• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép: Những vấn đề pháp luật quốc tế

03/06/2014 17:52

(Toquoc)-Trung Quốc đang vi phạm đặc biệt nghiêm trọng các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế...

Đã một tháng qua, kể từ đầu tháng 5 năm 2014, dư luận trong nước và quốc tế lên án mạnh mẽ hành việc Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt giàn khoan Haiyang Shiyou 981 trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam. Trung Quốc đang vi phạm đặc biệt nghiêm trọng các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, vi phạm nghiêm trọng Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC) mà Trung Quốc là một bên tham gia ký kết.

1. Việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Haiyang Shiyou 981 trái phép và những vấn đề đặt ra theo quy định của Luật biển quốc tế hiện đại

Qua sơ đồ dưới đây, chiểu theo những quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển quốc tế năm 1982 sẽ thấy rõ việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Haiyang Shiyou 981 là hoàn toàn sai trái, vi phạm nghiêm trọng pháp luật quốc tế, xâm phạm nghiêm trọng vùng biển thuộc quyền chủ quyền của Việt Nam - Vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.



Vị trí hạ đặt giàn khoan Haiyang Shiyou 981

Trung Quốc đang hạ đặt giàn khoan Haiyang Shiyou 981 trong “lô 143” ở vùng biển Hoàng Sa rõ ràng là bất hợp pháp, ngay cả khi giả thiết rằng quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) mà Trung Quốc xâm lược, chiếm đóng từ năm 1974 và Trung Quốc ngang ngược cho rằng quần đảo này thuộc Trung Quốc. Đó là vì “lô 143” này hoàn toàn thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, 120 hải lý tính từ bờ biển tỉnh Quảng Ngãi của Việt Nam. Trong khi đó, giàn khoan Haiyang Shiyou 981 cách đảo Tri Tôn của Việt Nam (hiện Trung Quốc chiếm đóng trái phép) hơn 17 hải lý. Theo Công ước về Luật biển quốc tế năm 1982 thì “hải phận” của các hòn đảo nhỏ không người ở như thế, chỉ được kể là bao gồm vùng biển chung quanh cách hòn đảo 12 hải lý mà thôi. Nghĩa là dù Bắc Kinh cố bám lấy cớ là “Quần đảo Tây Sa là một phần lãnh thổ Trung Quốc” thì việc khai thác giàn khoan Haiyang Shiyou 981 cũng là vi phạm pháp luật quốc tế, vì nó ở xa hòn đảo tới 17 hải lý.

Ngày 09-05-2014 tại một cuộc họp báo tại Bắc Kinh, Dịch Tiên Lương, Vụ phó Vụ Biên giới Hải đảo Bộ Ngoại giao Trung Quốc minh họa bằng bản vẽ giản lược có đánh dấu một số đảo tại Biển Đông, nơi đặt giàn khoan cách đảo Tri Tôn (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) 17 hải lý, cách bờ biển Quãng Ngãi 150 hải lý.[1] Việc so sánh khoảng cách 17 hải lý và 150 hải lý thì thật phản khoa học. Khi nói về điều này, chắc hẳn Dịch Tiên Lương, hoặc không hiểu biết gì về luật biển quốc tế, hoặc cố tình xuyên tạc để dư luận coi hành động của Trung Quốc là phù hợp với luật quốc tế. Việc Trung Quốc lấy Hoàng Sa của Việt Nam làm một đảo xa bờ để xác định vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, để nói về việc “Trung Quốc có đủ bằng chứng để chứng minh quyền chủ quyền, quyền tài phán của Hoàng Sa” là một thủ đoạn đen tối. Việc Trung Quốc dùng vũ lực xâm chiếm Hoàng Sa của Việt Nam, sau đó lại dựa vào đó để có những hành động tiếp theo vi phạm chủ quyền của Việt Nam là vi phạm nghiêm trọng pháp luật quốc tế. Không hiểu vụ việc này đưa ra Tòa án quốc tế thì Trung Quốc có còn nói mạnh được hay không?

Theo quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển quốc tế năm 1982, tại Điều 57, chiều rộng của vùng đặc quyền kinh tế của một quốc gia ven biển sẽ không vượt quá 200 hải lý. Đồng thời tại Điều 76 của Công ước về Luật biển năm 1982 cũng quy định, một trong những cách lựa chọn để xác định chiều rộng của thềm lục địa một quốc gia ven biển tối thiểu là 200 hải lý.

