• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Trung Quốc "chạy đua" xây bệnh viện dã chiến giữa tâm dịch: "Hơi quá muộn" nhưng có còn hơn không?

Thế giới 01/02/2020 08:14

(Tổ Quốc) - Trung Quốc công bố hình ảnh và thông tin về các bệnh viện sắp hoàn thành và chỉ dành riêng cho việc điều trị bệnh nhân nhiễm virus corona tại Vũ Hán.

Trước sự bùng phát vẫn chưa thể kiểm soát của dịch bệnh do virus corona gây ra, chính quyền Trung Quốc đang "chạy đua với thời gian" để xây dựng ba bệnh viện dã chiến mới ở tỉnh Hồ Bắc.

Tại Vũ Hán – tâm dịch và cũng là nơi phát hiện trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên, dịch bệnh đang gần như hút cạn các nguồn lực của hệ thống y tế thành phố. Nhiều bệnh nhân không thể nhập viện do tình trạng thiếu thốn giường bệnh và các thiết bị y tế. Bệnh viện Huashenshan với 1.000 giường bệnh dự kiến đi vào hoạt động từ ngày 3/2 trong khi bệnh viện Leishenshan với 1.600 giường bệnh sẽ mở cửa vào ngày 5/2 – chỉ từ 10 tới 12 ngày sau khi các kế hoạch xây dựng được công bố lần đầu.

Bệnh viện thứ ba cũng đang được gấp rút hoàn thành tại Ngạc Châu.

Các hình ảnh, video và thông tin do công ty xây dựng và chính quyền Trung Quốc cung cấp đã cho thấy phần nào quá trình xây dựng một bệnh viện dã chiến lớn trong khoảng thời gian tính bằng ngày như vậy.

"Điều khác biệt của các công trình này là chúng chủ yếu được thiết kế để sử dụng các hộp bằng thép hình khối, cho phép có thể xếp chồng lên nhau", ông Gran Geiger, CEO của EIR Healthcare cho hay. Công ty của ông mặc dù không liên quan tới hai dự án bệnh viện ở Vũ Hán nhưng lại thường xây dựng các cơ sở y tế "thông minh" đòi hỏi ít thời gian và chi phí. "Một bệnh viện truyền thống có thể cần hơn hai năm để hoàn thành bởi vì có những quy định bảo hộ của nhà nước và địa phương", ông Geiger chỉ ra. "Trong tình huống khẩn cấp, việc cung cấp chăm sóc y tế là ưu tiên hàng đầu. Vì vậy, một bệnh viện [dã chiến] được phát triển như một gói các thành phần khác nhau và được lưu giữ để có thể triển khai khi cần thiết. Mọi thứ được thiết kế trước và được tính toán để phù hợp với nhau".

Trung Quốc "chạy đua" xây bệnh viện dã chiến giữa tâm dịch: "Hơi quá muộn" nhưng có còn hơn không? - Ảnh 1.

Trung Quốc "chạy đua" xây bệnh viện dã chiến giữa tâm dịch: "Hơi quá muộn" nhưng có còn hơn không? - Ảnh 2.

Trung Quốc "chạy đua" xây bệnh viện dã chiến giữa tâm dịch: "Hơi quá muộn" nhưng có còn hơn không? - Ảnh 3.

Trung Quốc "chạy đua" xây bệnh viện dã chiến giữa tâm dịch: "Hơi quá muộn" nhưng có còn hơn không? - Ảnh 4.

Trung Quốc "chạy đua" xây bệnh viện dã chiến giữa tâm dịch: "Hơi quá muộn" nhưng có còn hơn không? - Ảnh 5.

Trung Quốc "chạy đua" xây bệnh viện dã chiến giữa tâm dịch: "Hơi quá muộn" nhưng có còn hơn không? - Ảnh 6.

Một số hình ảnh về hai bệnh viện dã chiến dành riêng cho điều trị bệnh nhân mắc virus corona đang gấp rút được xây dựng tại thành phố Vũ Hán (ảnh: Wall Street Journal)

Bệnh viện Huoshenshan có diện tích khoảng hơn 3.200 mét vuông, bao gồm khu chăm sóc hiện đại, khu giường bệnh, các phòng tư vấn, các phòng thiết bị y tế v.v... Khu vực cách li được xây dựng cẩn trọng để giảm thiểu tối đa các nguy cơ lây chéo.

Theo giới chức Trung Quốc, cả ba bệnh viện đều được làm theo hình mẫu của bệnh viện Xiaotangshan – bệnh viện dã chiến tại Bắc Kinh từng được đặc biệt xây dựng để điều trị người bệnh mắc SARS trong đại dịch năm 2003. Vào thời điểm đó, Xiaotangshan cũng được hoàn thiện trong thời gian rất ngắn là 7 ngày. Tân Hoa Xã đưa tin, tới tháng 6/2003, 99% bệnh nhân tại Xiaotangshan đã hồi phục và không còn nhân viên y tế nào ở đây bị lây nhiễm nữa.

