• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Trục Đức- Pháp mở màn đột phá quân sự EU?

Thế giới 11/11/2017 20:37

(Tổ Quốc) - Hơn 20 quốc gia Liên minh châu Âu (EU) dự kiến sẽ ký một thỏa thuận quốc tế về hợp tác quốc phòng vào hôm thứ hai tới.

Hơn 20 quốc gia Liên minh châu Âu (EU) dự kiến sẽ ký một thỏa thuận quốc tế về hợp tác quốc phòng vào hôm thứ hai tới trong bối cảnh châu Âu thúc đẩy các mối quan hệ quân sự chặt chẽ hơn sau Brexit và sự gia tăng hiện diện của Nga.

Cơ chế hợp tác lâu dài về quốc phòng – gọi tắt là PESCO – nhằm tăng cường hợp tác quốc phòng giữa các thành viên EU và cải thiện sự phối hợp trong việc phát triển công nghệ quân sự mới.

Thỏa thuận này là một phần trong nỗ lực do Đức và Pháp dẫn đầu nhằm đẩy mạnh mối quan hệ hợp tác quốc phòng như một phương thức để tạo động lực mới cho khối sau cuộc trưng cầu dân ý gây sốc của Anh rời khỏi EU.

Nội dung thỏa thuận trên, do AFP tiếp cận được, bao gồm một cam kết đối với việc "tăng ngân sách quốc phòng một cách thường xuyên theo tình hình thực tế" cũng như các cam kết dành 20% chi phí quốc phòng cho mua sắm trang thiết bị và 2% cho nghiên cứu và công nghệ.

Các nước EU đang xúc tiến về hợp tác quân sự. (Nguồn: Reuters)

Một quan chức EU cho biết: "Chúng tôi chưa bao giờ đến gần vấn đề này như vậy trước đây". "Chúng tôi có hơn 20 quốc gia thành viên tham gia hợp tác có tổ chức như vậy. Đây không chỉ là việc kí vào văn bản mà còn là sự khẳng định cam kết ngân sách đối với quốc phòng và các dự án hợp tác".

Kể từ sau sự thất bại của việc thành lập Cộng đồng quốc phòng châu Âu hơn 60 năm trước, đã có nhiều nỗ lực để đưa EU tiến đến một liên minh quân sự gần gũi hơn. Tuy nhiên, sáng kiến này đã bị phủ mờ do các quốc gia thành viên tỏ ra không sẵn lòng giao ra quyền phụ trách về các vấn đề quân sự.

PESCO cũng bao gồm một cam kết rằng các nước sẽ cung cấp "hỗ trợ đáng kể ... về nhân sự, phương tiện, đào tạo, hỗ trợ tập trận, cơ sở hạ tầng" cho các nhóm quân sự của EU.

Các nước không ký kết vào Thứ Hai sẽ có thể tham gia PESCO sau, và thỏa thuận này cũng bao gồm các điều khoản cho các thành viên không phải là thành viên EU, bao gồm cả Anh để tham gia vào các chương trình cụ thể.

Tuy nhiên, tiến trình hướng tới PESCO cũng đã cho thấy sự căng thẳng giữa Paris và Berlin, khi Pháp muốn hạn chế số lượng các quốc gia tham vào các dự án quan trọng này, còn Đức muốn có một sự sắp xếp tổng thể hơn đối với càng nhiều thành viên càng tốt, ngoại trừ Anh.

Anh - một cường quốc hạt nhân có quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an LHQ - từ lâu đã phản đối quyết liệt đối với bất cứ động thái có thể dẫn đến việc thành lập một "quân đội EU" do Brussels dẫn đầu.

Việc Anh rời khỏi EU gần đây đã tạo động lực mới cho hợp tác quốc phòng chặt chẽ hơn của EU và trong tháng 3, các bộ trưởng đã thông qua các kết hoạch thành lập một trụ sở quân đội để điều phối hoạt động ở nước ngoài của EU.

Và một khi thỏa thuận trên được các bộ trưởng quốc phòng EU kí kết, văn bản này sẽ chính thức được đưa ra hội nghị thượng đỉnh EU sắp tới vào tháng 12.

(Theo AFP)

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