Có ba cách xác định khác, lớn hơn 200 hải lý, đó là rìa ngoài của thềm lục địa tự nhiên; 350 hải lý kể từ đường cơ sở và cuối cùng 100 hải lý kể từ đường đẳng sâu 2.500 m. Cách xác định chiều rộng thềm lục địa thì 200 hải lý là cách xác định nhỏ nhất. Nếu chiểu theo ranh giới 200 hải lý, thì rõ ràng vị trí đặt giàn khoan Haiyang Shiyou 981 đã nằm sâu trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam tới 80 hải lý. Các Điều 56 và 76 của Công ước về Luật biển năm 1982 đều quy định về quyền chủ quyền và quyền tài phán của một quốc gia ven biển với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình. Theo đó, quốc gia ven biển sẽ có quyền chủ quyền đối với tài nguyên thiên nhiên. Còn quyền tài phán của quốc gia trong vùng biển này là quyền được cấp phép, cho phép các quốc gia khác lắp đặt xây dựng các đảo, xây dựng các công trình nổi trên biển. Giàn khoan Haiyang Shiyou 981 là một công trình nổi trên biển mà Trung Quốc đưa vào thềm lục địa của Việt Nam không được sự đồng ý của Việt Nam. Như vậy, Trung Quốc đã vi phạm quyền tài phán của Việt Nam.

Điều 15 Luật Biển Việt Nam năm 2012 quy định về chiều rộng vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam hoàn toàn phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982: "Vùng đặc quyền kinh tế là vùng biển tiếp liền và nằm ngoài lãnh hải Việt Nam, hợp với lãnh hải thành một vùng biển có chiều rộng 200 hải lý tính từ đường cơ sở".

Điều 16 Luật Biển Việt Nam năm 2012 quy định về chế độ pháp lý của vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam cũng hoàn toàn phù hợp với quy định của Công ước Luật Biển năm 1982:

"1. Trong vùng đặc quyền kinh tế, Nhà nước thực hiện:

a) Quyền chủ quyền về việc thăm dò, khai thác, quản lý và bảo tồn tài nguyên thuộc vùng nước bên trên đáy biển, đáy biển và lòng đất dưới đáy biển; về các hoạt động khác nhằm thăm dò, khai thác vùng này vì mục đích kinh tế;

b) Quyền tài phán quốc gia về lắp đặt và sử dụng đảo nhân tạo, thiết bị và công trình trên biển; nghiên cứu khoa học biển, bảo vệ và gìn giữ môi trường biển;

c) Các quyền và nghĩa vụ khác phù hợp với pháp luật quốc tế.

2. Nhà nước tôn trọng quyền tự do hàng hải, hàng không; quyền đặt dây cáp, ống dẫn ngầm và hoạt động sử dụng biển hợp pháp của các quốc gia khác trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam theo quy định của Luật này và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, không làm phương hại đến quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia và lợi ích quốc gia trên biển của Việt Nam.

Việc lắp đặt dây cáp và ống dẫn ngầm phải có sự chấp thuận bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam.

3. Tổ chức, cá nhân nước ngoài được tham gia thăm dò, sử dụng, khai thác tài nguyên, nghiên cứu khoa học, lắp đặt các thiết bị và công trình trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trên cơ sở các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, hợp đồng được ký kết theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc được phép của Chính phủ Việt Nam.

4. Các quyền có liên quan đến đáy biển và lòng đất dưới đáy biển được thực hiện theo quy định tại Điều 17 và Điều 18 của Luật này".

Điều 17 và Điều 18 Luật Biển Việt Nam năm 2012 quy định về thềm lục địa của Việt Nam cũng hoàn toàn phù hợp với các điều 77, 78, 79, 80, 81 của Công ước năm 1982 về Luật biển..

Theo quy định tại Điều 17 Luật Biển Việt Nam, thềm lục địa là vùng đáy biển và lòng đất dưới đáy biển, tiếp liền và nằm ngoài lãnh hải Việt Nam, trên toàn bộ phần kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền, các đảo và quần đảo của Việt Nam cho đến mép ngoài của rìa lục địa. Trong trường hợp mép ngoài của rìa lục địa này cách đường cơ sở chưa đủ 200 hải lý thì thềm lục địa nơi đó được kéo dài đến 200 hải lý tính từ đường cơ sở. Trong trường hợp mép ngoài của rìa lục địa này vượt quá 200 hải lý tính từ đường cơ sở thì thềm lục địa nơi đó được kéo dài không quá 350 hải lý tính từ đường cơ sở hoặc không quá 100 hải lý tính từ đường đẳng sâu 2.500 mét.

