• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Trò chuyện với HS Lê Thiết Cương quanh triển lãm “Ghép”

15/11/2017 07:46

(Tổ Quốc) - “Ghép”- Triển lãm ghi dấu chặng đường 12 năm của Gallery 39 được họa sỹ Lê Thiết Cương - nhóm G 39, cùng các nghệ sỹ tổ chức.

Họa sĩ Lê Thiết Cương (áo hoa ở giữa) và nhóm G 39 tại Triển lãm Ghép

Nhắc đến Gallery 39, người ta nhắc đến địa chỉ quen thuộc của nhiều hoạt động nghệ thuật. Ngay từ ngày đầu thành lập với mục tiêu phi lợi nhuận, nhằm khuyến khích sáng tạo của giới trẻ. Phóng viên báo Tầm Nhìn phỏng vấn họa sĩ Lê Thiết Cương xung quanh triển lãm “Ghép” và những dự cảm của anh về Mỹ thuật Việt Nam.

PV: Thưa họa sĩ Lê Thiết Cương, “Ghép” không đơn thuần là cuộc cuộc triển lãm tranh?

HS Lê Thiết Cương: “Ghép” có nghĩa là moda, tức là những mảnh nhỏ, ghép lại với nhau thành một bức tranh lớn. Ở đây “Ghép” là một chuỗi các loại hình nghệ thuật trong một chương trình. “Ghép” gồm gần 20 bức tranh do các họa sỹ nhóm G39 (Nguyễn Thanh Hải, Nguyễn Minh, Nguyễn Hồng Phương, Phạm Trần Quân, Lê Thiết Cương). Điểm nhấn của “Ghép” chính là màn “trình diễn” vẽ tranh và đấu giá trực tiếp trong lễ khai mạc. Các họa sĩ tham gia triển lãm sẽ vẽ tranh trên nền nhạc của Ban nhạc Rock G39. Cùng góp tiếng nói trong Ghép còn có band nhảy Salsa cùng các band nhạc Rock và nghệ sĩ khách mời. Mỗi loại hình nghệ thuật là một mảnh ghép nhỏ, ghép lại với nhau thành một bức tranh lớn nhân kỷ niệm 12 năm Gallery 39.

PV: Chặng đường 12 năm với hàng trăm hoạt động phi lợi nhuận quả thực không đơn giản?

Điểm nhấn của “Ghép” chính là màn “trình diễn” vẽ tranh trên nền nhạc của Ban nhạc Rock G39 và đấu giá trực tiếp trong lễ khai mạc triển lãm.

Họa sĩ Lê Thiết Cương

HS Lê Thiết Cương: 12 năm qua, không thể kể hết có bao nhiêu hoạt động nghệ thuật đã diễn ra tại Gallery 39 hoặc ở các nơi khác. Tại đây, các buổi đọc thơ, trình diễn thời trang, triển lãm giới thiệu tranh, ảnh, sách... được tổ chức thường xuyên. Nhiều triển lãm tranh cá nhân đã được ra mắt công chúng yêu mỹ thuật của các họa sĩ Trương Thiện, Nguyễn Phan Bách, Nguyễn Tất Long, Minh Tâm, Phạm Trần Quân. 

Tôi là lứa họa sĩ ở giữa, nghĩa là họa sĩ thế hệ đổi mới, tôi đã cảm nhận được có những họa sĩ trẻ đã làm được điều mà chúng tôi không làm được, thứ nhất là do yếu tố tuổi tác. Thứ 2, lớp trẻ ngày nay họ tiếp cận với những thông tin mỹ thuật tốt hơn, đa chiều hơn chúng tôi. Thời bao cấp, chúng tôi chỉ có duy nhất Tạp chí Mỹ thuật của Liên Xô cũ, bảo tàng nước mình không có tranh của những bậc thầy Thế giới, không được đi nước ngoài, không có Internet. Bây giờ, không những thông tin tràn ngập mà nguyên liệu để làm tranh cũng đa dạng và bạn có thể mua bất cứ loại sơn dầu nào tốt nhất trên thế giới đều đã có bán tại Việt Nam. Đấy là điều thế hệ của tôi không có. Mở phòng tranh G 39 chỉ để làm những việc người khác chưa làm và không làm, đó là việc phát hiện, tạo điều kiện giới thiệu tới công chúng những gương mặt nghệ sĩ trẻ.

