(Cinet)- Sáng 31/10, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức cuộc tọa đàm khoa học nhân kỉ niệm 110 năm ngày sinh Giáo sư Hoàng Minh Giám (4/11/1904 - 4/11/2014) - Bộ trưởng đầu tiên của Bộ Văn hóa nước ta, nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
![]() |
|
Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh phát biểu tại cuộc tọa đàm. |
(Cinet)- Sáng 31/10, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức cuộc tọa đàm khoa học nhân kỉ niệm 110 năm ngày sinh Giáo sư Hoàng Minh Giám (4/11/1904 - 4/11/2014) - Bộ trưởng đầu tiên của Bộ Văn hóa nước ta, nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Tham dự tọa đàm có ông Nguyễn Thế Kỷ - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh cùng nhiều đại biểu đến từ các Bộ, ban, ngành, nhà nghiên cứu, những người đã được làm việc cùng Giáo sư Hoàng Minh Giám và đại diện gia đình ông.
Phát biểu tại cuộc tọa đàm, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh khẳng định: Giáo sư Hoàng Minh Giám đóng góp cho đất nước, cho cách mạng Việt Nam ở nhiều lĩnh vực. Ở cương vị nào ông cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, để lại những dấu ấn khó quên. Giáo sư Hoàng Minh Giám thực sự là tấm gương sáng, mẫu mực của người trí thức thời đại Hồ Chí Minh, cả đời tận tụy cống hiến vì nhân dân, vì đất nước, vì sự nghiệp cách mạng. Ông là Bộ trưởng đầu tiên của Bộ Văn hóa, và là người đảm đương chức vụ Bộ trưởng lâu nhất từ năm 1954 đến năm 1976. Trên cương vị Bộ trưởng, ông đã có những đóng góp nền móng, to lớn cho sự nghiệp bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Giáo sư Hoàng Minh Giám đã thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh “văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, Giáo sư Hoàng Minh Giám đã có công lao xây dựng ngành văn hóa với những tư tưởng, chương trình hành động mang tầm chiến lược...
![]() |
Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh tặng hoa cho đại diện gia đình Giáo sư Hoàng Minh Giám. |
Giáo sư Hoàng Minh Giám sinh ngày 4/11/1904 tại xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm ngoại thành Hà Nội, trong một gia đình nhiều đời khoa bảng, gốc ở xứ Đông Bình, Gia Bình, Bắc Ninh. Dòng tộc giáo sư Hoàng Minh Giám có rất nhiều người giữ các chức vụ cao trong các triều đại phong kiến Việt Nam như: Quan Thượng thư Bộ lễ Hoàng Phạm Thạch (1795 - 1849) và Quan Thượng thư Bộ lễ Hoàng Tướng Hiệp (1835 - 1885). Ông ngoại ông là Quan Thượng thư Bộ học Cao Xuân Dục, cha ông là cụ Phó bảng Hoàng Tăng Bí, một trong số những người sáng lập phong trào Đông Kinh nghĩa thục. Giáo sư Hoàng Minh Giám là nhà hoạt động chính trị, nhà ngoại giao, nhà giáo ưu tú và yêu nước của Việt Nam.
Sau khi tốt nghiệp trường Cao đẳng sư phạm Đông Dương, Hoàng Minh Giám đi làm nghề giáo ở Huế, Hà Nội, Phnôm Pênh (Campuchia). Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chính phủ giao nhiều trọng trách: Thứ trưởng Ngoại giao thay mặt Chính phủ ta nhiều lần thương thuyết với Chính phủ Pháp trong những năm kháng chiến chống Pháp. Từ tháng 7/1954, ông được Bác Hồ tín nhiệm, giao trọng trách đảm nhiệm cương vị Bộ trưởng Bộ Văn hóa. Ông làm công tác văn hoá trong suốt thời kỳ giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Trong hơn 20 năm công tác trong ngành văn hóa, ông đã xây dựng, truyền bá tư tưởng yêu nước và khát khao giải phóng dân tộc cho mỗi người dân. Phát triển sự nghiệp văn hóa dân tộc, tập trung hoạt động văn hóa ở cơ sở, địa phương, đơn vị sản xuất ở miền Bắc tạo thành “vũ khí” để cổ vũ, động viên công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa, khích lệ khát khao giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Ông đã phối hợp với Bộ Quốc phòng xây dựng, phát triển đời sống văn hoá phong phú trong quân đội trên chiến trường, giúp chiến sĩ sung sức khi ra trận, an tâm khi nhớ về hậu phương.
Tại cuộc tọa đàm, nhiều ý kiến, tham luận của các đại biểu đã góp phần khẳng định những đóng góp to lớn của Giáo sư Hoàng Minh Giám ở nhiều lĩnh vực như mặt trận tổ quốc, ngoại giao, văn hóa. Trên lĩnh vực văn hóa, Giáo sư Hoàng Minh Giám được đánh giá rất cao vì những đóng góp trong xây dựng ngành văn hóa cũng như đưa ra đường lối phát triển văn hóa Việt Nam. Thành tích lớn nhất của ông là đã phát huy văn hóa dân tộc, làm cho nó trở thành hoạt động mang tính quần chúng. Ông là người có công lớn trong việc phục hồi các loại hình nghệ thuật truyền thống như tuồng, chèo, cải lương, mà đến hôm nay trong hội nhập phát triển, ta mới thấy tầm vóc tư tưởng ấy là hoàn toàn đúng đắn. Ông cũng luôn quan tâm đến hệ thống tổ chức, xây dựng những thiết chế văn hóa: bảo tàng, thư viện, trường đại học...
Giáo sư Hoàng Minh Giám mất ngày 21/1/1995 tại Hà Nội, tên của ông đã được chọn để đặt tên cho đường phố ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh để tưởng nhớ, ghi ơn những đóng góp to lớn của ông với nhân dân, Tổ quốc.
T.H