• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Trung Quốc khiến Ấn Độ toát mồ hôi lạnh, khẩn cấp cầu cứu Nga: Nước sôi lửa bỏng

An ninh trật tự 10/07/2020 11:16

(Tổ Quốc) - Đã có đổ máu, căng thẳng Trung Quốc và Ấn Độ lên đến đỉnh điểm. New Delhi khẩn cấp cầu cứu Moscow, thật may Nga đã chìa bàn tay đúng lúc, nếu không họ chẳng biết bấu víu vào đâu.

Căng thẳng biên giới với Trung Quốc, Ấn Độ trước nguy cơ chiến tranh trên hai mặt trận

Căng thẳng giữa Trung Quốc và Ấn Độ đột ngột nóng bỏng sau cuộc đụng độ giữa các binh sỹ quân đội 2 nước hôm 15/6 vừa qua, khiến hàng chục lính của mỗi bên thiệt mạng. Đây là vụ đụng độ nghiêm trọng nhất giữa Ấn Độ và Trung Quốc ở biên giới trong vòng hơn 40 năm qua.

Hãng thông tấn ANI của Ấn Độ dẫn các nguồn tin riêng cho biết ít nhất 43 lính Trung Quốc đã bị loại khỏi vòng chiến đấu sau cuộc đụng độ với binh sĩ nước này tại khu vực Ladakh ngày 15 và 16-6. Song, Bắc Kinh im lặng về con số này.

Cả Bắc Kinh và New Delhi đều cáo buộc đối phương là người khiêu khích trước và vi phạm thỏa thuận giảm căng thẳng giữa hai nước hồi đầu tháng này.

Cũng trong khoảng thời gian này, một cuộc đấu súng đã nổ ra tại khu vực biên giới giữa Ấn Độ với Pakistan. Ấn Độ đã thu giữ nhiều vũ khí và thiết bị nổ, tiêu diệt 2 đối tượng mà New Dehli coi là "nghi phạm khủng bố" sau một cuộc đấu súng kéo dài 15 tiếng đồng hồ tại khu vực cách Kashmir 660km về phía Nam.

Ấn Độ đã trải qua 4 cuộc chiến tranh với Trung Quốc và Pakistan kể từ khi giành được độc lập từ Anh vào năm 1947, nhưng New Dehli chưa từng rơi vào tình huống phải bảo vệ cả 2 biên giới cùng một lúc.

Giới chức Ấn Độ ngày càng lo ngại về việc Trung Quốc và Pakistan có thể bắt tay nhau để chống lại New Dehli vào thời điểm chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi đang phải gồng mình đối phó dịch bệnh Covid-19 khi số ca mắc liên tiếp gia tăng.

Cả hai bên Trung Quốc và Ấn Độ đã triển khai hàng nghìn binh sỹ, pháo cối và xe tăng tại nhiều địa điểm dọc theo đường LAC.

Liên Hiệp Quốc và Mỹ đã khẩn cấp lên tiếng kêu gọi hai bên kiềm chế và giải quyết bằng phương thức hòa bình.

Trung Quốc khiến Ấn Độ toát mồ hôi lạnh, khẩn cấp cầu cứu Nga: Nước sôi lửa bỏng - Ảnh 2.

Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh lên máy bay tới Nga sáng 22/6. Ảnh: ANI.

Ấn Độ toát mồ hôi lạnh, khẩn cấp cầu cứu Nga

Trong lúc nước sôi lửa bỏng, nguy cơ chiến tranh có lúc tưởng như đã đến rất gần, thậm chí là 2 cuộc xung đột quy mô lớn cùng lúc, thì Ấn Độ mới nhận ra rằng tiềm lực quốc phòng, đặc biệt là vũ khí trang bị của mình còn yếu và thiếu nhiều thứ, nếu tham chiến khó có thể nắm chắc phần thắng.

Vì thế, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh cấp tốc lên đường tới Nga với mục đích chính là đề nghị Moscow cung cấp sớm những vũ khí đã mua như tên lửa S-400, xe tăng T-90MS cũng như ký hợp đồng mới mua tiêm kích Su-30MKI, MiG-29.

Được Nga gật đầu, Chính phủ Ấn Độ ngày 02/07/2020 đã thông qua quyết định mua 33 chiến đấu cơ của Nga gồm 12 tiêm kích Su-30MKI và 21 MiG-29 với tổng trị giá khoảng 2,43 tỷ USD. Bên cạnh đó, Ấn Độ cũng thông qua một chương trình nâng cấp nhanh 59 chiếc tiêm kích MiG-29 khác hiện có trong biên chế.

Trung Quốc khiến Ấn Độ toát mồ hôi lạnh, khẩn cấp cầu cứu Nga: Nước sôi lửa bỏng - Ảnh 3.

Tiêm kích MiG-29K hiện đại, vừa nhận từ Nga đã bị tai nạn.