Điều 77 Công ước 1982 về Luật biển quy định các quyền của các quốc gia ven biển đối với thềm lục địa, theo đó: 1) Quốc gia ven biển thực hiện các quyền thuộc chủ quyền đối với thềm lục địa về mặt thăm dò và khai thác tài nguyên thiên nhiên của mình; 2)  Các quyền này có tính chất đặc quyền, nghĩa là các quốc gia ven biển không thăm dò thềm lục địa hay không khai thác tài nguyên thiên nhiên của thềm lục địa, thì không ai có quyền tiến hành các hoạt động như vậy, nếu không có sự thỏa thuận rõ ràng của quốc gia đó; 3) Các quyền của quốc gia ven biển đối với thềm lục địa không phụ thuộc vào sự chiếm hữu thực sự hay danh nghĩa, cũng như vào bất cứ tuyên bố rõ ràng nào; 4) Các tài nguyên thiên nhiên ở phần này bao gồm các tài nguyên thiên nhiên khoáng sản và các tài nguyên thiên nhiên không sinh vật khác của đáy biển và lòng đất dưới đáy biển, cũng như các sinh vật thuộc loại định cư, nghĩa là những sinh vật nào, ở thời kỳ có thể đánh bắt được, hoặc nằm bất động ở đáy, hoặc lòng đất dưới đáy; hoặc là không có khả năng di chuyển nếu không có khả năng tiếp xúc với đáy hay lòng đáy dưới đáy biển.

Theo Điều 18 Luật Biển Việt Nam năm 2012, Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam:  1) Thực hiện quyền chủ quyền đối với thềm lục địa về thăm dò, khai thác tài nguyên; 2) Quyền chủ quyền này có tính chất đặc quyền, không ai có quyền tiến hành hoạt động thăm dò thềm lục địa hoặc khai thác tài nguyên của thềm lục địa nếu không có sự đồng ý của Chính phủ Việt Nam; 3) Nhà nước có quyền khai thác lòng đất dưới đáy biển, cho phép và quy định việc khoan nhằm bất kỳ mục đích nào ở thềm lục địa; 4) Nhà nước tôn trọng quyền đặt dây cáp, ống dẫn ngầm và hoạt động sử dụng biển hợp pháp khác của các quốc gia khác ở thềm lục địa Việt Nam theo quy định của Luật này và các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, không làm phương hại đến quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia và lợi ích quốc gia trên biển của Việt Nam; việc lắp đặt dây cáp và ống dẫn ngầm phải có sự chấp thuận bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam; 5) Tổ chức, cá nhân nước ngoài được tham gia thăm dò, sử dụng, khai thác tài nguyên, nghiên cứu khoa học, lắp đặt thiết bị và công trình ở thềm lục địa của Việt Nam trên cơ sở điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, hợp đồng ký kết theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc được phép của Chính phủ Việt Nam.

Từ những quy định của Công ước năm 1982 về Luật biển và Luật Biển Việt Nam năm 2012 chúng ta khẳng định hành động hạ đặt giàn khoan Haiyang Shiyou 981 tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam là vi phạm nghiêm trọng pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam.

Một trong những nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc tế hiện đại là không dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực trong quan hệ quốc tế được quy định trong Điều 2 Hiến chương Liên hợp quốc và trong Tuyên ngôn về các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế do Đại hội đồng thông qua năm 1974. Hành động gây hấn của Trung Quốc tại Biển Đông chính là hành động dùng vũ lực và đe dọa dùng vũ lực trong quan hệ quốc tế, đe dọa hòa bình và an ninh quốc tế. Ngoài ra, Trung Quốc còn vi phạm nghiêm trọng cam kết về ứng xử trên Biển Đông giữa Trung Quốc và các quốc gia ASEAN, và vi phạm thỏa thuận cấp cao giữa Việt Nam và Trung Quốc. Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông (gọi tắt Quy tắc Hướng dẫn DOC[2]) đã yêu cầu không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực, kiềm chế không leo thang tranh chấp, không chiếm đóng mới, phải giải quyết bất đồng trên tinh thần xây dựng. Trung Quốc đã gây hấn, cố tạo ra tranh tranh chấp trong vùng biển Việt Nam, thực chất vốn không phải là vùng tranh chấp, trong khi Việt Nam đã kiềm chế để giữ nguyên trạng tình hình Biển Đông, nhằm đảm bảo hòa bình ổn định tình hình trong khu vực. Với hành động đặt giàn khoan Haiyang Shiyou 981, Trung Quốc đã làm phức tạp thêm tình hình, muốn thay đổi nguyên trạng, đặt mọi thứ vào tình trạng đã rồi, theo hướng có lợi cho họ.

