(Tổ Quốc) - Ngày 23/11, tại Hà Nội, đã diễn ra lễ trao Giải "Báo chí với phát triển bền vững 2018" và phát động "Giải Báo chí với phát triển bền vững 2019".
Tham dự lễ trao giải "Báo chí với Phát triển bền vững 2018" và phát động Giải năm 2019 có tân Đại sứ Canada tại Việt Nam - bà Deborah Paul, Giám đốc chương trình Cải cách kinh tế vĩ mô/ Tăng trưởng xanh - ông Michael Krakowski và đại diện của Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ), tổ chức CARE International, trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (Green ID), Trung tâm con người và thiên nhiên PanNature, tổ chức Sáng kiến báo cáo toàn cầu GRI…
Sau 5 tháng phát động và tổ chức "Giải Báo chí với Phát triển bền vững 2018", BTC đã nhận được 503 bài tham dự từ 173 tác giả của142 tờ báo trên cả nước. Trong số này có nhiều bài báo của các nhà báo đến từ các báo như Chính phủ điện tử, Điện tử Tổ Quốc, VnExpress, Dân Trí, Thanh Niên, Tuổi trẻ, Lao động, Tiền phong, Pháp luật TP.HCM, Thời báo Kinh tế Việt Nam, Báo điện tử Đảng Cộng Sản, Quân đội nhân dân, Sài Gòn Giải phóng, Đại biểu nhân dân, Báo Nhân dân… Các đài truyền hình lớn như Truyền hình Thông tấn, Đài truyền hình VOV, Truyền hình VTC… đều có tác phẩm tham dự Giải.
Tổng kết về Giải Báo chí với phát triển bền vững năm 2018, trong 503 bài báo tham dự có 205 bài (chiếm 40,7%) thuộc lĩnh vực môi trường, 214 bài (chiếm 42,5%) thuộc lĩnh vực giới, 84 bài (chiếm 16%) ở các lĩnh vực khác. Thể loại bài tham dự Giải phong phú, từ các tin tức cho tới các loạt bài phóng sự, phóng sự điều tra, ghi nhanh… trong đó có 140 phóng sự điều tra (28%), 27 phóng sự (5%) và 171 tin (34%). Các đối tượng tham gia giải phong phú, ngoài các nhà báo còn có các luật sư, nhà nghiên cứu, các cộng tác viên báo chí. Số lượng nữ tác giả tham gia Giải chiếm ưu thế, tới 94 tác giả (54,33%), trong khi đó, nam tác giả là 79 người (45,67%). Có 2 tập thể gửi bài dự Giải là Chi hội nhà báo Báo điện tử Chính phủ và báo Bà Rịa Vũng Tàu.
Từ những danh sách này, Ban Giám khảo đã làm việc công tâm và Ban Tổ chức đã chọn ra được 10 giải, trong đó có 4 giải về giới và 6 giải về lĩnh vực môi trường.
Theo đánh giá của Ban giám khảo, những tác phẩm lọt vào vòng chung khảo có chất lượng cao. Thành công này có được cũng nhờ việc tổ chức và truyền thông chuyên nghiệp của Ban tổ chức - Viện nghiên cứu Truyền thông phát triển (RED). Ngay sau lễ phát động, BTC đã gửi theo đường công văn tới 232 cơ quan báo chí trên toàn quốc mời tham dự Giải.
Có thể nói Phát triển bền vững trở thành xu thế chung mà toàn nhân loại đang nỗ lực hướng tới. Các mục tiêu trong Chương trình nghị sự 2030 của Liên hiệp quốc được xem như là định hướng mang tính toàn cầu và mỗi quốc gia cần phải đặt ra các mục tiêu phù hợp với bối cảnh của quốc gia để thực hiện.
Từ 17 Mục tiêu PTBV toàn cầu (SGDs) đã được Việt Nam quốc gia hóa trong Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 (VSDGs) được ban hành tháng 5/2017 với 115 mục tiêu cụ thể để phù hợp với điều kiện và ưu tiên phát triển của quốc gia trên cơ sở kết quả thực hiện thành công các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDGs). Khác với các mục tiêu thiên niên kỷ nhấn mạnh vai trò nhà nước, các mục tiêu phát triển bền vững đòi hỏi sự chung tay của mọi người, với khẩu hiệu quen thuộc "không để ai ở lại phía sau".
Phát triển bền vững vừa là lợi ích, là thước đo cho phát triển chất lượng và là sự sống còn của quốc gia, dân tộc. Vì vậy chiến lược phát triển bền vững theo hướng kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển con người, xã hội và bảo vệ tài nguyên, môi trường đã được ghi nhận trong các chương trình nhà nước và cần được mọi người trong xã hội nhận thức và thực hiện.
Việc truyền thông về các mục tiêu phát triển bền vững, tiến trình thực hiện, những hạn chế, những tấm gương, câu chuyện thực hiện các mục tiêu quốc gia về PTBV đóng vai trò quan trọng trong việc khích lệ sự chung tay của mỗi người vào tiến trình phát triển. Vì vậy, bên cạnh truyền thông nhà nước, giới báo chí cần chủ động tham gia vào việc truyền thông về các mục tiêu phát triển bền vững.
"Giải Báo chí với phát triển bền vững" là một trong những sáng kiến truyền thông của Viện Nghiên cứu truyền thông phát triển (RED), được ghi nhận vào chương trình hành động 2018 nhằm khích lệ hoạt động truyền thông hiệu quả về phát triển bền vững ở Việt Nam. Giải thưởng này nhằm vào các sản phẩm báo chí nhưng khác với giải thưởng báo chí thông thường ở chỗ nó nhấn mạnh và cổ vũ cho hoạt động truyền thông hiệu quả về phát triển bền vững.
Trong lần đầu tiên tổ chức, Giải dành cho các sản phẩm báo chí điện tử viết về hai lĩnh vực là Giới và Môi trường. Trong đó, lĩnh vực Giới ưu tiên các chủ đề: Định kiến giới; Bạo lực gia đình, bạo hành giới; Sức khỏe sinh sản và tình dục, quyền sinh sản; Giới trong giảm nghèo bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số; Phụ nữ và tiếp cận thông tin; Phụ nữ trong bảo vệ và phát triển rừng; Sự tham gia của phụ nữ vào mọi lĩnh vực xã hội; LGBT; Bảo vệ trẻ em.
Lĩnh vực Môi trường ưu tiên các chủ đề như Bảo vệ môi trường, khai thác tài nguyên, khoáng sản, tiếp cận nguồn năng lượng bền vững, năng lượng tái tạo; Canh tác bền vững; Rác thải đại dương; Báo cáo phát triển bền vững của doanh nghiệp; Sự tham gia của cộng đồng trong quản lý và bảo vệ rừng; Bảo vệ động vật hoang dã.
Sau lễ trao giải "Giải Báo chí với phát triển bền vững 2018", BTC đã tiếp tục phát động "Giải Báo chí với phát triển bền vững 2019". BTC Giải "Báo chí với Phát triển bền vững" hy vọng nhận được sự tham gia, hưởng ứng nhiệt tình của các nhà báo và các cơ quan liên quan trong suốt thời gian của Giải.