• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tôn vinh vị Tiến sĩ Luật học đầu tiên của Việt Nam

Văn hoá 26/09/2016 14:33

(Tổ Quốc) - Nhân 140 Ngày sinh vị Tiến sĩ Luật học đầu tiên của Việt Nam- Luật sư Phan Văn Trường (25/9/1876-25/9/2016), Hội Luật sư Việt Nam, Trung tâm ứng dụng khoa học Pháp lý- Hiệp hội UNESCO Việt Nam, Báo Điện tử Tổ Quốc phối hợp với gia tộc họ Phan tại Việt Nam đã tổ chức lễ kỷ niệm trang trọng tại quê hương của Cụ, Làng Vẽ, Đông Ngạc, Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

Các đại biểu tham dự chụp ảnh lưu niệm

Tham dự buổi lễ có Luật sư Nguyễn Văn Chiến- Đại biểu Quốc hội, Tổng Thư ký, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Chủ tịch Đoàn Luật sư Hà Nội; Luật sư Nguyễn Tiến Dũng- Giám đốc Trung tâm ứng dụng khoa học pháp lý - thuộc Hiệp hội UNESCO Việt Nam; Bà Nguyễn Thị Hoàng Lan- Phó Tổng biên tập Báo Điện tử Tổ Quốc; đại diện gia tộc họ Phan tại Việt Nam: Thiếu tướng Phan Khắc Hải- Nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), PGS.TS Phan Văn Hiến, ông Phan Văn Cao- hậu duệ cụ Phan Văn Trường; cùng các luật sư, lãnh đạo các tổ chức hành nghề luật sư, phóng viên báo chí...

Sau lễ dâng hương tưởng nhớ vị Tiến sĩ Luật sư tài hoa, người có công lao to lớn trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, một nhà báo yêu nước, nhà văn hóa lớn, ngôi sao sáng nhất của lịch sử hơn 70 năm Luật sư Việt Nam, những người tham dự đã chia sẻ suy nghĩ, cảm nhận và mong muốn của mình trước những thành quả mà LS Phan Văn Trường tạo dựng.

Luật sư Nguyễn Văn Chiến- Đại biểu Quốc hội, Tổng Thư ký, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Chủ tịch Đoàn Luật sư Hà Nội

Phát biểu tại buổi lễ, LS Nguyễn Văn Chiến nói, được trở lại mảnh đất quê hương của vị Luật sư tài ba, đây là một vinh dự lớn. Thế hệ tiếp nối sẽ luôn noi gương LS Phan Văn Trường- người chiến sĩ cách mạng, tấm gương luật sư tiêu biểu của Ngành Luật Việt Nam, phấn đấu nâng cao vị thế của đội ngũ Luật sư Việt Nam. Ông mong rằng sau ngày này, Hội LS TP. Hà Nội sẽ có sự kết nối thường xuyên hơn với gia tộc họ Phan để hiểu rõ hơn về vị LS tài hoa Phan Văn Trường, đồng thời đề nghị Nhà nước ghi nhận, đánh giá sâu sắc hơn đối với vị Tiến sĩ Luật sư đầu tiên của Việt Nam.

Chia sẻ về sự gắn kết giữa nghề luật sư với nền báo chí cách mạng mà LS Phan Văn Trường đã có nhiều đóng góp trong những năm 1920- thời kỳ đầu của báo chí cách mạng Việt Nam, Nhà báo Đào Duy Mười, nguyên trưởng Ban bạn đọc- Báo Hà Nội Mới đã đề cao vai trò của hai tờ báo Chuông rè (La Cloche Fêlée) và Nước Nam (L'Annam) bằng tiếng Pháp tại Sài Gòn, trong quá trình đưa lý luận Chủ nghĩa Mác- Lê nin vào nước ta, tạo nên những nhân tố tích cực trong cuộc đấu tranh chống chế độ thực dân ở nước ta. Mặc dù thời gian xuất bản không dài nhưng đã gióng lên hồi chuông thức tỉnh tinh thần yêu nước vì hòa bình, tinh thần học tập để xây dựng một nước Việt Nam độc lập, hùng cường. Tinh thần TS.LS Phan Văn Trường mãi mãi là tấm gương sáng để các nhà báo noi gương theo để học tập, rèn luyện và trau dồi kiến thức pháp lý, phục vụ công tác chuyên môn.

Khẳng định tên tuổi, vị thế và những đóng góp của TS. LS Phan Văn Trường với Ngành Luật Việt Nam và trong nền báo chí cách mạng Việt Nam thời kỳ đầu thành lập, Thiếu tướng Phan Khắc Hải đã tự hào nói rằng LS Phan Văn Trường là một Luật sư cách mạng Việt Nam, một nhà báo cách mạng chân chính, một người tiên phong trong việc tuyên truyền đường lối, tuyên ngôn Đảng Cộng sản, vạch trần bản chất chế độ Thực dân Pháp. Ông đã rất khôn khéo khi sử dụng Quốc tịch Pháp để cất lên tiếng nói bảo vệ quyền lợi của người dân Việt Nam ngay tại Pháp, đây là điều hiếm có người Việt Nam nào thời kỳ đó làm được.

