• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Trung Đông 2018: “Bùng cháy” đe dọa và hồi sinh?

Thế giới 25/12/2017 11:34

(Tổ Quốc) - Liệu năm 2018 có thổi bùng lửa xung đột lan ra khắp Trung Đông?  

Cuộc chiến chống lại nhóm Hồi giáo Nhà nước IS gần như đã kết thúc và cuộc chiến tranh ở Syria cuối cùng cũng có thể sắp hạ màn. Khu vực này đang chuyển từ xung đột sang giải quyết những hậu quả của nó - sự tàn phá, phân tán dân cư và các hệ thống chính trị chưa được mạnh mẽ.

Dưới đây là một số điểm nóng tại Trung Đông cho năm 2018:

Khó lường mặt trận Syria?

Các hoạt động quân sự tại Syria đã giảm đi, khi chính quyền của Tổng thống Syria Bashar Assad kiểm soát các khu vực trọng điểm và cuộc chiến chống lại IS gần như đã hoàn tất khi chiếm lại được các thành phố IS từng kiểm soát. Dù vậy, xung đột vẫn có thể tiếp diễn nếu ông Assad tiếp tục giành lại các khu vực vẫn còn dưới sự kiểm soát của lực lượng nổi dậy, bao gồm một số vùng gần thủ đô và ở phía bắc tỉnh Idlib. Tuy nhiên, các lệnh ngừng bắn theo từng địa phương do Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian đã làm giảm đáng kể hành động bạo  lực.

Thiệt hại của toàn Syria, với một nửa dân số phải di tản và gần một nửa triệu người thiệt mạng, là rất lớn. Người Kurd ở miền đông chiếm khoảng 25% dân số cả nước; Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Mỹ, Iran và lực lượng Lebanon vẫn duy trì các căn cứ mà họ có thể nắm giữ cho đến hiện tại.

Vị thế chính trị của ông Assad vẫn đang là một vấn đề nóng trong các nỗ lực ngoại giao hòa bình. Các tiến trình hòa bình do Liên hợp quốc bảo trợ tại Geneva và do Nga, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn tại Astana vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của các phe đối lập và chính phủ Syria để đưa ra được lộ trình hòa bình.

Hồi sinh trên sông Tigris?

Cuộc chiến chống IS được tuyên bố là đã kết thúc sau 4 năm. Liên minh do Mỹ dẫn đầu cùng các lực lượng khác đã tiến hành các chiến dịch chống IS rộng khắp từ Fallujah, Ramadi, Hawija, Tal Afar và cuối cùng là Mosul – cùng với những thiệt hại và sự phá hủy nghiêm trọng. Liệu Iraq có thể xây dựng lại ra sao vẫn còn là một câu hỏi lớn trong năm 2018 – và chỉ khi Baghdad sẽ giành lại được quyền điều hành cả nước.

Chiến dịch Mosul thành công đã giúp Iraq gần hạ màn cuộc chiến chống IS. (Theo AP)

Chính phủ nước này ước tính cần khoảng 100 tỷ đô la Mỹ trong khi các nhà lãnh đạo ở Mosul nói rằng số tiền đó chỉ đủ cho thành phố của họ. Nguồn hỗ trợ hiện  nay chưa rõ ràng, trong khi liên minh do Mỹ dẫn đầu chưa tỏ rõ tín hiệu gì.

Hàng ngàn thường dân đã thiệt mạng trong khi hơn 70% diện tích Ramadi còn chịu nhiều thiệt hại hoặc bị phá hủy nghiêm trọng.

Trọng tâm của vấn đề là sự chia rẽ các phe phái không chỉ Iraq mà còn Syria, Lebanon và các khu vực khác tại Trung Đông. Tại Iraq, các khu vực bị phá hủy phần lớn là của cộng đồng người Hồi giáo Sunni, trong khi chính quyền Baghdad do người Shiite chiếm ưu thế. Nếu những nỗ lực xây dựng lại thất bại, các khu vực người Sunni có thể sẽ lại bùng lên xung đột một lần nữa.

