(Toquoc)- Vào lúc 13h30 ngày 17/2 tại Hội trường tầng 4, toà nhà Vusta - 53 Nguyễn Du, Hai Bà Trưng, Hà Nội sẽ diễn ra toạ đàm mang tên: Nguyễn Văn Vĩnh và hành trình chữ Quốc ngữ.
(Toquoc)- Vào lúc 13h30 ngày 17/2 tại Hội trường tầng 4, toà nhà Vusta - 53 Nguyễn Du, Hai Bà Trưng, Hà Nội sẽ diễn ra toạ đàm mang tên: Nguyễn Văn Vĩnh và hành trình chữ Quốc ngữ.
Nguyễn Văn Vĩnh (1882-1936) là trí thức tân học, nhà báo, nhà văn tiêu biểu của Việt Nam đầu thế kỷ XX. Ông là người có công rất lớn trong việc phát triển tiếng Việt hiện đại. Nhà văn Vũ Ngọc Phan từng nhận xét: “Nguyễn Văn Vĩnh là người rất có công với quốc văn. Nhưng không phải chỉ nhờ ở những sách dịch…còn là vì ông đã đứng chủ trương một cơ quan văn học ( Đông Dương tạp chí) vào buổi mà đối với văn chương, mọi người hãy còn bỡ ngỡ. Ông đã hội họp được những cây bút có tiếng, gây được phong trào yêu mến quốc văn trong giới thanh niên trí thức đương thời”. Nguyễn Văn Vĩnh từng là chủ bút của tờ Đông Dương tạp chí tập hợp nhiều tác phẩm văn học, nhiều nhà văn danh tiếng đương thời trong nước cùng với mảng văn học dịch.
Lúc sinh thời, Nguyễn Văn Vĩnh luôn trăn trở: "...Làm sao cho chữ Quốc Ngữ trở thành chữ viết của dân tộc...”, "Nước Nam ta mai sau này, hay dở cũng ở chữ Quốc Ngữ".
Cuộc toạ đàm nhằm trao đổi về văn bản kiến nghị Nhà nước xem xét lấy một ngày trong năm để kỷ niệm Chữ viết Quốc gia, còn gọi là chữ Quốc ngữ và thành lập Hội đồng khoa học cấp Nhà nước đánh giá toàn bộ sự nghiệp văn hóa của Nguyễn Văn Vĩnh, vai trò lịch sử và những đóng góp của ông trong lịch sử văn hóa Việt Nam của gia đình ông.
Một số tham luận của những nhà nghiên cứu, nhà báo như Lại Nguyên Ân, Dương Trung Quốc, Mai Thành Chung về đề tài “Chữ Quốc ngữ” và vai trò của nhà báo, dịch giả Nguyễn Văn Vĩnh với những đóng góp trong sự nghiệp xây dựng, hoàn thiện và phát triển Chữ Quốc ngữ trong nền Văn học Việt Nam đầu thế kỷ XX… sẽ được trình bày trong buổi toạ đàm.
Toạ đàm do Nhà xuất bản Tri thức và Quỹ văn hoá Phan Châu Trinh tổ chức.
Hà Anh