(Toquoc) - Mặc dù tình hình tai nạn lao động có giảm, song tính chất vụ việc rất phức tạp...
(Toquoc) - Mặc dù tình hình tai nạn lao động có giảm, song tính chất vụ việc rất phức tạp, nguy cơ tai nạn gây chết người còn cao, đặc biệt là môi trường lao động của người lao động rất ít được các doanh nghiệp quan tâm đầu tư.
Đây là nhận định được đưa ra trong buổi tổng kết 6 tháng đầu năm về công tác an toàn lao động trên địa bàn sáng 15/7 tại Sở LĐ-TB&XH TP.HCM
Ông Nguyễn Quốc Việt, Trưởng phòng An toàn lao động - Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, cho biết 6 tháng đầu năm 2014 toàn thành phố đã xảy ra 37 vụ tai nạn lao động (TNLĐ ) chết người, làm chết 37 người và bị thương 1 người (giảm 16% so với cùng kỳ năm 2013).
Nguyên nhân dẫn đến TNLĐ là do điện giật, ngã cao, vật rơi đè, ngạt khí, nôt thiết bị. Đặc biệt, TNLĐ trong ngành xây dựng chiếm tỷ lệ đến 64,8%.
Cơ quan chức năng đang khám hiện hiệ trường vụ TNLĐ do điện giật gây chết người tại công trường trường cầu vượt Tân Vạn
Song song với TNLĐ chết người thì vấn đề vệ sinh và môi trường lao động cũng không được các doanh nghiệp quan tâm đầu tư. Theo Trung tâm Bảo vệ sức khỏe lao động và môi trường (Sở Y tế TP.HCM), trong 6 tháng đầu năm 2014 đã tổ chức khám phát hiện bệnh nghề nghiệp tại 82 đơn vị với 8.385 người lao động đang làm việc. Qua đó, có đến 863 ca cần theo dõi, đồng thời đã xác định 193 ca mắc bệnh nghề nghiệp (trong đó 170 ca loét da, điếc nghề nghiệp 19 ca, sậm da nghề nghiệp là 4 ca)...
Theo ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch Hội đồng bảo hộ lao động TP.HCM, cho biết công tác an toàn vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ vẫn còn xảy ra nhiều tình trạng vi phạm quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn. Nguy cơ TNLĐ, sự cố cháy nổ cao, nguy cơ công nhân mắc bệnh nghề nghiệp, bệnh môi trường lao động xấu vẫn xảy ra đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ.
“Xảy ra những tai nạn đáng tiếc trên là do việc quản lý các doanh nghiệp chế tạo, kinh doanh các sản phẩm máy, thiết bị, vật tư hóa chất... có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động chưa chặt. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý nhà nước các cấp không đủ lực lượng và cơ chế thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp, chậm xử lý những hành vi vi phạm pháp luật lao động nên cũng làm cho các doanh nghiệp xem nhẹ trách nhiệm của đơn vị trong việc chấp hành pháp luật về an toàn vệ sinh lao động.” – ông Nguyễn Văn Minh nói
Gia Thanh