• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tình yêu với văn chương nhìn từ thư viện trường học

22/05/2015 16:53

(Toquoc)- Có lẽ, khi còn ngồi trên ghế nhà trường, những ai chót đem lòng say mê bộ môn văn học đều đã từng bước chân tới thư viện trường. Với lứa tuổi học trò, thư viện trường học luôn là nguồn cung cấp sách phù hợp nhất...

 

Nhớ lại mấy năm trước, trong một lần giảng dạy phần Lí luận Văn học, khi giới thiệu khái niệm “tiểu thuyết”, tôi đã nhận được những nụ cười rất cắc cớ, những cái gãi tai thay vì trả lời cho câu hỏi: bạn đã từng đọc tiểu thuyết chưa? Những khi ấy, mọi phương pháp giáo dục, nghệ thuật sư phạm trong suy nghĩ của tôi đều bất lực trước một thực tế: nhu cầu đọc, sức đọc sách văn chương ở lứa tuổi thanh thiếu niên, ở các trường phổ thông đang thực sự lâm nguy.

Vẫn giữ nguyên ấn tượng đó, cho đến một ngày tôi được theo một đoàn gồm nhà văn, nhà báo về tặng sách cho thư viện của một trường phổ thông. Dù đang là thời điểm sắp được nghỉ hè, không khí trường lớp vắng lặng hơn khi chỉ còn rất ít lớp ôn thi cuối khóa. Ấy vậy mà khi những thùng sách được đưa xuống từ xe, các em đón nhận rất nhiệt tình. Trong khi các thày, cô giáo, thủ thư còn đang bận làm các thủ tục giao nhận, phát biểu thì các em đã “ngấu nghiến” được mấy trang sách. Qua tâm sự của giáo viên, của những người làm thư viện mới hay: các em cũng rất “đói” , các thày cô cũng mong sách văn chương bởi không dễ tìm kiếm, sưu tầm. Ngẫm ra, nhu cầu đọc sách văn chương ở lứa tuổi học trò và hướng đi trong việc tìm kiếm nguồn sách văn học, cách tổ chức gặp mặt các nhà văn vẫn còn đang khá lúng túng trong khi ở rất nhiều nơi sách lại đang nằm đọng trong các kho, tủ sách.

Từ những bệ phóng là các thư viện trường học

Có lẽ, khi còn ngồi trên ghế nhà trường, những ai chót đem lòng say mê bộ môn văn học đều đã từng bước chân tới thư viện trường. Với lứa tuổi học trò, thư viện trường học luôn là nguồn cung cấp sách phù hợp nhất, đáng tin cậy và đem lại nhiều hiệu quả trong tiếp nhận tri thức. Việc lựa chọn những tác phẩm văn học để đưa lên kệ sách sẽ mở ra những hướng đọc rất tự nhiên cho các em. Bắt đầu từ nguyên tác của các tác phẩm được trích giảng trong nhà trường như Dế mèn phiêu lưu kí (Tô Hoài); Tuyển tập thơ Tố Hữu; Nhật kí trong tù (Hồ Chí Minh); đến các sách tuyển ca dao, dân ca Việt Nam; truyện cổ tích Việt Nam… Kế đến, mới là các tác phẩm chưa có điều kiện được đề cập đến trong chương trình phổ thông, như tuyển Thơ mới, văn xuôi 1930-1945; tuyển thơ kháng chiến; tiểu thuyết, thơ của các tác giả đương đại…

Sẽ là một việc tốn nhiều thời gian và công sức để thống kê về những đầu sách của các thư viện. Tuy nhiên, trong khuôn khổ bài viết này, người viết chỉ muốn đề cập tới những vấn đề cơ bản có ảnh hưởng trực tiếp tới các thư viện trường học và hiệu quả của nó trong việc bồi đắp tâm hồn các em.

