• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Trung - Ấn 14 năm xây dựng lòng tin mà chưa thành

Thế giới 05/01/2019 07:11

(Tổ Quốc) - Cuộc đối đầu Mỹ-Trung buộc Bắc Kinh cải thiện quan hệ với láng giềng.

Sau cuộc gặp Vũ Hán giữa Thủ tướng Modi và Chủ tịch Tập Cận Bình, tháng 4/2018, quan hệ Ấn Độ và Trung Quốc bước vào một trạng thái mới của thời kỳ "hậu Doklam", hợp tác đạt một số tiến bộ, nhưng vẫn dè chừng lẫn nhau, mặc dù hai bên tỏ ra nỗ lực xây dựng lòng tin.

Từ khi hai bên rút quân khỏi khu vực Doklam, tháng 8/2017 sau cuộc đối đầu căng thẳng kéo dài hai tháng, và đặc biệt sau hội nghị thượng đỉnh không chính thức ở Vũ Hán, đã diễn ra một loạt chuyến thăm cấp cao, thương mại và đầu tư gia tăng, các hoạt động chung chống khủng bố giữa quân đội hai nước được khôi phục, giao lưu nhân dân, đang tạo ra sự quan tâm mới trong quan hệ song phương.

43 cuộc gặp thượng đỉnh trong 14 năm

Trong năm 2018, hai nhà lãnh đạo gặp nhau 4 lần: Cuộc gặp 10 tiếng ở Vũ Hán (27-28/4/2018) đạt được nhiều hiểu biết, được cụ thể hóa tại cuộc gặp tại Hội nghị Tổ chức Hợp tác Thượng hải (SCO) ở Thanh Đảo (9/6/2018) khi Trung Quốc đồng ý nhập khẩu gạo và chia sẻ dữ liệu thủy văn sông Brahmaputra. Một cuộc gặp khác diễn ra bên lề hội nghị Các nền Kinh tế mới nổi (BRICS) ở Johannesburg (26/7) được cho là "rất hữu ích". Sau cuộc gặp tại hội nghị Nhóm 20 nước (G-20) ở Argentina (30/11), Thủ tướng Modi nói đến "sự cải thiện rõ rệt" trong quan hệ song phương. Chủ tịch Trung Quốc đã đồng ý nhập khẩu gạo, đường từ Ấn Độ. Đây là cuộc gặp thứ 16 với Chủ tịch Tập Cận Bình từ khi ông Modi lên nắm quyền năm 2014. Trong khi đó, người tiền nhiệm Manmohan Singh gặp Chủ tịch Trung Quốc 27 lần trong 10 năm.

 Trung - Ấn 14 năm xây dựng lòng tin mà chưa thành - Ảnh 1.

Hai nhà lãnh đạo Ấn-Trung gặp nhau 16 lần trong 4 năm qua.

Theo Giáo sư Srikanth Kondapalli viết trên báo Financial Express (Ấn Độ), cuộc gặp ở Vũ Hán đạt được mấy kết quả: tăng cường "liên lạc chiến lược", xuống thang căng thẳng biên giới và "chỉ đạo chiến lược" quân đội mỗi bên quản lý tình hình biên giới, thúc đẩy các biện pháp xây dựng lòng tin, hợp tác trong các dự án kinh tế ở Afghanistan, tăng cường quan hệ kinh tế thông qua giải quyết thâm hụt thương mại.

Nhiều cuộc gặp cấp bộ trưởng quốc phòng, ngoại giao, nội vụ diễn ra. Bộ trưởng Quốc phòng và Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ đã thăm Bắc Kinh. Trung Quốc cử Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng Công an và Bộ trưởng Ngoại giao thăm Ấn Độ. Chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa chứng kiến những quyết định tái khởi động vòng thứ 7 hoạt động chung chống khủng bố "tay trong tay" (diễn ra từ 10-23/12), thảo luận lập đường dây nóng giữa các tư lệnh quân đội hai nước, tái cấu trúc Bản ghi nhớ hai bộ quốc phòng ký kết năm 2006.