Từ trước đến nay Trung Quốc đều coi những vùng biển nào của nước khác mà Trung Quốc chiếm được bằng vũ lực là những vùng không tranh chấp, còn những vùng biển đảo nào thuộc chủ quyền và hiện các nước khác trong khu vực quản lý thì đó là khu vực tranh chấp. Thậm chí Trung Quốc còn đề nghị gác tranh chấp, cùng khai thác ở những vùng biển thuộc chủ quyền của nước khác. Thực ra, sách lược của Đặng Tiểu Bình còn 3 chữ đằng trước nữa là: “Chủ quyền của ta, gác tranh chấp, cùng khai thác”. Nếu chấp nhận “cùng khai thác” thì có nghĩa công nhận chủ quyền của Trung Quốc nơi khu vực đang trang chấp. Đương nhiên không quốc gia có thể chấp nhận đề nghị "cùng khai thác" kiểu này.

Thực ra việc Trung Quốc đặt giàn khoan Haiyang Shiyou 981 tại vị trí hiện nay là nhằm thực hiện một ý đồ đen tối "hai trong một". Ý đồ này Trung Quốc không nói ra, nhưng ai cũng có thể hiểu là, Trung Quốc muốn hiện thực hóa "đường lưỡi bò" hay còn gọi là "đường chín đoạn" phi lý[3]. Vị trí của giàn khoan rõ ràng là nằm trong vùng biển mà Trung Quốc ngạo mạn coi là của họ. Cái đường chín đoạn ấy chưa bao giờ được Trung Quốc giải thích nó là cái gì, có từ bao giờ và ý nghĩa của nó. Họ cứ vẽ bản đồ có đường chín đoạn, không có tọa độ cụ thể, không nói về cơ sở pháp lý và chưa bao giờ có một lời giải thích. Đường chín đoạn ấy hoàn toàn phi pháp, bị cả thế giới lên án. Khi hạ đặt giàn khoan Haiyang Shiyou 981 vào vùng biển bao bọc bởi đường chín đoạn và cách đảo Tri Tôn của Việt Nam (mà hiện Trung Quốc chiếm giữ trái phép) chỉ có 17-18 hải lý, Trung Quốc muốn lập lờ nói rằng Haiyang Shiyou 981 nằm trong lãnh hải của Tri Tôn. Nếu không có sự phản đối mạnh mẽ và quyết liệt thì Trung Quốc sẽ ngay lập tức chuyển sang chứng minh tính hợp pháp, hiện thực của đường chín đoạn. Thủ đoạn "hai trong một" của Trung Quốc là hạ đặt giàn khoan Haiyang Shiyou 981 để chứng minh tính hiện thực của đường chín đoạn, đồng thời cố tình chứng minh Hoàng Sa của Việt Nam  thuộc chủ quyền của Trung Quốc.

Phần 2. Dự báo diễn biến của tình hình và đối sách của Việt Nam



[1] http://www.vietnamplus.vn/trung-quoc-hop-bao-truyen-thong-quoc-te-ung-ho-viet-nam/258824.vnp. Nhiều quan chức Trung Quốc cũng đều "đánh lận con đen" nói về khoảng cách đặt giàn khoan "gần Trung Quốc, xa Việt Nam" để lừa bịp thiên hạ.

[2] Decralation On the Conduct of parties in the East sea (Tuyên bố về cách cư xử của các bên ở biển Đông). Văn bản này được Asean và Trung quốc ký kết vào tháng 11 năm 2002

[3] Đường chín đoạn được vẽ ra từ năm 1947, dưới thời Quốc dân Đảng. Ban đầu là 11 đoạn, có vẻ như nói về thăm dò địa chất gì đó, sau đó Bắc Kinh tự coi là biên giới trên biển (!?) của Trung Quốc. Có lẽ thấy vô lý quá nên bỏ bớt 2 đoạn tại Vịnh Bắc bộ, còn 9 đoạn, hay còn gọi là đường lưỡi bò. Đường 9 đoạn bị cả thế giới phê phán, Philippine đang kiện ta Tòa trọng tài quốc tế để bác bỏ đường lưỡi bò phi lý này.

* PGS.TS, Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam


Đinh Ngọc Vượng*

NỔI BẬT TRANG CHỦ