(Toquoc)- Uông Triều, tác giả của những truyện ngắn lịch sử khá ấn tượng, vừa cho ra mắt độc giả cuốn tiểu thuyết đầu tay mang đậm phong cách hậu hiện đại. Trong những ngày đầu năm 2015, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với anh về cuốn sách này.
(Toquoc)- Uông Triều, tác giả của những truyện ngắn lịch sử khá ấn tượng, từng được giải thưởng của Tạp chí Văn nghệ Quân đội và Báo Văn nghệ vừa ra mắt độc giả cuốn tiểu thuyết đầu tay Tưởng tượng và Dấu vết mang đậm phong cách hậu hiện đại. Điều đáng nói là cuốn sách đã nhiều lần phải thay đổi tên gọi và phải chờ đợi đến 5 năm mới in được. Trong những ngày đầu năm 2015, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với anh về cuốn sách này.
* Được biết thế mạnh của anh là những truyện ngắn lịch sử, nhưng Tưởng tượng và Dấu vết lại đi theo một hướng hoàn toàn khác. Phải chăng, anh đang muốn làm mới mình?
- Cũng có lịch sử trong Tưởng tượng và Dấu vết đấy thôi nhưng theo một cách khác. Vả lại, viết mãi một thứ cũng chán, nếu không thay đổi, tự tôi cũng phát ngấy với mình chứ nói gì đến độc giả. Có thể nói là làm mới mình cũng được nhưng ở thời điểm cách đây lâu rồi, tôi đã viết cuốn này 5 năm về trước.
* Tại sao lại có quãng thời gian lâu như vậy tác phẩm mới ra đời?
- Để ra được cuốn sách này tôi đã mất rất nhiều công sức, bản thảo đã chạy qua khoảng gần chục nhà xuất bản và đã bị đổi tên đến 7 lần mới ra được sách như hôm nay.
* Anh có thể nói rõ lí do được không?
- Có những nhà xuất bản tôi không chịu được cách biên tập của họ, có những nhà xuất bản không chịu được tôi và có cả những lí do “từ trên trời rơi xuống” mà tôi không tiện nói ra đây. Nói chung ra được sách là may rồi.
* Nhân vật chính trong Tưởng tượng & Dấu vết là một chàng trai trẻ đam mê viết văn, người từng tìm cảm hứng bằng việc hành hạ cô bạn gái đáng thương. Anh đã bao giờ có những hành động như vậy để tìm cảm hứng sáng tác của mình?
- Ai cũng phải tìm cảm hứng cho mình, đôi khi cũng khó tránh khỏi những lúc làm điều kì quặc nếu cần thiết. Cách đây 5 năm tôi cũng từng làm một số việc “điên rồ” gần như thế.
* Mốc thời gian cách đây 5 năm có vẻ rất khác với anh bây giờ?
- Lúc đó tôi viết vật vã khổ sở lắm. Tôi bị lạc trong một mê cung, mỗi ngày chỉ nhích được một ít và không có thời gian để viết. Tôi cũng viết một cuốn khác vào thời điểm đó nhưng đang cất vào kho.
* Bây giờ thì anh viết thế nào?
- Giờ thì tôi bình tĩnh và khôn hơn rồi. Tôi biết mình phải viết thế nào và nên bắt đầu từ đâu. Nếu cứ viết như trước đây thì có lẽ tôi “điên” mất.
* Trong tiểu thuyết của anh xuất hiện rất nhiều nhân vật nữ như cô gái câm, Miên, cô gái có túi màu vàng chanh quai màu đỏ, bà hàng nước, bà mẹ... có vẻ khi anh viết về phụ nữ thì mát tay hơn?
- Tôi nghĩ về mặt nào đấy người ta vẫn chú ý đến phụ nữ nhiều hơn đàn ông, tôi viết nhiều về những người được chú ý hơn. Bản thân tôi cũng chú ý đến phụ nữ nhiều hơn đàn ông!
* Trong tác phẩm của anh có những cảnh người làm tình với cây, người hóa thú, cỏ mọc sau gáy… Anh có sợ độc giả nghĩ rằng điều đó quá phi lí không?
- Lúc tôi viết cuốn sách, tôi có tâm trạng điên khùng và phá phách. Tôi cũng chán ngấy những món thật thà trần trụi. Tôi muốn làm khác xem thế nào, đầy thứ phi lí mà người ta vẫn phải chấp nhận thôi.
* Có một dãy số mà nhân vậy chính trong tiểu thuyết đi tìm và muốn hiểu về nó. Dãy số 668.211 có ý nghĩa như thế nào?
- Điều này độc giả sẽ tự hiểu sau khi đọc xong tác phẩm.
* Tôi thấy trong tác phẩm của anh có những mảng màu rất tối. Các nhân vật đều mang một nét u ám: nhân vật nhà văn bị liệt, những trang viết không có lối thoát, lão già bí hiểm, cô gái câm, cô gái điếm... Có phải anh đang nhìn xã hội qua con mắt quá bi quan?
- Tôi viết như tôi cần thấy thế hoặc tác phẩm cần thế. Mọi người có quyền ý kiến riêng của mình, tôi cũng thế.
* Với cách viết ngẫu hứng, mỗi chương như tự khám phá về mình. Anh không sợ tác phẩm sẽ đi lệch hướng ban đầu sao? Đây có phải là cách viết mới của anh?
- Tôi hồi hộp khám phá những điều mình đang viết. Tôi không biết mình sẽ viết gì, như đi lạc giữa thảo nguyên. Tất nhiên như tôi đã nói, đó là thời gian trước đây. Tác phẩm này lẽ ra đã phải in cách đây 5 năm rồi.
* Tiểu thuyết của anh không phải là dễ đọc.
- Khi viết Tưởng tượng và dấu vết tôi dự đoán mình sẽ có 2 típ người đọc. Kiểu thứ nhất sẽ vừa nhâm nhi cà phê vừa đọc sách của tôi. Kiểu thứ hai sẽ kêu lên: Thằng cha này điên thật, sao lại có thứ văn kiểu này, điên rồ, tắc tị. Tôi biết độc giả của mình là ai.
* Họ là ai?
- Là những người không chấp nhận sự dễ dãi, đơn giản.
* Khi viết anh có chịu ảnh hưởng từ một ai đó?
- Tôi chịu ảnh hưởng tất cả những gì tôi đã đọc, đã học, đã biết.
* Anh có ý định tiếp tục viết những cuốn như Tưởng tượng và dấu vết hay trở về với thế mạnh của mình, đó là truyện ngắn lịch sử?
- Tôi sẽ tiếp tục viết tiểu thuyết, cả truyện ngắn nữa. Tôi đang viết một cuốn tiểu thuyết về một nhân vật lịch sử rất đặc biệt.
Sim Sim (thực hiện)