• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tọa đàm về văn hóa tập tục của người Việt cùng NNC Phan Cẩm Thượng

Văn hoá 24/12/2017 23:11

(Tổ Quốc) - Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng tiếp tục mạch nghiên cứu về Những con người Việt Nam và sẽ có buổi ra mắt cuốn sách thứ hai "Tập tục đời người” trong bộ bốn cuốn về lịch sử văn hóa thường ngày của người Việt vào lúc 9g30 ngày 06/01/2018.

Buổi tọa đàm Văn hóa tập tục của người nông dân Việt Nam thế kỷ 19-20, giao lưu với tác giả- nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng còn có sự hiện diện của nhà nghiên cứu Trần Quang Đức (tác giả của cuốn sách “Ngàn năm áo mũ” nghiên cứu về trang phục người Việt) và nhà phê bình trẻ Mai Anh Tuấn, do Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội và Nhã Nam phối hợp tổ chức, tại L’Espace- 24 Tràng Tiền, Hà Nội.

Sau cuốn sách Văn minh vật chất của người Việt (tác giả Phan Cẩm Thượng, xuất bản năm 2011), là câu chuyện của các đồ vật do con người làm ra và sử dụng như thuyền bè xe cộ đi lại, giường tủ bàn ghế, nồi niêu xoong chảo… Những đồ vật ấy làm nên cái thế giới vật chất nhân tạo mà ta sống trong đó, biến đổi nó và cùng tiến hóa với nó. Nhờ phương pháp khảo cứu và phong cách viết đặc sắc, người viết đã sắp xếp các chủ đề tưởng như sẽ quá dàn trải, bằng văn phong linh hoạt, pha trộn khéo léo giữa cách viết nghiên cứu và cảm hứng nghệ sĩ, cuốn sách gần 700 trang trở nên nhẹ nhàng “dễ đọc”, không khô khan giáo huấn.

Tập tục đời người nói về sự hình thành phong tục ở thế kỷ 19 và 20 qua các nghiên cứu về con người sống ở làng thì sinh ra loại phong tục gì, ở thành phố sinh ra loại gì; rồi nguồn gốc phong tục như thế nào… Tác giả cũng nhấn mạnh về gốc gác của người Việt trong cuốn sách và lấy đó là khởi điểm cho việc nghiên cứu về tập tục của người Việt nói chung. Trong cuốn sách, bên cạnh một số tư liệu trích từ cuốn Kỹ thuật của người An Nam (Henri Oger), tác giả cũng vẽ nhiều hình minh họa để người đọc hình dung cụ thể hơn. Cuốn sách là những gì tác giả đúc rút được sau hơn 20 năm nghiên cứu, khảo cứu về phong tục văn hóa, tập tục của người nông dân Việt Nam trong thế kỷ 19-20.

So với cuốn Văn minh vật chất của người Việt, Tập tục đời người cũng có độ dày tương đối (khoảng 600 trang sách). Theo nhà nghiên cứu văn hóa Phan Cẩm Thượng thì bộ sách về văn minh người Việt sẽ có 4 cuốn, và “Văn minh ở đây hiểu là đời sống hằng ngày, ví dụ ăn ở, phong tục tập quán, tôn giáo, di chuyển, gia đình dòng tộc, vùng miền… Bộ sách sẽ có 4 phần về văn minh: Phần 1 là sinh hoạt vật chất; Phần 2 là phong tục tập quán của người nông dân thế kỷ 19-20; Phần 3 nói về vùng miền; Phần 4 nói về sự thay đổi xã hội Việt Nam hiện đại khi bước vào thế kỷ 19”.

“Một bộ sử Việt Nam, nhưng cần nói rõ: không phải lịch sử nước Việt với tư cách một quốc gia, mà là lịch sử người Việt Nam  trong cuộc sống làm người hằng ngày của họ… Ở đây, ta gặp một cái khác, nhỏ nhoi hơn, thường nhật và gần gũi hơn”- nhà văn Nguyên Ngọc chia sẻ về sách của nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng.

V.Vân

(Theo Zing, Thanh niên, Nhân dân)

NỔI BẬT TRANG CHỦ