực lượng viếng thăm (VFA) kéo dài hàng thập kỷ với Hoa Kỳ, một hiệp ước cho phép triển khai quân đội và thiết bị của Mỹ trên đất Philippines, là mối quan ngại đặc biệt. Động thái này, nếu thực sự được thực hiện vào tháng 8 năm nay, sẽ làm giảm đáng kể khả năng của Mỹ về dự án triển khai lực lượng vào khu vực phía tây của Biển Đông.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