• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tranh dân gian Kim Hoàng: Con đường hồi sinh

23/02/2018 08:10

(Cinet) - Tranh dân gian Kim Hoàng đang dần được hồi sinh ở quê hương của nó, làng Kim Hoàng, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây cũ, nay là Hà Nội.

(Cinet) - Tranh dân gian Kim Hoàng hay còn gọi là tranh đỏ Kim Hoàng là một loại tranh dân gian rất đặc sắc của xứ Đoài nhưng gần như đã bị thất truyền nhiều năm trước đây. 3 năm trở lại đây, cùng sự nỗ lực của những người yêu mến tranh dân gian Kim Hoàng, loại tranh đặc biệt này đang dần được hồi sinh ở quê hương của nó, làng Kim Hoàng, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây cũ, nay là Hà Nội.

Anh Đào Đình Trung – Nghệ nhân tranh đỏ Kim Hoàng. Ảnh: Gia Linh



Dòng tranh đã thất truyền



Nhắc đến tranh dân gian của vùng đồng bằng Bắc Bộ nói riêng, cả nước nói chung người ta thường nhắc ngay đến tranh Đông Hồ (Bắc Ninh), tranh Hàng Trống (Hà Nội) nhưng ít ai biết rằng trong lịch sử tranh dân gian còn một loại tranh đặc biệt – tranh Kim Hoàng. Xưa kia, mỗi dịp Tết đến xuân sang, chơi tranh đỏ là một trong những phong tục đẹp của người Việt, màu đỏ của tranh cũng là màu của Tết, của mùa xuân.



Cùng với nhiều biến thiên của lịch sử, tranh Kim Hoàng gần như biến mất và dường như chỉ còn được lưu lại trong “kho báu” của các nhà sưu tầm và trong các cuốn sách cổ.



Anh Đào Đình Trung – Nghệ nhân tranh đỏ Kim Hoàng, một trong những người đầu tiên đặt nền móng phục dựng lại dòng tranh dân gian này chia sẻ, “Tranh Kim Hoàng của làng chúng tôi đã thất truyền rất lâu, từ khoảng những năm 1945 khi làng Kim Hoàng bị lũ lụt, vỡ đê Liên Mạc và lũ cuốn trôi hết bản khuôn. Qua 3 năm vừa rồi, chúng tôi đã bước đầu khôi phục lại dòng tranh dân gian này. Những bức tranh Kim Hoàng hiện nay được phục dựng từ các bức tranh cổ của một nhà sưu tập từ Pháp và đã rất khớp với các với những mẫu cổ từ xưa.”

Tranh dân gian Kim Hoàng với màu giấy đỏ đặc trưng. Ảnh: Gia Linh



Điểm đặc nổi bật nhất của tranh Kim Hoàng chính là màu giấy đỏ hay còn gọi là giấy hồng điều được dùng để vẽ tranh, khác với tranh Hàng Trống hoặc tranh Đông Hồ in trên giấy trắng mộc hoặc giấy trắng điệp. Màu đỏ cũng là màu của may mắn. Mặt khác, đề tài trong tranh dân gian Kim Hoàng cũng rất mộc mạc, gần gũi với cuộc sống người dân xứ Đoài như trâu, bò, lợn, gà, đời sống làng quê, ông Công, ông Táo, ông tướng…Màu sắc của tranh Kim Hoàng ngoài màu đỏ làm nền còn có màu đen khi in từ ván gỗ lên giấy và màu trắng, vàng, xanh lá cây, xanh da trời, chàm, tím, hồng…được vẽ, tô sau khi in xong nên tổng thể bức tranh rất sinh động, nổi bật.



“Đặc điểm tranh Kim Hoàng của chúng tôi là được làm trên nền giấy đỏ. Tranh Kim Hoàng có 03 mầu giấy là đỏ cờ, đỏ hồng điều và màu cam. Trên nền giấy đỏ cổ truyền, cha ông chúng tôi đã tạo mẫu gà, mẫu lợn… đơn xơ, mộc mạc nhưng rất có chiều sâu. Đặc biệt, nhân dịp năm Mậu Tuất 2018, chúng tôi đã tạo thêm mẫu tranh Nghê, một linh vật Việt nhưng vẫn mang đúng chất tranh Kim Hoàng xưa”, anh Trung chia sẻ.



Con đường hồi sinh…



Không chỉ có hình ảnh, các bức tranh Kim Hoàng còn có cả những câu thơ chữ Hán được viết theo lối chữ thảo phía trên góc trái bức tranh. Như trong đôi tranh “Con Gà”, bức bên trái có viết “Đông phương dị hiệu thực tà thần/ Kim cựa hoa khôi quán ngũ văn/Hộ hộ khả lệnh quần quỷ tị/ Môn môn chùng khán vạn liên xuân”; bức bên phải đề “Thần kê ngũ đức thái thượng hình/Cảnh cựa côn lôn đẩu hóa thành/ Quỷ không thần kinh ta tẩu tán/Trấn chi môn hộ thọ trường sinh”.  Cả thơ và hình vẽ được thể hiện hài hòa, chặt chẽ trong một bức tranh Kim Hoàng. Và để làm được điều này các nghệ nhân cần có sự am hiểu về hội họa cũng như chữ Hán. Đây cũng là một trong những khó khăn lớn khi phục dựng lại dòng tranh dân gian này.

Nhiều người yêu mến tranh dân gian, yêu văn hóa truyền thống đã biết và tìm đến với tranh Kim Hoàng.

Ảnh: Gia Linh



“Khó khăn nhất trong việc phục dựng tranh với chúng tôi là tìm lại những mẫu khuôn. Chúng tôi đã tìm những nghệ nhân giỏi nhất để phác họa lại mẫu khuôn của làng xưa kia. Bên cạnh đó, còn có nhiều khó khăn, nhưng tôi bắt tay vào giải quyết từng bước một, lần đầu tiên làm rất vất vả và hỏng cũng rất nhiều. Đến thời điểm hiện tại, bản thân tôi đã tạo nên được những mẫu tranh, mẫu khuôn truyền thống trên nền giấy đỏ của làng. Vì giấy đỏ của chúng tôi là gam mầu rất mạnh, để tạo nên những gam màu hiện lên trên nền giấy đỏ rất khó. Tôi làm tranh quanh năm, thực ra tính kinh tế trước mắt thì không đủ bởi mình vừa làm vừa phải đi học. Thời gian nghỉ thì học hỏi thêm về sắc tố dân gian để tạo thêm các gam màu phù hợp với dòng tranh của mình; học thêm chữ Hán Nôm để hiểu ý nghĩa các câu thơ trên tranh”, anh Trung nhấn mạnh.



Con đường hồi sinh lại tranh Kim Hoàng vẫn còn vô vàn khó khăn nhưng tín hiệu đáng mừng nhất là rất nhiều người yêu mến tranh dân gian, yêu văn hóa truyền thống đã biết và tìm đến với tranh Kim Hoàng. Nhưng về lâu dài, để khôi phục và phát triển dòng tranh này thiết nghĩ vấn đề truyền nghề lại cho thế hệ trẻ tại Kim Hoàng là mấu chốt quan trọng. Nhưng trước đó, cần biến làng Kim Hoàng trở lại một làng nghề tranh truyền thống kết hợp với du lịch hấp dẫn để các nghệ nhân có thể yên tâm sống với tâm huyết và đam mê với nghề./.

Gia Linh

NỔI BẬT TRANG CHỦ