Tình thế tại Saudi Arabia

Các chế độ quân chủ tại Trung Đông - từ Ma-rốc đến Jordan và vùng Vịnh - bị ảnh hưởng ít nhất trong làn sóng Mùa Ả Rập.

Bây giờ sự thay đổi dường như đang đến, được biểu tượng bởi từ viết tắt MBS - tên gọi được sử dụng rộng rãi cho hoàng tử 32 tuổi Mohammed bin Salman, người mong đợi nhiều sẽ kế vị cha của ông chính thức vào năm 2018. Ông có quan điểm trung lập hơn về tôn giáo và tạo thuận lợi cho những quyết định gần đây cởi mở nhiều hơn với phụ nữ.

Hoàng tử Salman cũng được cho là đã thúc đẩy việc bắt giữ hàng chục hoàng thân quốc thích về cáo buộc tham nhũng trong khi Saudi cũng đã dẫn đầu một cuộc tấn công chính trị và kinh tế tại vùng Vịnh nhằm vào Qatar, cáo buộc họ ủng hộ chủ nghĩa khủng bố và quá thân cận với với Iran. Một loạt các yêu cầu, chẳng hạn như việc đóng cửa kênh truyền hình Al Jazeera - thuộc sở hữu nhà nước Qatar, đã bị từ chối hoàn toàn, và cuộc khủng hoảng này dường như bị sa lầy trong bế tắc.

Cuộc chiến tranh ở Syria, ở mức độ nào đó, cũng là một cuộc chiến ủy nhiệm giữa hai cường quốc khu vực, với Tehran ủng hộ ông Assad và Riyadh hỗ trợ nhiều nhóm nổi dậy. Sự cạnh tranh giữa Tehran và Riyadh được cho cũng khiến Thủ tướng Lebanon Saad Hariri từng một lần tuyên bố từ chức – người từng được cho là quá dễ dàng với lực lượng Hezbollah của Lebanon, cũng đang tham chiến tại Syria. Tại Yemen, Saudi cũng dẫn đầu liên minh ủng hộ chính phủ nước này bằng những cuộc không kích chống lại lực lượng nổi dậy Houthi được cho là do Iran hậu thuẫn. Hàng ngàn thường dân đã chết trong khi Houthi vẫn kiểm soát những vùng then chốt của đất nước, sự đói nghèo và bệnh tả cũng đang lan rộng.

Thỏa thuận Israel – Palestine cuối cùng?

Từ khi nhậm chức đến nay, Tổng thống Trump đã nhiều lần nói về "thỏa thuận cuối cùng" cho người Palestine và Israel. Nhưng rất khó để ngay cả các nhà lãnh đạo trung hòa Israel đáp ứng các điều khoản của người Palestine, bao gồm việc phân chia hay chia sẻ quyền sử dụng Jerusalem - Thánh địa đối với ba tôn giáo. Thậm chí nếu điều trên diễn ra, Israel và Palestine trong tương lai có thể sẽ cần có một đường biên giới rải rác khắp thành phố để giữ cho những người phản đối tách biệt nhau. Và người Palestine cũng yêu cầu phải có sự công nhận ít nhất là "quyền trở về" lý thuyết đối với hàng triệu con cháu người tị nạn. Hai thập niên của các cuộc đàm phán thất bại đã cho thấy vấn đề này đã sa lầy.

Một số người đã mong đợi nhóm của ôngTrump cố gắng xây dựng nên một thỏa thuận một phần: Một nhà nước Palestine được xây dựng tại vùng đất họ yêu cầu, trong khi vấn đề về Jerusalem và người tị nạn để lại cho các cuộc đàm phán sau này. Washington có thể hy vọng sự giúp đỡ từ Riyadh và có lẽ là Cairo trong việc gây áp lực cho người Palestine. Tuy nhiên, điều đó chưa từng xảy ra trong quá khứ, thậm chí chỉ là những lời đề nghị trên bàn giấy.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