• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Trung Quốc tại châu Phi: Sức mạnh mềm, kết quả cứng

Thế giới 30/06/2010 00:36

(Toquoc)-Quan hệ Trung Quốc và châu Phi đang phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ, tích cực và tiêu cực.

(Toquoc)-Quan hệ Trung Quốc và châu Phi đang phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ, vừa tích cực vừa có nhiều mặt tiêu cực.

Trung Quốc không phải là nước lớn duy nhất nhìn thấy những cơ hội ở châu Phi, nhưng là nước nghiêm túc nắm lấy các cơ hội này. Trung Quốc đã đặt cược vào tương lai châu Phi, giống như người Pháp và người Mỹ trước đây. Sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc có thể góp phần thay đổi bức tranh kinh tế cũng như chính trị của châu lục này. Trong khi các nỗ lực ngoại giao và “sức mạnh mềm” mà Trung Quốc triển khai tại châu Á ít tác dụng do những nghi kỵ địa-chính trị và tranh chấp lãnh thổ, Trung Quốc tỏ ra thành công ngoạn mục ở lục địa Đen.

Tham vọng, tốc độ và quy mô của sự dính líu và can dự của Trung Quốc vào châu Phi là đầy ấn tượng. Buôn bán hai chiều  giữa Trung Quốc và châu Phi chỉ 10 tỷ USD năm 2000. Ngày nay châu Phi là đối tác thương mại thứ ba của Trung Quốc. Theo số liệu của Bộ Thương mại Trung Quốc, năm 2008, kim ngạch song phương Trung Quốc-châu Phi đạt 106,8 tỷ USD, gấp đôi kim ngạch năm 2006, với tốc độ tăng trưởng 30% trong vòng 3 năm qua. Trong khi buôn bán giữa Mỹ với châu lục này là 86 tỷ USD vào năm 2009. Trên 1.000 công ty Trung Quốc đã đầu tư vào châu Phi. Trung Quốc cam kết xóa 168 khoản nợ cho 33 nước châu Phi. Tính đến tháng 11/2009, mọi thủ tục liên quan tới việc xóa nợ đã hoàn tất.

Ngày nay Trung Quốc bơm dầu từ Sudan sang Angola, khai thác gỗ từ Liberia tới Gabon, khai thác mỏ từ Zambia tới Ghana và canh tác nông nghiệp từ Kenya tới Zimbabwe. Các chủ thầu Trung Quốc đang xây dựng các con đường từ Guinea xích đạo tới Ethiopia, xây các đập thủy  điện từ Congo tới sông Nile, xây dựng các bệnh viện, trường học, sân vận động và các dinh thự tổng thống trên khắp lục địa Đen.

Trong thời gian khủng hoảng kinh tế toàn cầu, giữa lúc các nước Tây Âu và Bắc Mỹ mải lo tự cứu mình, đầu tư và thương mại của Trung Quốc với châu Phi vẫn giữ tốc độ tăng trưởng cao. Trung Quốc đang xây dựng thị trường mới cho hàng hóa của Trung Quốc. Ở châu Phi, “Made in China ” đồng nghĩa với rẻ và chất lượng thấp. Tại lục điạ này, 80% sản phẩm bán trong các cửa hàng tại nhiều thành phố là do Trung Quốc sản xuất.

Châu Phi chính là nơi Trung Quốc thí nghiệm vai trò mới trên thế giới. Chính vì vậy, vai trò Trung Quốc tại châu Phi là một chủ đề nổi bật tại cuộc Hội thảo “Cơ hội toàn cầu mới” do tạp chí Fortune, Time và hãng truyền hình Mỹ CNN đồng tổ chức tại Cape Town (Nam Phi) ngày 26/6 vừa qua.

Lịch sử hợp tác và hỗ trợ của Trung Quốc ở châu Phi ngắn hơn rất nhiều so với các nước phương Tây. Tuy nhiên, kết quả đạt được lại tốt hơn do Trung Quốc không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước châu Phi và không đi kèm với các mục đích chính trị. Đàm phán và thỏa thuậnkinh tế, tài chính lại dứt điểm nhanh gọn.

Lợi thế của Trung Quốc

Sức mạnh của Trung Quốc chính là ở chỗ này: thay thế phương Tây trên lãnh địa của họ. Bị cáo buộc là bóc lột châu Phi, Bắc Kinh đã nhắc nhở các doanh nghiệp của mình là phải tôn trọng các qui định hiện hành và khuyến khích các doanh nghiệp của nước mình liên kết với các tập đoàn Nhà nước ở châu Phi để xây dựng đường bộ, đường sắt, các nhà máy thuỷ điện… Trung Quốc đang phối hợp giữa thương mại, viện trợ và ngoại giao theo cách thức mà không nước phương Tây nào làm được. Cách thức Trung Quốc hợp tác với châu Phi có nhiều ưu thế. Trước hết nó nhanh và dứt điểm. Những cuộc đàm phán diễn ra trong vài ba tuần, trong khi để đạt được các khoản vay của các tổ chức tài chính quốc tế đòi hỏi nhiều năm. “Văn hóa phong bì” trong nhiều trường hợp cho phép "bôi trơn" các hợp đồng lớn hiệu quả  cao với chi phí thấp hơn thực tế.