Tính đến tối ngày 31/1, đã có hơn 9.800 ca nhiễm virus corona tại Trung Quốc và các nước trên thế giới với 213 người thiệt mạng. Hôm thứ năm (30/1), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phải tuyên bố đây là tình trạng khẩn cấp toàn cầu.

Tuy nhiên, ông Chan Wai-keung, một giáo sư về khoa học xã hội tại Đại học Bách khoa Hong Kong cho rằng, các bệnh viện dã chiến tại Hồ Bắc là chưa đủ.

"Xây dựng các bệnh viện theo hình mẫu Xiaotangshan giờ đây có phần quá muộn", ông Chan nói với tờ SCMP. "Nhưng có còn hơn không".

Theo ông, các bệnh viện chuyên dành cho điều trị bệnh truyền nhiễm nên được xây dựng tại các địa điểm khác nhau trên khắp Trung Quốc. Nếu dịch bệnh bùng phát, chúng có thể vận hành ngay lập tức, giúp điều trị bệnh nhân và góp phần kiềm chế việc lây lan.

Ngoài ra, ông lo ngại, hạ tầng và các thiết bị tại các bệnh viện tạm thời có thể không đạt tiêu chuẩn nhất là khi chúng được xây dựng trong một khoảng thời gian quá ngắn ngủi.

Tờ báo Trung Quốc Hoàn Cầu đăng tải, hai bệnh viện mới tại Vũ Hán được đặt tên theo phong thủy nhằm thể hiện rõ quyết tâm của chính quyền đối phó với dịch bệnh. Huoshenshan có nghĩa là "Núi Thần Lửa" và Leishenshan mang nghĩa "Núi Thần Sấm".

Tại Ngạc Châu, bệnh viện dã chiến dự kiến sẽ hoàn thành trong vòng 10 ngày với sức chứa là 600 giường bệnh.

Mặc dù vậy, với tình hình người bệnh liên tục gia tăng và dịch bệnh được dự đoán là vẫn chưa đạt tới đỉnh điểm, các bệnh viện hiện tại và sắp hoạt động của Hồ Bắc gần như chắc chắn sẽ phải vận hành "vượt công suất". Hồ Bắc này vẫn là địa phương có số ca nhiễm và số người thiệt mạng lớn nhất Trung Quốc. Từ ngày 25 tới 30/1, số ca nhiễm mới trong tỉnh tăng trung bình 846 ca mỗi ngày. Hiện có khoảng 32.340 người dân Hồ Bắc đang trong tình trạng theo dõi y tế.

Hôm thứ năm, Uỷ ban Y tế Hồ Bắc nói, khoảng 11.000 giường bệnh đã sẵn sàng để phục vụ bệnh nhân bị cách li trong toàn tỉnh và sẽ có thêm nếu cần thiết.

Cũng giống như bệnh viện Xiaotangshan ở Bắc Kinh, hai bệnh viện mới của Vũ Hán sẽ do quân đội quản lý.

Giữa những hoài nghi về thời gian xây dựng quá ngắn, một nguồn tin thân cận với lực lượng quân y Trung Quốc được triển khai khẳng định, các bệnh viện dã chiến sẽ vận hành với tiêu chuẩn cao. Cụ thể, đội ngũ y bác sỹ từ Bệnh viện Quân đội Trung Ương đã được điều động tới Hồ Bắc, một vài người trong đó từng có mặt tại Xiaotangshan. Các hạ tầng cơ sở thời kỳ SARS cũng được tái sử dụng.

Các bệnh viện dã chiến sẽ có đủ thiết bị y tế như trang phục bảo hộ và các nhân viên y tế được huấn luyện cẩn thận nhằm hạn chế tình trạng lây nhiễm. Ông Zhang Yanling, cựu chủ tịch bệnh viện Xiaotangshan cũng đã có mặt tại Vũ Hán để tham gia tư vấn cho hai bệnh viện mới sắp hoàn thành.

Theo SCMP, các cơ sở y tế tương tự đang được xây dựng tại tỉnh Hắc Long Giang và Hà Nam. Cũng trong ngày 31/1, Uỷ ban Y tế Quảng Đông tuyên bố, họ đang chuẩn cho khả năng xây dựng các bệnh viện dã chiến tại các thành phố lớn trong tỉnh như Quảng Châu, Thâm Quyến, Châu Hải vv.

Minh Đức

Từ khóa:

NỔI BẬT TRANG CHỦ