PV: Triển lãm cá nhân nào ấn tượng nhất với anh?

HS Lê Thiết Cương: Nguyễn Tất Long là một trường hợp. Tại sao tôi lại chọn Nguyễn Tất Long là vì lần đầu tiên tôi thấy có một bạn học kiến trúc nhưng lại chẳng thiết kế một ngôi nhà nào mà ngay sau khi ra trường bạn ấy lại chuyên tâm lao vào vẽ một thể loại khó nhất - đó là tranh trừu tượng trên chất liệu sơn dầu. Hay hay dở về chuyên môn chưa bàn tới, nhưng triển lãm cá nhân lần đầu tiên rất quan trọng và đối với một họa sỹ trẻ dám đương đầu thử thách thì mình phải ủng hộ. Mục tiêu của phòng tranh 39 ra đời cũng chỉ để khơi gợi cảm hứng sáng tạo, bởi trong 12 năm qua chúng tôi hoạt động phi lợi nhuận.

Tôi nghĩ, đã đến lúc phải có thêm những đồng nghiệp của tôi chung ta cùng với tôi, chứ một mình tôi làm không thể hết. Giá như ở Huế, Sài Gòn cũng có những phòng tranh phi lợi nhuận, cũng có những họa sĩ mà họ biết nâng đỡ những họa sĩ trẻ lứa sau mình thì mới có thể thúc đẩy nền Mỹ thuật phát triển.

PV: Dường như trong nghệ thuật và cả quan niệm sống của anh đều hướng tới sự tối giản?

HS Lê Thiết Cương: Đã là vân tay tối giản thì làm gì cũng chỉ có thể làm tối giản được thôi. Giả sử có một ngày tôi làm thiết kế nội thất hay kiến trúc thì tôi cũng chỉ có thể làm tối giản. Tất cả những gì tôi làm từ vẽ tranh, làm gốm, điều khắc, thiết kế đồ họa, làm bìa sách... đều hướng tới sự tối giản.

Điều đơn giản tôi nghĩ, khi bản thân có cuộc sống đủ và có lợi thế về nghề nghiệp có thể giúp được các bạn trẻ phát triển nghề nghiệp thì tỗi sẵn lòng. Như quý vị biết, các họa sĩ trẻ mới ra trường họ chưa có khả năng tài chính, chưa có kinh nghiệm nên việc đưa tác phẩm ra công chúng sẽ gặp nhiều khó khăn.

Có thể những năm tới Gallery 39 có những thay đổi, nhưng hiện tại tôi vẫn thấy tôi đủ điều kiện để hoạt động phi lợi nhuận. Tuy nhiên, kế hoạch năm 2018 chúng tôi sẽ hợp tác với nhiều tập đoàn, đối tác khác để thực hiện nhiều dự án nghệ thuật quy mô lớn trên toàn quốc. Bởi theo tôi nghĩ đến thời điểm này, quan niệm đã là Gallery phải ở quanh bờ hồ là không còn đúng, mặt khác diện tích của phòng tranh 39 không đủ để trưng bày và triển lãm ở quy mô lớn hơn mà chúng tôi đã phải chuyển ra những địa điểm khác như: Chợ hàng da, Quảng trường Đông kinh nghĩa thục, Hội An...

PV: Mỹ thuật Việt Nam đang khởi sắc, nhiều phiên đấu giá nghệ thuật được giới mộ điệu quan tâm. Anh nghĩ sao về điều này?

HS Lê Thiết Cương: Đó là xu thế tất yếu của xã hội mà điều đó đã diễn ra ở tất cả các nước xung quanh mình. Tuy nhiên tôi cho rằng chỉ có người Việt mua tranh của người Việt thì đó mới là một thị trường bền vững. Không bao giờ trông mong vào người nước ngoài, trừ khi kinh tế thế giới ổn định mà đấy là xu thế tất yếu, bởi không có nghệ thuật không có văn hóa thì một cái nhà chưa phải là nhà đúng nghĩa. Giá trị tinh thần cao nhất và đấy là cái khó nhất.

