• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tín hiệu mới về đối thoại Iran - phương Tây: Cơ hội nào cho thỏa thuận hạt nhân?

Thế giới 22/06/2023 16:15

(Tổ Quốc) - Theo CNN, đang có động lực hồi sinh tiến trình đàm phán xoay quanh chương trình hạt nhân của Iran.

Một nguồn tin ngoại giao thân cận với vấn đề này đã chia sẻ với CNN: "Các cuộc đàm phán giữa Iran và Liên minh châu Âu hôm thứ Tư (ngày 21/6) tập trung chủ yếu vào các điểm vướng mắc chính, bao gồm mức độ làm giàu hạt nhân của Iran và sự hợp tác của Iran với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA).

Nhiều tín hiệu tích cực

Nguồn tin này cho biết thêm, cuộc thảo luận kéo dài hai ngày tại Doha giữa nhà ngoại giao Liên minh châu Âu Enrique Mora và nhà đàm phán hạt nhân hàng đầu của Iran, Ali Bagheri-Kani, dường như "dẫn đến những phát triển tích cực về nhiều vấn đề".

Nguồn tin này, yêu cầu giấu tên, cũng đánh giá: "Môi trường hiện tại rất tích cực cho việc giảm căng thẳng".

Ông Mora trên Twitter cũng chia sẻ rằng các cuộc đàm phán tương đối "căng thẳng". Còn ông Kani đã bày tỏ trước đó rằng hai bên có một "cuộc họp nghiêm túc và mang tính xây dựng về một loạt vấn đề, bao gồm cả "các cuộc đàm phán về việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt". Đây là một ưu tiên chính của Tehran, quốc gia đã phải đối mặt với nhiều thách thức từ các lệnh trừng phạt trong năm qua của Liên minh châu  EU và Mỹ.

Tín hiệu mới về đối thoại Iran - phương Tây: Cơ hội nào cho thỏa thuận hạt nhân? - Ảnh 1.

Đang có nhiều tín hiệu tích cực trong tiến trình đối thoại Iran - phương Tây. Ảnh: Reuters.

Cuộc họp lần này cũng diễn ra một tuần sau khi ông Kani gặp gỡ quan chức từ các bên ký kết thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Tên gọi chính thức của văn bản này là Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA) và các nước châu Âu khác tham gia là Pháp, Đức và Vương quốc Anh.

Bộ trưởng Ngoại giao Iran Hossein Amir-Abdollahian cũng đang có chuyến thăm các nước vùng Vịnh. Ông đã tới thăm Doha vào thứ Ba, Oman và Kuwait vào thứ Tư và điểm dừng chân tiếp theo là Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất UAE. Cả Qatar và Oman đều từng đóng vai trò trung gian thúc đẩy đổi thoại giữa Iran và các cường quốc phương Tây.

"Người Iran đã đàm phán với người châu Âu và đàm phán gián tiếp với người Mỹ, với sự hỗ trợ của các bên như Qatar. Từ đó, đã có những phát triển tích cực về nhiều vấn đề liên quan đến cả hai bên với hy vọng tạo động lực tích cực cho JCPOA với người châu Âu và vấn đề giam giữ người với phía Mỹ," nguồn tin cho biết.

Vẫn cần nhiều nỗ lực với phía Mỹ

Sau thất bại trước đó trong tiến trình khôi phục JCPOA và giữa bối cảnh các cuộc biểu tình trên toàn quốc ở Iran, chính quyền của Tổng thống Biden vào tháng 10 năm 2022 cho biết thỏa thuận hạt nhân "không phải là trọng tâm của chúng tôi". Tuy nhiên, phía Mỹ vẫn cam kết thông qua ngoại giao để ngăn chặn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân.

Và vào cuối năm ngoái, các cuộc đàm phán đã lặng lẽ nối lại, với sự hỗ trợ của nhiều quốc gia, bao gồm cả Oman, đóng vai trò trung gian hòa giải. Một quan chức hàng đầu trong chính quyền Mỹ, ông Brett McGurk, đã nhiều lần tới Oman để thảo luận gián tiếp với các đại diện của chính phủ Iran.

Phía Mỹ đang nỗ lực nhằm đảm bảo việc trả tự do cho nhiều người Mỹ đã bị giữ ở Iran - điều được Washington gọi là ưu tiên hàng đầu. Có ba người Mỹ bị cho là đang bị giữ ở Iran: Siamak Namazi, Emad Sharghi và Morad Tahbaz.

Trước đây, cũng có một vấn đề khác gắn liền với thỏa thuận giải phóng những người bị giữ này là việc giải phóng hàng tỷ đô la tài sản của Iran bị đóng băng ở Hàn Quốc. Iran đã yêu cầu Hàn Quốc giải phóng 7 tỷ USD bị đóng băng tại các ngân hàng Hàn Quốc theo lệnh trừng phạt của Mỹ.

Và để xây dựng lòng tin cho Iran, Mỹ đã chấp thuận miễn trừ cho khoản tiền này, cho phép chuyển 2,7 tỷ USD từ Iraq sang các ngân hàng Iran. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller đánh giá đây là một động thái "phù hợp với tiến trình đang diễn ra".

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran tuần trước cũng cho biết Tehran đã trao đổi thông điệp với Mỹ thông qua Oman "vài tuần trước", đề cập tới các vấn đề hạt nhân, lệnh trừng phạt của Mỹ và những người bị giam giữ.

Tuy nhiên, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran nói rằng chính phủ của ông chưa nhất trí về bất kỳ cuộc đàm phán nào nhằm đạt được một thỏa thuận tạm thời để thay thế JCPOA.

Dưới thời ông Trump, chính quyền Mỹ đã rút khỏi thỏa thuận mang tính bước ngoặt này vào năm 2018 và để đáp trả, Iran đã gia tăng phát triển các chương trình hạt nhân của họ.

Một trọng tâm của các cuộc thảo luận hiện tại giữa phương Tây với các quan chức Iran là hạn chế làm giàu uranium. IAEA cho biết trong một báo cáo tháng 6 rằng kho dự trữ uranium được làm giàu của Iran đã tăng hơn 1/4 trong vòng 3 tháng.

Quá trình làm giàu uranium chính thức của Iran hiện đạt tới mức độ tinh khiết 60%. Uranium cấp độ vũ khí được coi là cần mức tinh chế lên tới trên 90%.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