• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

TP.HCM: ‘Ngốn’ hạ tầng, ‘đói’ an sinh

Thời sự 15/09/2013 22:37

(Toquoc) – Hàng năm TP.HCM đầu tư hàng tỷ USD cho hạ tầng trong khi lại lo ngại người dân tái nghèo.

(Toquoc) – Hàng năm TP.HCM đầu tư hàng tỷ USD cho hạ tầng trong khi lại lo ngại người dân tái nghèo.

Ai cũng biết, đầu tư cho hạ tầng nhằm phục vụ dân sinh và phục vụ phát triển kinh tế, tuy nhiên, nếu “vung tay quá trán” cho hạ tầng mà “quên” đi công tác an sinh sẽ gây ra những bất ổn xã hội.

Hiện TP.HCM đang nổi lên bức tranh tương phản khá rõ nét giữa việc đầu tư cho hạ tầng và đầu tư cho người nghèo.

Hừng hực các dự án nghìn tỷ

Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, hiện nay, thành phố đã xây dựng một danh mục các dự án dự kiến kêu gọi đầu tư theo hình thức BOT, BT trong giai đoạn sắp tới bao gồm 42 dự án với tổng mức đầu tư ước tính lên tới trên 158.000 tỷ đồng.

Ngay trong năm 2013, thành phố sẽ tập trung xây dựng 16 công trình giao thông trọng điểm được quy hoạch mới, 12 công trình chuyển tiếp từ những năm trước, 6 công trình sử dụng vốn ngân sách và 6 công trình sử dụng vốn ODA với tổng nguồn vốn đầu tư hơn 145.000 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách thành phố bỏ ra hơn 3.000 tỷ đồng.



Hàng loạt công trình tiêu tốn hàng trăm triệu USD…

Theo Sở GTVT TP.HCM, trong giai đoạn 2011 – 2015, nhu cầu vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông của thành phố ước tính lên tới 11 tỷ USD.

Năm 2012, TP.HCM đã khởi công tuyến Metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) trị giá 2,2 tỷ USD. Dự kiến, tuyến Metro số 2 (Bến Thành – Tham Lương) trị giá 1,37 tỷ USD sẽ được thi công đồng loạt vào năm 2013. Cũng trong giai đoạn này, thành phố đang xúc tiến các nguồn vốn để đầu tư 4 tuyến Metro còn lại, mỗi tuyến cũng trị giá hàng tỷ USD.

Về các dự án hạ tầng đô thị, sau một khoảng thời gian dài bị ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, hiện các dự án hạ tầng đô thị như Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2), Khu đô thị cảng Hiệp Phước (Nhà Bè), Khu đô thị Bình Quới – Thanh Đa (Bình Thạnh), Khu đô thị Tây Bắc (Củ Chi) đang có dấu hiệu khởi động.

Đáng chú ý nhất là Khu đô thị mới Thủ Thiêm và Khu đô thị Bình Quới – Thanh Đa, 2 Khu đô thị này đã và sẽ “đuổi” hàng chục nghìn người rời bỏ nhà cửa nhường lại đất đai cho chủ đầu tư. Tuy nhiên, rất khó để có thể kỳ vọng 2 Khu đô thị đình đám này hoàn thành theo đúng đề án quy hoạch đã phê duyệt bởi thời điểm xây dựng chưa phù hợp với tiềm lực của thành phố.

Theo các chuyên gia, các dự án này sẽ “ngốn” rất nhiều tiền của trong giai đoạn kinh tế vẫn còn khó khăn và tương lai tăng trưởng mù mờ. Minh chứng tại Khu đô thị Thủ Thiêm cho thấy, nhiều dự án có vốn đầu tư lên tới hàng trăm triệu USD đang ì ạch hoặc đắp chiếu. Theo BQL ĐT – XD Khu đô thị mới Thủ Thiêm, do khó khăn về tài chính nên một số chủ đầu tư chậm nộp tiền thuê đất vào ngân sách với số tiền lên tới hàng chục triệu USD.

Lo tái nghèo

Theo ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, trong những năm tới, thành phố sẽ áp dụng chuẩn nghèo mới, theo đó nâng chuẩn nghèo lên 16 triệu đồng/người/năm (mức cận nghèo hiện nay) thay cho chuẩn 12 triệu đồng/người/năm. Tuy nhiên, thành phố đang lo ngại nếu nâng chuẩn nghèo lên mức mới, sẽ xuất hiện nhiều hộ tái nghèo.



nhưng người nghèo vẫn nhan nhản trên đường phố.

Thực tế, công tác giảm nghèo của thành phố tỏ ra khá hiệu quả. Theo Ban Chỉ đạo chương trình "giảm nghèo, tăng hộ khá" TP.HCM, tính đến nay, toàn thành phố còn khoảng 38.690 hộ nghèo, (chiếm 2,1% tổng số hộ dân) có thu nhập dưới 12 triệu đồng/người/năm, giảm hơn 122.000 hộ nghèo so với năm 2009.

TP.HCM cũng đang đề ra mục tiêu thực hiện chương trình “giảm nghèo, tăng hộ khá” đạt tốc độ giảm nghèo trong 3 năm (2013 – 2015) từ 1,5 – 1,8% mỗi năm. Theo đó, thành phố phấn đấu đến cuối năm 2015 tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn dưới 1% tổng số hộ dân, hoàn thành mục tiêu cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn thu nhập 12 triệu đồng/người/năm trở xuống.

Tuy nhiên, bức tranh thực tế lại hoàn toàn trái ngược với mục tiêu mà thành phố đặt ra và những con số báo cáo bằng văn bản. Tám tháng đầu năm, số doanh nghiệp giải thể, phá sản trên địa bàn tăng cao hơn con số thành lập mới (giải thể, phá sản tăng 9,16%, thành lập mới tăng 5,4%). Tình trạng thất nghiệp nhan nhản và số người sống bằng nghề tự do gia tăng.

Ngoài ra, theo số liệu thống kê chưa chính thức, hiện TP.HCM có khoảng 2 triệu người nhập cư, trong đó hầu hết những người này đều không có hộ khẩu nên không thể quản lý được họ có phải là hộ nghèo hay không. Thực tế, phần lớn những người nhập cư đều có đời sống kinh tế vô cùng khó khăn, họ hầu như không được hỗ trợ gì.

Nếu so với số tiền mà thành phố bỏ ra đầu tư các dự án hạ tầng, thì số tiền Quỹ hỗ trợ người nghèo lại quá ít ỏi. Theo Sở LĐTB&XH TP.HCM, Quỹ giảm nghèo của thành phố đang quản lý chỉ vỏn vẹn hơn 252 tỷ đồng và Quỹ tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố đã cho hơn 50.000 lượt hộ nghèo vay vốn với số tiền chỉ hơn 800 tỷ đồng.

Bài, ảnh: Lê Nguyễn

NỔI BẬT TRANG CHỦ