• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Trung - Mỹ "nóng" cuộc đua không gian

Thế giới 03/06/2020 16:08

(Tổ Quốc) - Cả hai cường quốc đều có kế hoạch đưa thiết bị lên sao Hỏa vào mùa hè này.

Cuộc cạnh tranh giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ sẽ nóng lên vào mùa hè này khi hai nước đưa thiết bị thăm dò lên sao Hỏa.

Dường như hành trình Trung Quốc đến với hành tinh Đỏ không bị cản trở bởi dịch bệnh Covid-19, suy thoái kinh tế hay căng thẳng gia tăng với Mỹ.

Cơ quan Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc vừa tuyên bố rằng chương trình đặt dấu ấn của Trung Quốc trên hành tinh Đỏ sẽ tiếp tục được tiến hành, quá trình chuẩn bị cho lần phóng đầu tiên đang tiến triển tốt, có khả năng xuất phát từ tỉnh phía nam Hải Nam vào tháng 7 hoặc tháng 8, khi hai hành tinh gần nhất với nhau.

Trung Quốc sẵn sàng lên Sao Hỏa

Dư luận cho rằng một thiết bị thăm dò sao Hỏa của Trung Quốc, cùng tàu đổ bộ và thiết bị ngoại vi của nó sẽ được phóng lên bằng một tên lửa Long March-5, hạ cánh trên sao Hỏa vào tháng 2 năm tới sau một cuộc hành trình dài hơn 150 triệu km.

Tên lửa tương tự như vậy, được cho là có khả năng tải trọng lớn nhất trong các mẫu Long March, cũng được sử dụng để chế tạo nguyên mẫu đầu tiên tàu con thoi chở hàng trong tương lai của Trung Quốc vào đầu tháng 5.

Trung - Mỹ "nóng" cuộc đua không gian - Ảnh 1.

Tên lửa Long March-5 tại bãi phóng ở Wenchang, Hải Nam, Trung Quốc. Ảnh: Asia Times/ AFP.

Thiết bị của Trung Quốc, được đặt tên là Chitu, sẽ đưa Trung Quốc thành quốc gia thứ ba đáp xuống Sao Hỏa sau Hoa Kỳ và Liên Xô cũ.

Và không giống như các chương trình theo giai đoạn của hai quốc gia đi trước, ban đầu đưa tàu vũ trụ lên quỹ đạo của hành tinh Đỏ sau đó mới đưa máy thám trắc hay thiết bị thăm dò mặt đất trong các nhiệm vụ tiếp theo, thì Trung Quốc đặt mục tiêu tiếp cận hành tinh này trong một lần.

Công nghệ cốt lõi cần thiết cho một nhiệm vụ như vậy bao gồm cảm biến từ xa, lái tự động, điều khiển và kiểm soát chính xác, cũng như liên lạc không gian mạnh mẽ.

Thử thách đầu tiên trong nhiệm vụ này sẽ là đảm bảo rằng sau khi quỹ đạo của thiết bị bay đi vào khu vực chịu ảnh hưởng của trọng lực Sao Hỏa, nó có thể giảm tốc độ và điều hướng vượt qua trường trọng lực mà không bị rơi trên bề mặt hành tinh.

Kế hoạch là thực hiện một cuộc hạ cánh mềm ở Utopia Planitia, một vùng đồng bằng rộng lớn ở Utopia, hố va chạm lớn nhất trên Sao Hỏa và trong hệ mặt trời.

Trước đó, hành trình cố gắng đến Sao Hỏa lần đầu tiên của Trung Quốc vào năm 2012 đã thất bại. Vào thời điểm đó, tàu thăm dò của họ không vượt ra khỏi rìa bầu khí quyển Trái đất khi tên lửa chở con tàu này, Zenit-2 của Nga, bị phá hủy trên bầu trời Thái Bình Dương sau khi nổ tung từ trung tâm phóng Baikonur ở Kazakhstan.

