• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tranh cãi thuế tài trợ, bảo tàng Louvre đứng trước tương lai "u tối"?

Văn hoá 12/10/2018 06:08

(Tổ Quốc) - Nguy cơ cắt giảm ưu đãi thuế tài trợ có thể khiến các bảo tàng và đơn vị nghệ thuật tại Pháp gặp khó khăn về tài chính.

Mới đây một đề xuất giảm mức ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp làm hoạt động từ thiện, đã gây tranh cãi lớn trong giới văn hóa Pháp. Theo trang artnews, nếu được thông qua, việc này có thể ảnh hưởng lớn tới các khoản tài trợ trị giá hàng triệu euro của các tập đoàn dành cho Bảo tàng Louvre và nhiều bảo tàng, tổ chức nghệ thuật hàng đầu tại quốc gia châu Âu.

Được áp dụng trong 15 năm qua, các ưu đãi thuế đã góp phần giúp tổng giá trị các khoản đóng góp từ thiện tại Pháp tăng gấp bốn lần. Tuy nhiên, các chính trị gia Pháp lại cho rằng, đây là một trong những lý do dẫn tới những gánh nặng thuế mà người dân đang phải chịu.

Tranh cãi thuế tài trợ, bảo tàng Louvre đứng trước tương lai u tối? - Ảnh 1.

Bảo tàng Louvre là một trong bảo tàng nhận được nhiều tài trợ nhất tại Pháp (ảnh: getty)

Hiện các nhân vật hàng đầu trong giới văn hóa – nghệ thuật Pháp đang tăng cường vận động hành lang để ngăn cản đề xuất thu hẹp các ưu đãi thuế liên quan tới hoạt động từ thiện của các doanh nghiệp. Họ e ngại, chỉ một thay đổi nhỏ cũng có thể khiến các khoản tiền đóng góp bị sụt giảm nghiêm trọng. Giờ đây, cuộc chiến xung quanh vấn đề này không chỉ dừng lại trong chính phủ, mà đã lan rộng lên cả các tờ báo hàng đầu của nước Pháp.

Jean-Jacques Aillagon, cựu Bộ trưởng Văn hóa Pháp và hiện là Tổng giám đốc của Quỹ Pinault, đang là nhân vật dẫn đầu trong những nỗ lực nhằm giữ nguyên quy định thuế, mà chính ông là người đã góp phần hiện thực hóa 15 năm trước. Trong một bài viết gần đây trên tờ Le Monde, ông Alliagon cảnh báo, chính phủ không được "ném chuột lại làm vỡ cả bình". Cựu Bộ trưởng cho rằng, việc coi các điều khoản liên quan trong bộ luật như một thủ thuật để trốn thuế - là một điều vô cùng sai lầm.

Sự rộng lượng của các nhà tài trợ... hầu hết đều nhờ vào những người nộp thuế

Gilles Carrez

Pháp hiện đang là quốc gia có các ưu đãi thuế lớn nhất tại châu Âu áp dụng cho hoạt động tài trợ của các doanh nghiệp. Được thông qua từ năm 2003, "Đạo luật Aillagon" quy định các công ty tài trợ trong lĩnh vực văn hóa có thể được miễn thuế lên tới 60% giá trị khoản tài trợ của họ (và không vượt quá 0,5% doanh thu hàng năm của công ty).

Đối với một số bảo tàng, chính sách trên đã tạo ra nhiều bất ngờ lớn. Theo một cuộc điều tra của nghị sỹ Gilles Carrez công bố vào cuối năm 2017, đơn vị nghệ thuật có được nhiều lợi ích lớn nhất từ hoạt động tài trợ của doanh nghiệp, là Bảo tàng Louvre. Trung bình mỗi năm bảo tàng này nhận được 12 triệu euro tiền tài trợ. Đứng sau Louvre là Cung điện Versailles, với số tiền tài trợ lên tới 10 triệu euro/năm. Trung tâm Georges Pompidou xếp thứ ba trong danh sách các trung tâm nghệ thuật được tài trợ nhiều nhất, với số tiền tài trợ trung bình hàng năm là 5 triệu euro.

Tuy nhiên, ưu đãi trên cũng khiến nước Pháp mất đi hàng triệu euro tiền thuế mỗi năm – tổng số tính đến năm 2016 là khoảng 930 triệu euro. "Cần lưu ý rằng, sự rộng lượng của các nhà tài trợ - đối với các trường hợp là công ty và cá nhân chịu trách nhiệm đóng thuế doanh nghiệp hoặc thuế thu nhập – hầu hết đều nhờ vào những người dân nộp thuế", tờ báo Pháp Lé Echos trích lời Gilles Carrez viết trong nghiên cứu năm 2017.

Trong 15 năm qua, tiền tư nhân đã được đổ vào các cơ quan văn hóa – nghệ thuật tại Pháp. Ngày nay, hầu hết các bảo tàng công, vũ đoàn, dàn nhạc và các danh thắng lịch sử tại Pháp đều dựa vào các khoản đóng góp từ doanh nghiệp và cá nhân, để hoạt động và tồn tại. Luật Aillagon cũng đã giúp khuyến khích sự bùng nổ của cơn sốt các bảo tàng tư nhân tại Pháp. Rất nhiều trong số này đã được thành lập trong vai trò của các tổ chức phi lợi nhuận. Theo Bộ trưởng Văn hóa Pháp Françoise Nyssen, tài trợ dành cho văn hóa tăng vọt từ 1 tỷ euro vào năm 2004 lên gần 4 tỷ euro trong năm nay.

Tuy nhiên, tất cả những điều trên rất có thể sẽ thay đổi khi Pháp thực thi ngân sách mới. Dự thảo ngân sách năm 2019 được thông qua vào ngày 24/9, bao gồm một đề xuất giảm ưu đãi thuế dành cho doanh nghiệp có hoạt động tài trợ. Các nhà lập pháp hy vọng, số tiền thuế thu được theo đề xuất mới có thể giúp hỗ trợ cho một kế hoạch hành động liên quan tới kinh doanh trị giá 1 tỷ USD - đã được Quốc hội phê chuẩn hôm thứ Ba (9/10).

Đề xuất thuế mới nhắm vào cái gọi là "lợi thế đôi", cho phép các công ty tài trợ cho các tổ chức từ thiện được hưởng các lợi ích gia tăng, bao gồm miễn tiền vé vào cửa và sử dụng miễn phí địa điểm cho sự kiện… Nó cũng kêu gọi giới hạn khoản tiền tài trợ được hưởng miễn thuế cho một doanh nghiệp ở mức 15 triệu euro/năm.

Một số ý kiến cho rằng, việc tài trợ không nên phụ thuộc vào ưu đãi thuế. Jean-Michel Tobelem, Phó giáo sư quản lý của Đại học Sorbonne, Paris đã có nhận định đáp trả cựu Bộ trưởng Aillagon, cũng trên tờ Le Monde. Theo ông Tobelem, việc giảm thuế không nên là yếu tố chủ chốt trong quyết định tài trợ, nhất là khi nó đem tới gánh nặng cho tài chính công. Ông cho rằng, các ưu đãi thuế cho doanh nghiệp làm từ thiện là "một sai lầm". Phó giáo sư phân tích, việc tài trợ nghệ thuật góp phần cải thiện hình ảnh cho thương hiệu; và không cần phải trao các lợi ích về thuế cho một doanh nghiệp, sau khi họ đã được ghi nhận trong lĩnh vực văn hóa.

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