• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Triển khai Đề án dạy ngoại ngữ:Chồng chất khó khăn

Giáo dục 23/12/2011 10:07

(Toquoc)-Trong khi đích về thời gian đang đến gần thì mới có 45/63 tỉnh/thành xây dựng được Đề án cụ thể

(Toquoc)-Ngày 19/10, Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị trực tuyến Triển khai Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020 qua năm điểm cầu truyền hình: Hà Nội, Tp.HCM, Cần Thơ, Đà Nẵng,Thái Nguyên.

Chồng chất khó khăn

Kết quả đánh giá của về trình độ tiếng Anh theo tiêu chuẩn quốc tế của 20 nước được khảo sát thì học sinh Việt Nam xếp thứ 8 về khả năng viết và đọc nhưng lại xếp thứ 18 về khả năng nghe nói. Sau ba năm thực hiện, Đề án dạy ngoại ngữ quốc gia vẫn đang trong quá trình đào tạo lại và đào tạo mới nguồn giáo viên. Mục tiêu đa số thanh niên thông thạo ngoại ngữ vào năm 2020 vẫn còn rất xa khi Đề án vẫn còn đang xây dựng từ gốc.

Mới có 45/63 tỉnh thành xây dựng được Đề án cụ thể cho địa phương mình (Nguồn: Internet)

Theo thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển, năm 2008, Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020” được phê duyệt với mục tiêu đặt ra: Đổi mới toàn diện việc dạy và học ngoại ngữ… để đến năm 2015, đạt được một bước tiến rõ rệt về trình độ, năng lực sử dụng ngoại ngữ; đến năm 2020, thanh niên tốt nghiệp ĐH, CĐ, TCCN có đủ năng lực ngoại ngữ sử dụng độc lập  trong học tập và làm việc, coi đây là thế mạnh của người dân Việt Nam.

Tuy nhiên, ông Hiển cũng cho biết tất cả các bạn bè quốc tế khi làm việc với Ban quản lý Đề án đều cho rằng mục tiêu của Đề án cũng thực sự khá cao và đầy tham vọng.

Trong khi đích về thời gian đang đến gần thì cho đến hôm nay mới có 45/63 tỉnh thành xây dựng được Đề án cụ thể cho địa phương mình, 18 tỉnh/thành khác vẫn đang nợ.

Ngay tại các thành phố lớn, việc triển khai cũng gặp rất nhiều khó khăn. Cụ thể, tại TP.HCM sau 11 năm đưa chương trình tiếng Anh tăng cường vào giảng dạy từ lớp 1 đến lớp 12, mới chỉ có  10% học sinh phổ thông được học chương trình này trong những điều kiện giáo viên và cơ sở vật chất tốt, chương trình chuẩn quốc tế

Theo đại diện Sở GD-ĐT TP.HCM, chúng ta đang gặp phải những bất cập của việc dạy và học ngoại ngữ trước đòi hỏi của sự hội nhập và phát triển kinh tế. Tình trạng lãng phí, kém hiệu quả của việc dạy và học ngoại ngữ đòi hỏi chúng ta phải xem xét một cách nghiêm túc thực trạng dạy và học ngoại ngữ trong các trường phổ thông trong những năm qua, từ đó tìm ra những giải pháp khả thi nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng việc dạy và học ngoại ngữ trong nhà trường, thực hiện mục tiêu đề án của Chính phủ nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển tương lai của đất nước.

Một loạt những khó khăn trong việc dạy ngoại ngữ ở các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Hải Dương cũng được ông Lương Văn Cầu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT đưa ra đó là: ở nhiều trường, các thiết bị tối thiểu cho việc học tiếng như đài, băng, đĩa CD, các thiết bị nghe nhìn khác còn chưa đủ hoặc cũ, hỏng, không đảm bảo chất lượng, chưa được mua sắm, bổ sung kịp thời. Hầu hết các trường chưa có phòng học ngoại ngữ riêng; các thiết bị hiện đại như máy chiếu đa năng, máy chiếu vật thể… còn ít.

Nhiều trường, nhất là các trường tiểu học gặp khó khăn trong việc tăng cường cơ sở vật chất, mua sắm, bổ sung, thay thế thiết bị do kinh phí hạn chế. Bên cạnh đó, đội ngũ giáo viên tiếng anh ở các trường trong tỉnh đã đủ về số lượng với 100% giáo viên đạt chuẩn về trình độ đào tạo nhưng hạn chế là giáo viên được đào tạo từ các nguồn khác nhau; năng lực ngoại ngữ và năng lực giảng dạy của một bộ phận lớn giáo viên còn hạn chế. Điều này là thách thức lớn khi thực hiện triển khai dạy chương trình mới. Qua các đợt khảo sát, đánh giá năng lực ngoại ngữ, tỷ lệ giáo viên chưa đạt trình độ năng lực theo yêu cầu còn chiếm tỷ lệ cao ở cả 3 cấp tiểu học, THCS, THPT.