Như chúng ta biết là đất nước mở cửa năm 1986, không ai bàn chuyện đói mà người ta bàn chuyện ăn ở đâu ngon hơn, đi xe gì đẹp hơn, và có thêm những khu resort cuối tuần để nghỉ ngơi. Tất cả các hàng hiệu quần áo lớn nhất trên thế giới từ đồng hồ, xe hơi đến cigar, nước hoa... đều đã có ở Việt Nam, vậy thì không có lý gì Việt Nam lại không hình thành một thị trường Mỹ thuật đúng nghĩa trong đó có đấu giá nghệ thuật. Hiện đã có vài nhà đấu giá, đó là điều đáng mừng song với dân số Việt Nam thì ít nhất phải có 20 nhà đấu giá nghệ thuật mới thực sự là con đường tất yếu của phát triển nghệ thuật.

PV: Với anh, sau “Ghép” là một cuộc chơi mới?

HS Lê Thiết Cương: Nghệ thuật là một cuộc chơi vô cùng xa xỉ. Chẳng có một công trình lớn nào trên thế giới mà không xuất phát từ: một là tầng lớp tôn giáo, hai là nhà cầm quyền.

Ví dụ như Angkor Wat, phải rất nhiều tiền mới có thể thực hiện được và đấy là xuất phát từ giai cấp lãnh đạo và tôn giáo phải là khách hàng chính của nghệ thuật. Toàn bộ giai đoạn phục hưng nếu không có nhà thờ, không có La Mã lấy đâu ra tiền để làm. Lấy đâu ra Michelangelo, không có Leonardo da Vinci, Robert Gonsalves và ở Việt Nam cũng vậy.

Là những nhà cầm quyền phải là khách hàng của nghệ thuật, nhà thờ, nhà chùa phải là khách hàng của nghệ thuật. Và phải có Luật, nếu bạn xây một tòa buiding trên diện tích 500m2 xây 10 tầng, thì phải có bao nhiều phần trăm dành cho tượng, cho tranh... muốn làm như thế phải là định hướng lâu dài và nó nằm ngoài tầm của giới họa sĩ. Tuy nhiên sắp tới tôi sẽ hợp tác chặt chẽ với tập đoàn Vingroup để thực hiện một số dự án, mà dự án khởi đầu là triển lãm của họa sĩ Lưu Công Nhân đã mang lại kết quả khả quan. Chúng tôi đang triển khai thực hiện một cuốn sách Tổng quan lịch sử Mỹ thuật Việt Nam từ Đông Sơn đến 1000 năm Bắc thuộc với Lý-Trần-Lê-Nguyễn giai đoạn Mỹ thuật Đông Dương cho đến ngày hôm nay. Muốn làm cuốn sách cần rất nhiều kinh phí, tôi chỉ có thể làm chủ biên, là người đặt hàng những nhà nghiên cứu mỹ thuật giỏi viết từng phần và đến ngày 20/11 chúng tôi sẽ gặp gỡ để thông qua đề cương cuốn sách.

Khi tập trung viết đề cương cuốn sách này, tôi thấy không có lý gì người Pháp mở trường Mỹ thuật Đông Dương ở Hà Nội - Việt Nam năm 1925 mà không phải là ở các nước khác như Vientiane, Lào hay Campuchia. Sau rất nhiều năm, từ 1995 đến nay tôi đã đi triển lãm ở tất cả các nước trong khu vực thì tôi cũng tự hỏi tại sao Bảo tàng Quốc gia Singapore không sưu tầm tranh của Mianma, Lào, Campuchia mà lại bỏ bao nhiêu tiền sưu tập hội họa Việt Nam?. Bộ sưu tập hội họa Việt Nam lớn nhất hiện đang nằm ở Bảo tàng Quốc gia Singapore. Vậy không có lý gì để không tin tưởng vào sự phát triển của Mỹ thuật Việt Nam.

PV: Xin trân trọng cảm ơn họa sĩ Lê Thiết Cương

(Theo: Tầm nhìn)

NỔI BẬT TRANG CHỦ