Sinh ra sau LS Phan Văn Trường tròn một thế kỷ (1876-1976), LS Nguyễn Văn Hà, Bí thư Đoàn Thanh niên Đoàn LSTPHN đại diện cho thế hệ luật sư trẻ Việt Nam hứa, sẽ tiếp tục phấn đấu, thực hiện những nguyện vọng, tư tưởng, tấm gương LS Phan Văn Trường. Với tư cách là những người chiến sĩ bảo vệ công lý, chiến sĩ cách mạng, cùng với những luật sư trẻ tại thủ đô và trên cả nước, cùng Đảng, Nhà nước và nhân dân xây dựng đất nước Việt Nam vững mạnh, thực hiện tốt mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Các đại biểu chụp ảnh bên tấm Văn bia Tiến sĩ Luật Khoa nước Pháp Phan Văn Trường

Cùng với nhiều ý kiến khác trong buổi lễ, Ban tổ chức cũng mong muốn các cấp trong Liên đoàn luật sư Việt Nam có kế hoạch và biện pháp cụ thể nhằm truyền bá cho các thế hệ luật sư mãi mãi noi theo tấm gương hiếu học và yêu nước của Tiến sĩ Luật học đầu tiên của Việt Nam- Luật sư Phan Văn Trường, người đã dành trọn cả cuộc đời cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ công lý và là một trong những người đầu tiên tạo lập nên truyền thống cho nghề luật sư ở Việt Nam.

TS.LS Phan Văn Trường thuở nhỏ học chữ Hán sau đó chuyển sang học chữ quốc ngữ rồi chữ Pháp. Sau khi tốt nghiệp Trường thông ngôn ở Hà Nội, cụ làm phiên dịch ở Phủ thống xứ Bắc Kỳ, sau đó sang Pháp theo học ngành luật tại Đại học Sorbonne, Paris. Cụ làm luận án Tiến sĩ về luật hình và trở thành tiến sĩ luật học đầu tiên của Việt Nam.  



Tại Paris, Cụ Phan Văn Trường gặp cụ Phan Châu Trinh, hai chí sĩ họ Phan đã lập ra “Hội đồng bào thân ái” do chính Cụ làm hội trưởng, là một trong những tổ chức đầu tiên của người Việt tại Pháp tập hợp những người Việt Nam sinh sống học tập lao động tại Pháp. Chính do hoạt động của hội này mà Cụ cùng với Phan Châu Trinh bị Pháp bắt và giam giữ gần 1 năm.     



Khi Nguyễn Ái Quốc đến Pháp, gặp Phan Văn Trường, thì chính nhà luật sư Việt kiều yêu nước này đã hỗ trợ Bác trong việc diễn đạt ra Pháp văn những ý tưởng chính luận của Bác một cách hùng hồn. Cái tên Phan Văn Trường cùng với Phan Châu Trinh và Nguyễn Ái Quốc đã hợp thành bộ ba thường xuyên có mặt trong các báo cáo mật của cơ quan an ninh Pháp.



Về mặt văn hóa, Cụ Phan Văn Trường có công là người đầu tiên chính thức đề xướng việc dùng chữ Quốc ngữ, là văn tự riêng cho người Việt.



Cụ từng mở văn phòng Luật sư tại Paris - thủ đô Cộng hòa Pháp, Cụ Phan Văn Trường và Nguyễn Ái Quốc là hai trong bốn người ký tên vào bản "Thỉnh nguyện thư của dân tộc An Nam" hay còn gọi là "Yêu sách của nhân dân Việt Nam" năm 1919.  



Cụ Phan Văn Trường cùng với Nguyễn An Ninh xuất bản báo Chuông rè và báo Nước Nam bằng tiếng Pháp tại Sài Gòn. Cụ tích cực đấu tranh chống các chính sách của thực dân Pháp, đòi dân chủ, đeo đuổi việc bác bỏ chủ nghĩa "Pháp - Việt đề huề" của Đảng Lập hiến.  /Cụ đã cho đăng một số bài của các báo Người cùng khổ (của Hội Liên hiệp thuộc địa), báo Nhân đạo (của Đảng Cộng sản Pháp), Diễn đàn thông tin quốc tế (của Quốc tế Cộng sản); đặc biệt Cụ là người đầu tiên đăng Tuyên ngôn Đảng Cộng sản của Karl Marx và Friedrich Engels trên báo.  



Cụ là một trong những tiến sĩ luật khoa đầu tiên của Việt Nam, là một học giả uyên bác, tinh thông cả hai nền Hán học và Tây học, là một tri thức yêu nước, tiến bộ.Cụ được người đời ngưỡng mộ bởi một con người học tập, sống và làm việc ở giữa trời Tây mà dám đứng lên chống thực dân Pháp. Nhờ kiến thức uyên bác của một luật sư mà Cụ luôn có vai trò nòng cốt trong các phong trào đấu tranh và giành nhiều thắng lợi.    



Năm 1922, Cụ ghi tên vào danh sách Đoàn luật sư Paris và hành nghề tại Toà thượng thẩm Paris. Cụ thường bênh vực quyền lợi của nhân dân nên được mọi người rất quý mến.

Bài: Minh Thư, Ảnh: Đăng Huy


NỔI BẬT TRANG CHỦ