• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Triều Tiên tăng cường xây dựng "quân đội bất khả chiến bại" giữa căng thẳng với Mỹ

Thế giới 12/10/2021 17:12

(Tổ Quốc) - Trong triển lãm quốc phòng "Tự vệ 2021", nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un khẳng định nước này sẽ xây dựng "quân đội bất khả chiến bại" nhằm tăng cường khả năng phòng thủ.

Tăng cường quân đội bất khả chiến bại

Theo hãng AP, tại triển lãm phát triển quốc phòng, nhà lãnh đạo Kim Jong-un cho biết Triều Tiên sẽ tiếp tục xây dựng quân đội vững mạnh, tuy nhiên, mục tiêu này không phải nhằm vào Hàn Quốc hay gây ra bất kỳ cuộc chiến tranh nào ở bán đảo Triều Tiên. Theo ông Kim, mục tiêu quan trọng nhất của Triều Tiên là sở hữu khả năng quân sự bất khả chiến bại, không quốc gia nào có thể đe dọa.

Triều Tiên tăng cường xây dựng "quân đội bất khả chiến bại" giữa căng thẳng với Mỹ - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: AP

Hãng thông tấn KCNA thông báo, đây là sự kiện triển lãm đầu tiên do Triều Tiên tổ chức, đánh dấu kỷ niệm 76 năm của Đảng Lao động Triều Tiên.

"Kẻ thù của chúng tôi là chiến tranh, không phải là một lực lượng hay quốc gia nào đó như Hàn Quốc hay Mỹ", ông Kim nói. "Việc theo đuổi những nỗ lực hòa bình không có nghĩa là chúng tôi phải từ bỏ quyền tự vệ."

Thêm vào đó, Triều Tiên cũng khẳng định Hàn Quốc đã chỉ trích nước này phát triển vũ khí nhưng lại mạnh tay chi tiêu quân sự, bao gồm cả việc mua máy bay chiến đấu tàng hình tiên tiến của Mỹ.

"Một lần nữa tôi muốn khẳng định rằng Hàn Quốc không phải là mục tiêu mà quân đội chúng tôi muốn đối phó. Chắc chắn, việc tăng cường năng lực quân đội của Triều Tiên chỉ là phát huy khả năng phòng thủ. Bình Nhưỡng và Seoul không nên lặp lại lịch sử khủng khiếp như đã làm trong Chiến tranh Triều Tiên", ông Kim nhận định.

Theo hãng AP, Triều Tiên cũng gửi các tín hiệu trái chiều về phía các đối thủ trong những tuần gần đây. Tháng trước, nước này đã tiến hành cuộc thử nghiệm tên lửa đầu tiên sau 6 tháng, bao gồm vũ khí hạt nhân có thể phóng tới Hàn Quốc và Nhật Bản – vị trí có căn cứ quân sự của Mỹ. Tuy nhiên, Triều Tiên vẫn giữ lập trường sẽ tiếp tục đối thoại với Hàn Quốc nếu đáp ứng điều kiện đưa ra. Một số chuyên gia cho rằng Triều Tiên đang cố gắng tận dụng mong muốn của Hàn Quốc để cải thiện quan hệ và gây sức ép đến Mỹ, khiến Washington buộc phải nới lỏng trừng phạt cũng như nhượng bộ với nước này.

Căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Triều Tiên

Trước đây, Bình Nhưỡng luôn tìm cách cải thiện quan hệ với Mỹ nhằm nới lỏng trừng phạt cũng như đáp ứng môi trường an ninh tốt hơn, tạo cơ hội hồi phục và phát triển kinh tế. Tuy nhiên, quan hệ ngoại giao giữa hai nước đã đi xuống mức thấp nhất vào đầu năm 2019 sau khi Mỹ và Triều Tiên không đạt được thỏa hiệp trong cuộc gặp thượng đỉnh.

Gần đây, Mỹ đã đưa ra các đề nghị đàm phán với Triều Tiên mà không yêu cầu điều kiện. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng không chấp nhận lời đề nghị này bởi cho rằng Mỹ không đáp ứng các yêu cầu như nới lỏng trừng phạt với Bình Nhưỡng cũng như vẫn giữ nguyên quan điểm tập trận chung với Hàn Quốc.

Vào năm 2018, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã có cuộc gặp gỡ thượng đỉnh đầu tiên với cựu Tổng thống Donald Trump ở Singapore. Tiến trình đàm phán đã rơi vào bế tắc sau thượng đỉnh lần thứ 2 tại Việt Nam. Không có bất kỳ tuyên bố chung nào giữa hai bên. Chính quyền mới của Mỹ, Tổng thống Biden đã lên tiếng sẵn sàng quay lại thượng đỉnh với Triều Tiên mà không cần điều kiện tiên quyết nhằm tìm kiếm phi hạt nhân hóa. Washington đã đưa 28.500 quân lính hỗ trợ Hàn Quốc các nhiệm vụ quân sự trong cam kết đồng minh an ninh. Trước đó, Hàn Quốc và Mỹ đã tổ chức tập trận thường niên vào tháng Tám. Bình Nhưỡng liên tục lên tiếng chỉ trích các cuộc tập trận này.

Vào tuần trước, Bình Nhưỡng và Seoul đã nối lại đường dây nóng xuyên biên giới. Giới quan sát cho rằng đây là động thái giảm căng thẳng giữa hai bên trong thời gian qua. Bình Nhưỡng đã đóng cửa biên giới từ đầu năm ngoái nhằm đối phó với dịch bệnh và khẳng định nước này không hề có ca mắc Covid-19 nào. Theo giới quan sát, Bình Nhưỡng đang đối mặt với thời điểm khó khăn nhất trong gần 10 năm cầm quyền bởi dịch bệnh và khủng hoảng lương thực đang xảy ra ở quốc gia này.

Bên cạnh những thảm họa thiên nhiên, các biện pháp hạn chế đi lại cũng khiến hoạt động trao đổi thương mại giữa Triều Tiên và Trung Quốc bị gián đoạn nghiêm trọng. Tình trạng này đã tác động mạnh tới tình hình kinh tế nói chung khi 90% hoạt động trao đổi thương mại của Triều Tiên là với Trung Quốc. Liên hợp quốc cho biết trong một thập kỷ qua, lượng lương thực viện trợ từ các nước khác luôn không đủ đáp ứng nhu cầu của Triều Tiên. Hầu hết những tổ chức viện trợ lượng thực quốc tế hiện đều không thể hoạt động ở Triều Tiên do các biện pháp hạn chế nhằm chống Covid-19.

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