• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tổng thống Donald Trump tiếp tục lún sâu vào bê bối

Thế giới 21/08/2017 16:09

(Tổ Quốc) - Bức tranh 7 tháng cầm quyền của Donald Trump là các vụ bê bối liên tiếp xẩy ra, trong khi thành tích là nghèo nàn.

Đến thời điểm này có lẽ ông Trump cũng nhận ra sự thật rằng quản lý một quốc gia và một đế chế lớn như Hoa Kỳ hoàn toàn khác quản lý một tập đoàn kinh tế gia đình.

Điều thấy rõ nhất là bê bối về nhân sự. Tình cảnh ông Trump dường như được miêu tả khá chính xác bởi nhạc sĩ quá cố Trịnh Công Sơn: “Từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ”.

“Người tình” bỏ chính quyền Trump mới đây nhất là Stev Bannon, cố vấn chiến lược của Nhà Trắng, có công giúp ông Trump giành chiến thắng trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng bằng việc thúc đẩy các thông điệp dân túy và chủ nghĩa dân tộc cực hữu. Nó phơi bày sự khủng hoảng về đường lối điều hành Nhà Trắng, về ý thức hệ của nhóm cầm quyền trước sức nặng của các thể chế Washington.

Steve Bannon đã chỉ trích các cố vấn khác của ông Trump là tỏ ra quá ủng hộ toàn cầu hóa và thiếu vắng tinh thần chủ nghĩa dân tộc và yêu nước. Điều đó thường kích động mối bất hòa với các cố vấn theo quan điểm ôn hòa hơn, những người mô tả ông Bannon không phải là “đồng đội”. 

Trước khi Steve Bannon ra đi, đã có những thay đổi gây đảo lộn tại Nhà Trắng cho các chức vụ chánh văn phòng, cố vấn an ninh quốc gia, người phát ngôn, hai nhóm cố vấn cao cấp kinh doanh và kinh tế… Việc thay thế những nhân vật chủ chốt Nhà Trắng chưa phải đã kết thúc, trong khi một số thành viên nội các cũng đã từ chức. Rex Tillerson cũng đang cân nhắc việc rời Bộ Ngoại giao.

 Donald Trump trở về Nhà Trắng sau kỳ nghỉ trước tình trạng cô lập và bê bối.

Đảng Cộng hòa sốt ruột

Sức ép của Quốc hội do đảng Cộng hòa chiếm đa số lên Tổng thống Trump ngày càng lớn khi cuộc bầu cử Quốc hội Mỹ giữa nhiệm kỳ và thống đốc bang diễn ra tháng 11/2018, trong đó toàn bộ Hạ nghị viện, 1/3 Thượng nghị viện và 1/3 thống đốc bang sẽ được bầu lại.

Song, sau 7 tháng “tả xung hữu đột”, chính quyền Trump chưa hoàn thành được một chương trình lớn nào mà Donald Trump từng cam kết. Dự luật bảo hiểm y tế nhằm thay thế Obamacare đã thất bại. Do không thể tìm được tiếng nói chung để thống nhất nội dung dự luật chăm sóc sức khỏe, các nghị sỹ Mỹ chuyển ưu tiên sang dự luật cải cách thuế. Tuy nhiên, những cuộc tranh cãi gay gắt lại tiếp tục nổ ra xung quanh vấn đề mức cắt giảm thuế doanh nghiệp như thế nào thì hợp lý và khả thi.

 Về đối ngoại nổi bật bốn bế tắc: Vấn đề Triều Tiên đã trở nên bùng nhùng với các cuộc đàm phán bên cánh gà, các vụ thử tên lửa liên lục địa của Triều Tiên và các cuộc đấu khẩu giữa Bình Nhưỡng và Washington. Tại Trung Đông, giới lãnh đạo Iran đe dọa có thể rút khỏi thỏa thuận hạt nhân 5+1 nếu chính quyền Trump không thực hiện các cam kết có đi có lại; tình hình có thể trở nên phức tạp khi lực lượng vũ trang dày đặc của Mỹ đối diện kho vũ khí chiến lược của Iran, lúc nào cũng có thể biến Vịnh Pecxich thành một lò lửa chiến tranh.

Trung Quốc chưa thấy có dấu hiệu thỏa hiệp trong các vấn đề thâm hụt thương mại. Hôm 8/8, Bộ Thương mại Mỹ tuyên bố quyết định đánh thuế đối với sản phẩm nhôm lá nhập khẩu từ Trung Quốc với tỷ lệ từ 16,5% đến 81%, tùy vào mức độ trợ cấp giá mà các nhà sản xuất nhận được từ chính phủ Trung Quốc. Tuy nhiên, cuộc đấu tranh giữa Mỹ với Trung Quốc và các quốc gia khác bị ảnh hưởng bởi biện pháp bảo hộ mậu dịch đối với các sản phẩm nhôm và thép bán vào thị trường Mỹ vẫn chưa ngã ngũ, với các cuộc điều tra kéo dài và các đối tác đe dọa trả đũa Mỹ.

Theo hãng tin Reuters, sự ra đi của ông Bannon có khả năng khiến chính sách thương mại ngả về nhóm “ủng hộ toàn cầu hóa” trong chính quyền ông Trump, điều có thể làm lắng dịu quan điểm của Mỹ đối với hai mục tiêu mà ông Trump nhắm tới, đó là Trung Quốc và Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA). 

Phản ứng nước đôi của Tổng thống Donald Trump ngày 12/8, về vụ bạo lực đổ máu nổ ra tại thành phố Charlottesville (Virginia) giữa những người biểu tình chống phân biệt chủng tộc với những người mang tư tưởng chủng tộc “da trắng thượng đẳng” thuộc nhóm KKK và phát xít mới, đã làm dấy lên sự chỉ trích của dư luận và có thể mang lại rủi ro chính trị cho Tổng thống cũng như đảng Cộng hòa. Một số thế lực chính trị, quân sự và truyền thông Mỹ tiếp tục dùng vấn đề Nga can thiệp vào bầu cử 2016 để kiềm chế Tổng thống và làm cho quan hệ Mỹ-Nga ngày càng tồi tệ.

Mâu thuẫn chủng tộc ở Mỹ tiếp tục gay gắt và lập trường nước đôi của Trump về sự kiện Charlottesville gây phản cảm đối với dư luận Mỹ.

Từ nay đến ngày bầu cử giữa nhiệm kỳ,  Tổng thống Trump không còn nhiều thời gian để ban hành các đạo luật thay đổi lớn mang lại công ăn việc làm và sự thịnh vượng cho bộ phận nền tảng ủng hộ ông trong cuộc bầu cử năm ngoái. Tình trạng yếu kém trong điều hành đất nước của Donald Trump sẽ bị khai thác gây bất lợi cho Tổng thống và đảng Cộng hòa./.   

Người bình luận

Người bình luận

NỔI BẬT TRANG CHỦ