Đạo diễn có sức sáng tạo nhất của sân khấu VN thời điểm này vẫn là Doãn Hoàng Giang. Cây đại thụ khó thay thế của sân khấu nước nhà vừa cô đơn, vừa kiêu hãnh, không tránh khỏi ngậm ngùi khi nhắc đến “nghiệp chung”….
Đạo diễn có sức sáng tạo nhất của sân khấu VN thời điểm này vẫn là Doãn Hoàng Giang. Cây đại thụ khó thay thế của sân khấu nước nhà vừa cô đơn, vừa kiêu hãnh, không tránh khỏi ngậm ngùi khi nhắc đến “nghiệp chung”….
Nếu ta đi rất nhanh qua chặng đường 50 năm của sân khấu Việt Nam, dừng lại ở thời điểm này - đặc điểm của sân khấu thời hiện đại là gì, thưa NSND Doãn Hoàng Giang?
- Sân khấu hiện như một anh thọt! Có hai dạng: chỉ bông phèng tầm phào, lấy chuyện mua vui khán giả làm chính; và đứng đắn, hoành tráng, cố thủ với chính thống. Tôi cho là ở cách đi nào, sân khấu cũng “lệch”...
Thực tế, cách cù léc mua vui đang lấn át, trong khi các vở nghệ thuật cao cường ngày càng đuối khách. Phải chăng khả năng “tiêu hoá nghệ thuật” của khán giả kém?
- Khán giả không kém mà là họ mệt mỏi, họ oải quá rồi với các kiểu rao giảng. Sân khấu có cái sai lầm là cố nhồi nhét các loại tư tưởng, triết lý, giáo dục này nọ mà quên rằng, nghệ thuật trước hết là để giải trí. Người ta đi xem để đỡ buồn, chứ không phải để nâng cao tư tưởng. Nghệ thuật phải làm người ta không yên lòng, họ phải ao ước những điều tốt đẹp hơn. Các bài học được dấu sau những tiếng cười, sự giải trí nhẹ nhõm mới là cao tay...
Doãn Hoàng Giang đi qua thời kỳ sân khấu ở đỉnh cao, mỗi vở diễn ra mắt là một lần rúng động xã hội. Ông cũng chứng kiến cảnh sân khấu bị “hắt hủi”, người có vé mời trong tay không buồn đến rạp. Tôi chắc NSND Doãn Hoàng Giang từng băn khoăn về những nguyên do “người tình” công chúng bội bạc lại sân khấu?
- Tôi tự giải thích với mình thế này: Ngày xưa sân khấu chiếm vị trí độc tôn về giải trí. Bây giờ nở ra phim rạp, truyền hình ti tỉ kênh, ca nhạc, các giải bóng đá “bom tấn” truyền hình trực tiếp quanh năm... Sân khấu không kém đi, thậm chí có những vở hay, thủ pháp nghệ thuật kinh hoàng hơn cả Hà My của tôi, Nhân danh công lý, Tôi và chúng ta, Nàng Sita..., nhưng khán giả không mặn mà vì thư giãn là họ có quá nhiều lựa chọn hấp dẫn. Các vũ trường, khách sạn, rạp chiếu mọc lên như nấm, trong khi rạp hát hàng chục năm nay không được tu bổ, chứ đừng nói chuyện xây thêm.
Rạp hát đáng ra phải như cung điện, người ta bước vào thấy mình được hưởng thụ, sang trọng, nhưng giờ bẩn thỉu, nhếch nhác, tồi tàn, không xứng với khán giả hiện đại, không xứng là thánh đường của nghệ thuật. Tôi đi dựng vở quanh năm trên khắp đất nước, đau xót khi thấy một bi kịch: sân khấu không có diễn viên nữ xinh đẹp, diễn viên nam cao to. Người nào có sắc vóc, họ chọn nghề khác, vì sân khấu không trả “giá” đủ cho nhan sắc của họ.
Nhìn lên sân khấu, mỹ nhân với tráng sĩ đều cùn quằn, nhếch nhác - như vậy có tủi không, khán giả có muốn đến xem một nàng Kiều nhăn nhúm không? Các cuộc thi nhan sắc đâu có trò gì hấp dẫn, lại rất ít trí tuệ, nhưng người ta vẫn bỏ hàng triệu ra mua vé. Vì các cô ấy đẹp quá, người ta tha thứ được cho sự nhạt nhẽo. Nếu chúng tôi có những diễn viên đẹp, tình thế sẽ khác...
Bao giờ sân khấu mới trở lại vàng son ư? Đó là khi cuộc đời những người làm sân khấu không bị đói khổ, họ hạnh phúc với nghề nghiệp mà mình lựa chọn. Có thể là 5 năm, hoặc 20 năm nữa - không phụ thuộc vào những người làm nghề chúng tôi. Nhưng đừng để cuộc chờ đợi ấy mòn mỏi quá, bởi nếu tụt thêm nữa, kiệt sức hơn nữa, sân khấu sẽ rất khó vựng dậy.
Người ta nói, sau “thế hệ vàng” Doãn Hoàng Giang, Xuân Huyền, Lê Hùng, sân khấu chẳng nhìn thấy ai. Nhưng họ cũng trách các ông “ôm” nhiều quá, án ngữ đường của lớp trẻ. Ai lại kỳ hội diễn, liên hoan nào cũng chỉ quanh quẩn giải thưởng của các ông?
- Chúng tôi lên đỉnh dốc rồi, chúng tôi muốn nghỉ, nhưng không có ai để trao cờ. Nếu coi nghệ thuật sân khấu như một cuộc chạy tiếp sức, thì khi quay lại tôi không thấy ai, không có hơi thở nóng nào sau gáy mình. Đây là mối lo lớn. Thử kể một vài tên đạo diễn trẻ, ngấp ghé đứng cạnh ông Giang, Hùng, Huyền? Không có ai. Không có đối thủ. Chúng tôi làm sao cản được đạo diễn trẻ nếu có người trẻ tài. Bây giờ có người tài trên Mù Căng Chải, chúng tôi sẵn lòng rước về nâng niu.
Tôi luôn phải hô hào các đạo diễn trẻ mạnh dạn, bộc lộ tài năng và cá tính cho người ta tin. Các đoàn trao việc cho đạo diễn trẻ đi thì mới hy vọng có thế hệ kế tiếp. Từng này tuổi, vẫn phải cày cuốc là chuyện chẳng sung sướng gì. Tôi rất vui lòng làm một vỏ chanh nằm im trong sọt rác sau khi đã vắt hết mình...
Cảm giác của ông khi ở trên đường đua không có đối thủ?
- Đó là một nỗi buồn lớn. Chỉ có thằng ngu mới thích cuộc chơi một mình. Tôi thèm cảm giác được cay cú, ghen tỵ với bạn nghề để mình phải gắng gỏi...
Cám ơn ông về cuộc chuyện trò này!
Theo ĐV