Hầu hết các khu vực ở châu Phi đều tụt hậu xa so với các châu lục khác trên thế giới khi tiến hành công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Trong khi đó, châu Phi lại gánh chịu nhiều tác động tiêu cực từ khí thải và hiệu ứng nhà kính của các nước phát triển, dẫn tới tình trạng hạn hán và sa mạc hóa.

Trung Quốc theo đuổi 4 yêu cầu chiến lược ở châu Phi: Giành quyền tiếp cận các nguồn tài nguyên; tăng cường ảnh hưởng chính trị; phát triển thị trường cho người lao động Trung Quốc; và giành quyền tiếp cận các thị trường châu Phi. Do các công ty dầu mỏ quốc tế đến từ các nước phương Tây đã đạt được quyền tiếp cận một số mỏ dầu tiềm năng nhất của châu Phi, Trung Quốc phải tập trung vào những nơi ít cạnh tranh hơn, năng suất không cao hoặc rủi ro cao hơn. Do tính chất trao đổi - cho vay để lấy quyền tiếp cận dầu, nên Trung Quốc thường là nhà đầu tư duy nhất, hoặc chủ yếu tại các dự án này. Với chiến lược này, Bắc Kinh sẵn sàng làm việc với các chính phủ mà các nước phương Tây xa lánh vì lý do chính trị, như Xuđăng, để tiếp cận các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Trong những năm qua, các công ty của Trung Quốc đã ký hoặc dự kiến ký hợp đồng thăm dò ở gần như tất cả các nước châu Phi có tiềm năng về dầu mỏ. Trung Quốc có các dự án chính dài hạn ở Angola, Sudan, Congo.

Một đập thuỷ điện ở Congo do Trung Quốc viện trợ xây dựng

Trung Quốc đã sử dụng việc phát triển cơ sở hạ tầng thông qua các khoản vay và đầu tư. Ngân hàng phát triển Trung Quốc trong những năm gần đây đã cho Angola vay trên 5 tỷ USD để đổi lấy sự bảo đảm về nguồn cung dầu mỏ. Trong năm 2009, ngân hàng này cũng cho Zambia vay 420 triệu USD để các công ty của Trung Quốc xây dựng một nhà máy điện và cho Nigeria vay 850 triệu USD để xây dựng đường sá. Các công ty của Trung Quốc cũng đầu tư vào thông tin liên lạc và các lĩnh vực công nghiệp khác ở châu Phi như một phần trong việc mở rộng thị trường cho nền kinh tế dựa vào xuất khẩu của họ. Các công ty Trung Quốc đang đầu tư  mua cổ phần trị giá 5,5 tỷ USD của Ngân hàng Standard của Nam Phi và đầu tư 14 triệu USD vào một công ty điện thoại di động Somalia.

Lao động phổ thông Trung Quốc gây bất bình bản địa

Các dự án do Trung Quốc cung cấp tài chính và vận hành thường sử dụng lao động phổ thông người Trung Quốc, tạo thêm việc làm cho Trung Quốc trong điều kiện kinh tế suy thoái. Tuy nhiên, điều này có thể là phản tác dụng do các nước nhận các khoản vay và đầu tư của Trung Quốc cũng thường có tỷ lệ thất nghiệp cao và công nhân người Trung Quốc không được vui vẻ đón nhận.

Dòng nhân công đông đảo từ Trung Quốc tới châu Phi là nguyên nhân chủ yếu làm cho người dân bản địa bất bình. Ở Angola, trong khi các công ty phương Tây dựa chủ yếu vào lao động địa phương, thì các công ty Trung Quốc lại mang tới 70-80% nhân công từ trong nước sang. Trong khi gần 90% công nhân làm việc cho hãng khai thác dầu Chevron của Mỹ, kể cả chuyên viên, kỹ sư và nhân viên quản lý là người Ănggôla, thì các công ty dầu của Trung Quốc tuyển dụng không quá 15% công nhân là người Ănggôla và người Ănggôla thường đứng cuối bảng lương của các công ty Trung Quốc. Ở Ănggôla, những người Trung Quốc bán hàng rong trên đường phố đã nhanh chóng làm cho hàng nghìn thương nhân bản địa và người Malian vốn sống bằng nghề bán rong qua nhiều thế hệ bị mất đất kinh doanh. Người Trung Quốc thích sống biệt lập và không có quan hệ với dân địa phương càng làm cho người dân bản địa thêm ghẻ lạnh. Trung Quốc được coi là nhân tố cơ bản gây nên thảm hoạ môi trường ở Môdămbích , Nam Xuđăng và Ghinê Xích đạo. Ở miền Nam Xuđăng, người dân địa phương đã tấn công vào đội khai thác dầu người Trung Quốc, giết chết đội trưởng, vì họ cho rằng công trình của người Trung Quốc đã làm ô nhiễm mảnh đất của họ. Công nhân Trung Quốc cũng đã bị giết hại ở Êtiôpia và Ghinê Xích đạo. Ở Nigeria, người dân địa phương đã biểu tình, đuổi các công ty Trung Quốc ra khỏi vùng đồng bằng Nigiê giàu dầu mỏ của họ.