Thứ nhất, các thư viện đang thiếu nguồn tác phẩm của các tác giả địa phương- những người gần gũi với văn hóa, không gian hiện thực sống với các em. Việc được tiếp nhận các tác phẩm như thế cũng giúp cung cấp những kiến thức về văn hóa, ngôn ngữ, lịch sử địa phương, nhằm hỗ trợ cho các bài giảng của giáo viên.

Thứ hai, ở các thư viện đang khá lúng túng hoặc chưa thực sự ý thức về sự phản hồi từ nhu cầu đọc của học sinh, giáo viên như: muốn được đọc tác phẩm, tác giả, loại sách nào… từ đó sẽ tạo ra sức hút với các đối tượng đọc của mình. Thay vì luôn gặp những cái lắc đầu, những nụ cười của thủ thư thay lời từ chối về sự khan hiếm những đầu sách mà họ mong muốn.

Thứ ba, các thư viện sách cần có những buổi giao lưu, tương tác giữa bạn đọc  với các tác giả, dịch giả, người biên tập sách trên địa bàn.

Những vấn đề cơ bản đó trước hết sẽ giúp cho các thư viện trường học hiệu quả hơn, hơn nữa sẽ góp phần nâng cao nhu cầu đọc ở lứa tuổi đang cần tiếp nhận nhiều tri thức, kinh nghiệm sống, đạo đức, văn hóa và các giá trị nhân văn.







Các em học sinh đọc sách tại thư viện trường (ảnh nxbctqg.org.vn)
 

… Đến sự gắn kết với các hội văn học, nghệ thuật địa phương

Hiển nhiên, để triển khai những vấn đề đã nêu trên trong các trường học lại chẳng hề đơn giản. Sự hạn chế về nguồn kinh phí, về địa bàn cư trú (vùng sâu, vùng xa, đường giao thông…), sự liên kết, cộng tác với các tổ chức văn học luôn là những rào cản với các nhà trường. Tuy nhiên, vẫn có những nguồn cung cấp sách, những lợi thế trong tầm tay mà chúng ta đang bỏ qua mà một trong số đó là các hội văn học, nghệ thuật địa phương.

Lâu nay, sự tồn tại của các hội văn học, nghệ thuật địa phương đang được nhìn nhận ở các góc độ rất mâu thuẫn. Các hội viên luôn mải mê sáng tác và nỗ lực trong việc in ấn, công bố tác phẩm. Trong khi, sự suy nghĩ, nắm bắt thông tin của độc giả, thày, cô giáo, học sinh trên địa bàn lại rất mơ hồ về những thông tin ấy. Hay nói cách khác, bạn đọc chưa có một sự gắn kết thực sự giữa các nhà văn sống và viết tại địa phương với chính những bệ phóng văn chương ở đó như các trường cao đẳng, các trường phổ thông ở đó. Câu chuyện về một cô giáo dạy văn  nào đó chẳng thể kể ra chính xác tên của một tác giả, tác phẩm ở địa phương khi được học trò hỏi cũng đâu phải là chuyện hiếm.

Bởi thế, sẽ là rất ý nghĩa nếu như nhà trường tạo ra sự gắn kết với tổ chức này. Bản thân các hội văn học, nghệ thuật, các tác giả luôn có trong tay một số lượng lớn tác phẩm văn học. Thậm chí, có rất nhiều bản của một đầu sách nằm lưu cữu nhiều năm trong kho như một sự lãng phía mà chưa đến được với những địa chỉ đọc đang rất cần và thiếu. Hơn nữa, các thư viện trường học sẽ dễ dàng tổ chức được các buổi giao lưu, giới thiệu tác phẩm, ngoại khóa làm tăng thêm tình yêu với văn chương, với văn hóa đọc cho các em. Chắn chắn, những lợi thế đó sẽ khắc phục được những khó khăn, hạn chế trong việc phát triển các thư viện trường học ở một góc độ nào đó. Đồng thời góp phần hỗ trợ ngành giáo dục trong hoạt động giáo dục thẩm mỹ, đẩy lùi các vấn nạn giáo dục đang rất nhức nhối trong những năm gần đây.

Bùi Việt Phương

NỔI BẬT TRANG CHỦ