Chuyến thăm của Bộ trưởng Nội vụ Trung Quốc Triệu Khắc Chí chứng kiến một thỏa thuận được ký kết về an ninh và thực thi pháp luật. Do hai nước xác định chủ nghĩa khủng bố là mối đe dọa chính đối với an ninh quốc gia, thỏa thuận này tạo ra cơ chế có tính thể chế nhằm giải quyết những khác biệt, đặc biệt khi Trung Quốc không khoan nhượng trong việc giành vị trí tại Ủy ban chống khủng bố 1267 của Liên Hợp Quốc về những tên khủng bố ở Pakistan gồm Masood Azhar, Zakir-ul-Rahman… Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị ký kết cơ chế cấp cao về giao lưu nhân dân và văn hóa trong 10 lĩnh vực, gồm thể thao, điện ảnh, truyền hình, quản trị bảo tàng, giao lưu thanh niên, dạy ngôn ngữ…

Những thách thức bất tận

Theo Giáo sư Srikanth Kondapalli, một chuyên gia hàng đầu của Ấn Độ về Trung Quốc, Bắc Kinh tỏ ra áp dụng châm ngôn của Lão Tử trong quan hệ với Ấn Độ - "Nước lưu động, mềm mại, dễ biến dạng, nhưng nước chảy đá mòn… Thứ gì mềm mại lại mạnh mẽ".

 Trung - Ấn 14 năm xây dựng lòng tin mà chưa thành - Ảnh 3.

Ấn Độ tăng cường sức mạnh quân sự để đối phó với Trung Quốc và Pakistan.

Trên mặt trận kinh tế, "quan hệ đối tác phát triển" hai nước thiết lập được 5 năm, tiến bộ từng bước. Sau chuyến thăm của phái đoàn thương mại ngày 1-2/8, phái đoàn dược phẩm của Ấn Độ thăm Trung Quốc, đặt nền tảng cho xuất khẩu sang Trung Quốc.

Phía Ấn Độ đã nêu vấn đề thâm hụt thương mại từ khi Tổng thống Pratibha Patil thăm Trung Quốc năm 2010, nhưng không có kết quả. Tổng giá trị thâm hụt thương mại của Ấn Độ với Trung Quốc trong thập kỷ qua khoảng 626 tỷ USD. Sau cuộc gặp ở Vũ Hán, Trung Quốc gợi ý sẽ nhập khẩu thuốc điều trị ung thư (khoảng 29 loại), gạo, đường…

Năm 2017, đầu tư của Trung Quốc vào Ấn Độ đạt 2 tỷ USD, chủ yếu trong lĩnh vực khởi nghiệp. Tổng đầu tư của Trung Quốc vào Ấn Độ đến nay đạt gần 8 tỷ USD. Nhìn chung, quan hệ song phương đang đạt được những khía cạnh chiến lược, với "quan hệ đối tác phát triển" có một số bước tiến.

Năm nay, hai nhà lãnh đạo dự kiến tiến hành hội nghị không chính thức lần thứ hai. Cuộc gặp tới được kỳ vọng tiếp tục nhìn nhận lại quan hệ song phương và đưa ra những yếu tố mới.

Trong khi chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vài tháng qua đang buộc Trung Quốc cải thiện quan hệ với các nước láng giềng, trong đó có Nhật Bản, ASEAN, Ấn Độ, thì phía New Delhi vẫn cảnh giác không để bị Trung Quốc ru ngủ và theo dõi xem sự cải thiện quan hệ này là trung hạn hay ngắn hạn. Với tranh chấp đường biên giới dài hơn 3000 km, diện tích tranh chấp khoảng 130.000 km2, chặng đường hai nước phải đi sắp tới còn rất dài và vô cùng gian nan./.

(Theo Financial Express)

Hoài Nam

NỔI BẬT TRANG CHỦ