• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Trung Quốc lôi kéo Nga can dự vào xung đột Biển Đông

Thế giới 07/09/2016 00:17

(Tổ Quốc)-Tập trận chung hải quân Trung-Nga  tại Biển Đông gây tổn hại quan hệ Nga-ASEAN.

Cuộc tập trận hải quân chung Trung-Nga  diễn ra vào  các ngày 11-19/9. Tuần trước TASS đã đưa tin như vậy, tái xác nhận một tuyên bố của Bộ Quốc phòng Trung Quốc hồi tháng 7 năm nay.

Đây là cuộc tập trận hải quân chung đầu tiên giữa hai nước tại Biển Đông. Là một tin xấu đối với khu vực.

Cuộc tập trận chung này là một bước thụt lùi gây tổn thất cho quan hệ Trung Quốc-ASEAN và Nga-ASEAN vào thời điểm sắp diễn ra các cuộc gặp cấp cao giữa ASEAN với Trung Quốc và với Nga.

Hải quân Trung Quốc và Nga tập trận chung ở Biển Hoa Đông, lần này Trung Quốc lôi kéo Nga xuống Biển Đông

Tại sao Trung Quốc lôi kéo Nga vào xung đột Biển Đông?

Trung Quốc đang bị cô lập trong vấn đề Biển Đông. Nhất là từ sau khi Tòa Trọng tài Thường trực PCA ra phán quyết bác bỏ những đòi hỏi phi lý của nước này đối với đường lưỡi bò, “quyền lịch sử”, quy chế địa lý các đảo… Trung Quốc cần bào chữa để giảm tổn thất uy tín quốc tế.

Mặc dù lý do hai bên đưa ra là để đối trọng hải quân Mỹ và Nhật Bản, nhưng chính là dùng Nga làm “giấy gói lửa”, khi dư luận đang phê phán Trung Quốc gây bất ổn định Biển Đông và yêu cầu Trung Quốc tuân thủ các phán quyết của PCA 12/7.

Bằng việc lôi kéo Nga vào tập trận chung, Trung Quốc đã lôi kéo Nga can dự vào xung đột Biển Đông. Đồng thời chia rẽ Nga với các nước Đông Nam Á/ASEAN.

Từ sau sự kiện Nga sáp nhập Crimea, tháng 3/2014, Trung Quốc nối gót Nga thực hiện các vụ gây hấn nghiêm trọng ở Biển Đông,  trước hết là vụ HD981, đồng thời bồi đắp, tôn tạo 7 đảo ở Trường Sa.

Thâm sâu hơn nữa, Trung Quốc áp dụng một cách có chọn lọc phương châm Đặng Tiểu Bình “Dấu mình chờ thời, quyết không đi đầu”; thường tuyên bố “không thách thức trật tự và luật lệ quốc tế hiện hành”; “không thực hiện bá quyền”,  để không đối đầu với Mỹ, nhưng lại thúc đẩy Nga cầm ngọn cờ chống Mỹ, NATO và phương Tây trong các cơ chế như G20, BRICS...

Mặt khác, khi thúc đẩy hợp tác chiến lược với Nga, Trung Quốc vẫn kiềm chế Nga: vũ khí hạt nhân chiến lược của Trung Quốc không chỉ đối phó Mỹ, các thành viên NATO, mà đối phó cả Nga. Trung Quốc ra sức lấn sân khu vực ảnh hưởng của Nga tại các quốc gia thuộc Liên Xô cũ ở Trung Á. Ở đấy, sự hiện diện của Trung Quốc ngày càng toàn diện và lấn át. Các đại dự án dầu khí Nga-Trung đã không được thực hiện, mất động lực do giá dầu thế giới hạ.

Tại sao Nga ủng hộ lập trường Trung Quốc về Biển Đông?

Cuộc tập trận hải quân chung Trung-Nga ở Biển Đông thể hiện sự ủng hộ của Nga đối với lập trường Trung Quốc về Biển Đông. Nga từ bỏ lập trường “trung lập”. Nhật báo của Singapore Straits Times ngày 6/9 đưa lại phân tích của Song Zhongping,  một chuyên gia phân tích quân sự tại Bắc Kinh, cho rằng việc Nga tham gia tập trận chung “là một quyết định chính trị của Moscow. Nó cho thấy Moscow sẵn sàng ủng hộ Bắc Kinh để đổi lấy sự ủng hộ của Bắc Kinh về kinh tế, chính trị và địa chính trị vào lúc Nga đang bị phương Tây cấm vận”. Theo tờ báo này, ý nghĩa chính trị vượt xa ý nghĩa quân sự.

Vừa rồi khi tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Hàng Châu, Tổng thống Nga Putin đã lần đầu tiên công khai bày tỏ quan điểm ủng hộ chính sách Biển Đông của Trung Quốc và bác bỏ tính pháp lý của các phán quyết của PCA 12/7.

Sau khi Nga bị phương Tây áp đặt bao vây cấm vận, cùng với giá dầu tụt dốc kỷ lục, nền kinh tế Nga lâm vào khó khăn nghiêm trọng. Crimea, xung đột miền Đông Ukraine, can dự quân sự  Syria là những nỗ lực lớn của Nga để buộc phương Tây, trước hết là Mỹ, ngồi đối thoại và nới lòng cấm vận. Chính quyền Putin đã đạt được các bước đi gây ấn tượng với trong nước và quốc tế. Được về chiến thuật nhưng hỏng về chiến lược: Trong thoáng chốc, Nga đã bị mất những vị thế trong các cơ chế thế giới và châu Âu – G8, đối tác chiến lược với EU, đối thoại chiến lược với NATO… Các tập đoàn kinh tế tài chính Nga không thể tiếp cận nguồn vốn thế giới phương Tây, đầu tư phương Tây rút khỏi Nga. Quá trình hiện đại hóa nước Nga bị gián đoạn.

Chính quyền Putin thực hiện chính sách “hướng Đông”, nhưng nội hàm căn bản là “hướng Trung”.  Trung Quốc là nguồn cung cấp tín dụng chủ yếu của Nga.

Quan hệ Nga-Trung hiện nay có thể hiểu như một hiện tượng nhất thời trong chính sách của Nga.

Hy vọng, một cường quốc như Nga sớm muộn sẽ quay trở lại những lợi ích lâu dài, chính thống, một nước lớn có trách nhiệm đối với hòa bình, ổn định và thịnh vượng khu vực.

Trong vấn đề Biển Đông, dù Trung Quốc dùng nhiều mưu mô thủ đoạn, cũng không thể dùng “giấy gói lửa”./.

Người bình luận

 

NỔI BẬT TRANG CHỦ