Đại diện Sở GD-ĐT Đà Nẵng cho biết, khi triển khai Đề án, nhất là bậc tiểu học, vấn đề khó khăn và nan giải nhất vẫn là yêu cầu của đội ngũ giáo viên giảng dạy tiếng Anh bậc này phải đảm bảo tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định (trình độ B2) và có kỹ năng, nghiệp vụ sư phạm để giảng dạy cho đối tượng học sinh tiểu học. Giáo viên thiếu cả về số lượng lẫn năng lực chuyên môn và năng lực sư phạm.

Cần có biên chế cho giáo viên tiếng Anh tiểu học

Theo ông Nguyễn Vinh Hiển, các chính sách, định mức kinh tế kỹ thuật đặc thù phù hợp với các đặc điểm yêu cầu cao năng lực, trách nhiệm và chế độ đãi ngộ trong điều kiện này đối với lực lượng chuyên trách, đặc biệt là các chuyên gia trong nước, quốc tế tham gia Đề án chưa có quy định cụ thể.

Trong quá trình tuyển dụng giáo viên ngoại ngữ, đặc biệt là giáo viên tiếng Anh tiểu học, các cơ sở giáo dục gặp nhiều khó khăn do chưa có chỉ tiêu biên chế, chế độ tiền lương, thù lao cho giáo viên tiếng anh tiểu học còn bất cập.

Giáo viên tốt nghiệp đại học chuyên ngữ, trình độ năng lực ngoại ngữ đạt bậc 5 và năng lực sư phạm giỏi muốn tham gia dạy tiểu học nhưng những quy định về trình độ và mức lương chưa tháo gỡ được nên không thu hút được số giáo viên này gây ra tình trạng thừa giáo viên giỏi nhưng lại thiếu người dạy tiếng anh tiểu học.

Điều quan trọng nhất hiện nay là chất lượng dạy học ngoại ngữ đại trà chưa cao do mục tiêu dạy và học ngoại ngữ đặt ra chưa rõ ràng, đội ngũ giáo viên dạy ngoại ngữ còn nhiều hạn chế; phương pháp dạy và học ngoại ngữ còn rất lạc hậu (học ngoại ngữ để đi thi) dẫn đến trình độ sử dụng ngoại ngữ của học sinh còn thấp.

Ông Hiển cũng cho rằng, các cơ sở giáo dục, các địa phương cần ưu tiên tập trung nguồn lực, tạo điều kiện cho tất cả giáo viên tận tụy với nghề có được cơ hội để được tập huấn, bồi dưỡng, đào tạo lại, đào tạo mới, đáp ứng được yêu cầu mới về chuẩn năng lực ngoại ngữ; các cơ sở giáo dục, đặc biệt là các khoa và trường sư phạm ngoại ngữ cần chủ động hợp tác với các Sở GD-ĐT trong nỗ lực đào tạo theo nhu cầu của địa phương, thực hiện cam kết, minh bạch về chất lượng đầu ra; các địa phương cần có phương án hỗ trợ, đầu tư, đặt hàng cho các cơ sở giáo dục đào tạo, bồi dưỡng giáo viên cho địa phương và tăng cường giám sát chất lượng đầu ra của các cơ sở này.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng vấn đề đặt ra đối với Dề án là chuyển ngoại ngữ như một môn học thành công cụ để học tập, kiếm sống. Học sinh Việt Nam có năng lực ngoại ngữ nhưng chưa có phương pháp học và động lực học. Vì thế, phương pháp dạy và học phải khác trước. Cái khác đầu tiên là cách đánh giá. Sẽ không cấp chứng chỉ ngoại ngữ A, B, C nữa mà chuyển sang hệ thống chuẩn mực quốc tế; bên cạnh công cụ giấy có công cụ số; giáo viên phải chuẩn. Các địa phương phải làm quyết liệt vấn đề này.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đề nghị Bộ GD-ĐT: Nội địa hóa làm sao chứng chỉ ngoại ngữ Việt Nam để nước ngoài dùng được; cần sớm có hướng dẫn về chế độ, biên chế cho giáo viên tiếng Anh các cấp; có quyết tâm, có cách cấp chứng chỉ cho giáo viên đã được bồi dưỡng; đẩy mạnh giao nhiệm vụ cho các trường đào tạo ngoại ngữ với vai trò là cỗ máy cái để đào tạo; khẩn trương hoàn thiện hệ thống ngân hàng câu hỏi thi; hình thành hệ thống giáo viên tự nguyện, nhất là lên các trường địa phương khó khăn.

Phó Thủ tướng cũng khẳng định yêu cầu giáo viên phải chuẩn là  công việc vất vả vô cùng của đề  án này.

Trong thời gian từ nay đến đầu năm sau, Bộ GD-ĐT, Bộ LĐTB&XH cụ thể hóa đề án trong các trường nghề.

Hoàng Châu Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