Câu hỏi đặt ra là tại sao Ấn Độ không đẩy nhanh tiến độ mua sắm dù ngân sách quốc phòng của họ khá dồi dào và những hạng mục nói trên hầu hết đều đã có trong kế hoạch, mà mãi đến khi bị Trung Quốc khiến giật mình, toát mồ hôi lạnh thì Ấn Độ mới cầu cứu Nga? Theo một số nhà phân tích thì nguyên nhân chính là vì:

Thứ nhất, có yếu tố con người và sự chủ quan. Quân đội Ấn Độ xưa nay nổi tiếng "sáng nắng, chiều mưa" khi các kế hoạch xây dựng lực lượng và mua sắm vũ khí của họ liên tục thay đổi. Cứ vài năm lại có những cũ rẽ đột ngột, các chương trình đã lên kế hoạch trước đó có thể bị dẹp bỏ hoàn toàn và thay vào đó là dự án mới hoàn toàn.

Do vậy, nhiều chương trình nghiên cứu hay mua sắm vũ khí bị đình trệ, đầu voi đuôi chuột chẳng đi đến đầu đến đũa.

Thậm chí có dự án như đầu thầu mua và nội địa hóa máy bay tiêm kích đa năng hạng trung (MRCA) mất hàng chục năm triển khai mà rốt cuộc Không quân Ấn Độ phải chịu quả đắng khi mua tiêm kích Rafale từ Pháp với giá không tưởng trong khi lại chẳng được chuyển giao bất cứ công nghệ nào để chế tạo nó trong nước.

Trung Quốc khiến Ấn Độ toát mồ hôi lạnh, khẩn cấp cầu cứu Nga: Nước sôi lửa bỏng - Ảnh 4.

Xe tăng Ajun mà Ấn Độ tự chế tạo vừa ra đời đạ bị đánh giá là lạc hậu.

Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến số lượng máy bay chiến đấu mới không đảm bảo thay thế máy bay cũ và trang bị mới cho các đơn vị không quân theo kế hoạch, buộc phải họ phải chi bộn tiền mua khẩn cấp trong tình thế "nước sôi lửa bỏng".

Thứ hai, hiệu quả sử dụng vũ khí của Ấn Độ thấp, tai nạn nhiều. Không quân Ấn Độ nói riêng và Quân đội Ấn Độ nói chung được cho là "sử dụng vũ khí như phá" khi liên tiếp để xảy ra các vụ tai nạn khiến không những tổn thất lớn về trang bị mà còn cả về con người nữa.

Trong vài năm gần đây, liên tiếp ghi nhận các vụ tai nạn nghiêm trọng của Không quân Ấn Độ, không chỉ đối với các máy bay cũ mà còn với cả máy bay mới như tiêm kích Su-30MKI, MiG-29, Mirage-2000, thậm chí rất mới như MiG-29K hay trực thăng tấn công AH-64 vừa nhận từ Nga và Mỹ.

Với tốc độ rơi máy bay nhiều như thế thì bắt buộc phải mua bổ sung, nhưng như ta đã thấy, tiến trình này hầu như không được quan tâm nên "nước đến chân mới nhảy'.

Trung Quốc khiến Ấn Độ toát mồ hôi lạnh, khẩn cấp cầu cứu Nga: Nước sôi lửa bỏng - Ảnh 6.

Tiêm kích Su-30MKI Không quân Ấn Độ gặp nạn.

Thứ ba, kỳ vọng quá nhiều vào CNQP trong nước để rồi thất vọng. Nền khoa học kỹ thuật quân sự của Ấn Độ được đánh giá cũng thuộc loại có tiếng trên thế giới, dù so với các ông lớn như Mỹ, Pháp, Đức, Nga còn kém nhiều bậc, nhưng so với Trung Quốc thì cũng không thua kém quá nhiều.

Thế nhưng thật kỳ lạ, các sản phẩm vũ khí "Made in India" như tên lửa phòng không Akash, xe tăng Ajun, tiêm kích nhẹ LCA,... đều phải mất hàng chục năm kể từ khi bắt đầu triển khai nghiên cứu cho tới khi sản xuất hàng loạt. Đáng nói là sản phẩm vừa ra lò đã thì đã "kịp lạc hậu" so với mặt bằng chung của thế giới.

Nhiều sản phẩm bị chính các đơn vị quân đội Ấn Độ "chê lên chê xuống" nhưng vì của nhà trồng được nên cũng nhắm mắt nhằm mũi tiếp nhận mà biết chắc chắn rằng hiệu quả sử dụng chẳng được bao nhiêu.

Hiện Trung Quốc đã có tới 2 loại tiêm kích tàng hình đưa vào sản xuất loạt và trang bị tới một số đơn vị không quân.

Ngược lại, Ấn Độ "chê ỏng chê eo" dự án tiêm kích FGFA thế hệ 5 dựa trên nền tảng PAK-FA mà bây giờ thành hình là Su-57 của Nga. Chính họ đã tự "lấy đá ghè chân mình" khi để lỡ cơ hội vàng sở hữu một trong những loại tiêm kích tàng hình hàng đầu thế giới, mà bây giờ nếu có tiền cũng không thể mua ngay được.

Rõ ràng, Ấn Độ đang rơi vào thế khó, thật may Moscow đã chìa bàn tay đúng lúc, trao cho New Delhi một cái cọc để bấu víu giữa lúc "nước sôi lửa bỏng". Tất nhiên, khách quan mà nói thì Nga được lợi, tội gì không gật!

Bình Nguyên

NỔI BẬT TRANG CHỦ