Tân Hoa Xã tiết lộ rằng sứ mệnh thám hiểm sao Hỏa nội địa đầu tiên lần này của Bắc Kinh là một nhiệm vụ mũi nhọn của tập đoàn khoa học và công nghệ hàng không vũ trụ Trung Quốc (CASTC). CASTC cũng là cơ quan dẫn đầu các sáng kiến thám hiểm không gian khác của Trung Quốc, được gọi chung là chương trình Tianwen.

Zhao Xiaojin, thuộc giới lãnh đạo CASTC cho biết nhiệm vụ sắp tới sẽ mang theo 13 trọng tải - bảy thiết bị đi theo quỹ đạo và sáu thiết bị dò tìm bề mặt để tìm kiếm dấu vết của nước và thậm chí là sự sống.

Vượt lên dịch bệnh

Tại phiên họp quốc hội nước này tuần trước, ông Zhao Xiaojin nói rằng đại dịch virus corona sẽ không trì hoãn được hành trình của Trung Quốc vào không gian.

Truyền thông Trung Quốc không công khai chi phí chính xác của chương trình, nhưng một bài đăng của CASTC trên tài khoản WeChat của họ vào cuối năm ngoái cho biết họ đặt khoản đầu tư tổng thể ở mức 10 tỷ NDT (1,4 tỷ USD).

Cũng có thông tin cho rằng các quỹ cho thăm dò không gian trong năm nay có thể bị cắt giảm do doanh thu bị giảm do kinh tế khó khăn, đặc biệt là khi lãnh đạo trung ương ưu tiên cho các cam kết khác, bao gồm xây dựng quân đội và xóa đói giảm nghèo.

Trung Quốc đã gửi đi một số tàu thăm dò và thiết bị dò tìm lên Mặt trăng, và một số trong số chúng vẫn đang hoạt động, bao gồm một thiết bị trong mặt tối của Mặt trăng, sau nhiệm vụ mới nhất vào cuối năm 2018.

Quốc gia này cũng đang phóng các mô-đun và các bộ phận để lắp ráp trạm vũ trụ của riêng mình trên quỹ đạo thấp của Trái đất.

Trung Quốc cũng đã thực hiện thành công một số nhiệm vụ không gian trong thập kỷ qua, từ các hoạt động ở ngoài con tàu vũ trụ đang bay, đi bộ ngoài không gian, đến vận hành các phòng thí nghiệm không gian thử nghiệm.

Tất cả các nhiệm vụ này bồi đắp kinh nghiệm để chuẩn bị cho chuyến thám hiểm sao Hỏa mới nhất sắp tới.

Trung Quốc cũng đã hướng tới phát triển một cơ sở đào tạo phi hành gia quy mô lớn ở tỉnh Qinghai, ở vùng núi cao xa xôi về phía tây nước này, nơi có địa hình và cảnh quan giống như trên sao Hỏa.

Cằn cỗi, đá đỏ và khí hậu khô khiến căn cứ ở đó trở nên lý tưởng để đào tạo nhân viên cho các nhiệm vụ có người lái trong tương lai, trong khi khách du lịch đổ về đó để trải nghiệm cảm giác "ngoài hành tinh".

Trung Quốc cũng đang tiến đến một cuộc đua vào vũ trụ với Mỹ, trước mắt là hành trình đến sao Hỏa khi nhiệm vụ thứ năm của NASA cũng dự kiến bắt đầu vào giữa tháng 7 với việc phóng tàu Peseverance.

Peseverance dự kiến được phóng lên sao Hỏa vào ngày 17.7 và đến nơi vào ngày 18/2 sang năm. Con tàu này sẽ có hành trình trở về một mình sau khi thu thập các mẫu đất. Còn chuyến đi của tàu vũ trụ Trung Quốc sẽ là một chiều. Còn các nhiệm vụ không gian ExoMars của Nga và về phần các nước châu Âu, ban đầu được lên kế hoạch trong năm nay, đã bị trì hoãn cho đến năm 2022 vì đại dịch virus corona.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