Trong khi giới tinh hoa Châu Phi và Trung Quốc song ca bài ca hữu nghị và hợp tác Nam-Nam cùng có lợi, thì sự phẫn uất của những người dân thường lâu nay vẫn bị bỏ qua. Cần lưu ý ở đây là sự phẫn uất không phải là phổ biến và không giống nhau ở các nước khác nhau. Ví dụ ở Cáp Ve, một trong những quốc gia thành công nhất và minh bạch nhất châu Phi, chính phủ đã áp đặt những điều kiện rất nghiêm ngặt đối với các dự án đầu tư của Trung Quốc, như yêu cầu phải tuyển dụng nhân công địa phương và bảo đảm các tiêu chuẩn về môi trường. Tình hình tương tự cũng xảy ra ở Bốtxoana và Namibia. Tại Nam Phi, cựu Tổng thống Thabo Mbeki đã cảnh báo Trung Quốc về mối “quan hệ thực dân” mới.

Theo Mạng tin YaleGlobal thuộc Đại học Yale, Mỹ, xét về góc độ tuyển dụng lao động địa phương thì các công ty Trung Quốc kém rất xa các công ty của các nước khác. Dòng lao động nhập cư đông đảo người Trung Quốc, mà nhiều người trong số họ là lao động bất hợp pháp, đã làm hoen ố hình ảnh của Trung Quốc với tư cách là cường quốc trong con mắt của người châu Phi. Một giáo viên trung học ở Môdămbích nhận xét: “Họ nói rằng Trung Quốc là cường quốc, giống như Mỹ vậy. Tuy nhiên cường quốc kiểu gì mà lại đưa hàng nghìn người tới đất nước nghèo khó như của chúng tôi để bán bánh trên đường phố, cướp đi công việc của những người bán hàng rong vốn đã nghèo khó?”. Nếu vấn đề này không được giải quyết thì sự phẫn uất của những người dân thường châu Phi có thể bùng phát thành bạo lực, gây tổn hại cho mối quan hệ vốn có triển vọng mang lại những lợi ích to lớn cho cả hai phía. Người ta khó có thể hy vọng các công ty khai khoáng Trung Quốc ở châu Phi tuân thủ đầy đủ các quy định về bảo vệ môi trường và an toàn lao động, khi mà các hầm mỏ ở Trung Quốc vẫn được coi là nguy hiểm nhất thế giới và Trung Quốc đang phải khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường trầm trọng tại chính quốc.

Người Trung Quốc thường không coi trọng luật pháp bản địa. Một số công ty Trung Quốc phớt lờ luật pháp ở châu Phi: Không ký các hợp đồng lao động, không trả tiền bảo hiểm, trả tiền công thấp hơn mức lương tối thiểu, buộc người lao động làm thêm trong ngày nghỉ. Do vậy, họ thường xuyên xích mích với người lao động hoặc vi phạm luật pháp bản địa. Một công ty xây dựng Trung Quốc ở châu Phi từng nhận 150 trát đòi ra hầu tòa trong một ngày vì phạt công nhân mà không tuân thủ các trình tự pháp luật và tất cả những người bị phạt đã đồng loạt gửi đơn kiện.

Người Trung Quốc không thật chú ý tới hình ảnh của mình. Văn phòng các công ty của Trung Quốc ở châu Phi thường đơn giản, thậm chí nhếch nhác. Một số công ty xây dựng và cửa hàng tồi tàn, trang hoàng nghèo nàn và thái độ của nhân viên phục vụ kém. Điều này đang tạo ra ấn tượng không tốt rằng tất cả người Trung Quốc là cẩu thả và luộm thuộm. Người Trung Quốc đến từ các công ty khác nhau hiếm khi chào nhau trên đường phố. Mặc dù sống xa quê hương hàng nghìn dặm nhưng họ không muốn gần gũi nhau. Đối với các nhà doanh nghiệp Trung Quốc kinh doanh trong cùng một thành phố ở châu Phi, cạnh tranh có thể dẫn tới xung đột lớn. Họ có thể quay đầu chống lại nhau.Vấn đề băng đảng cũng đang rất nghiêm trọng. Người Trung Quốc đến từ các miền quê khác nhau đã thành lập các băng nhóm nhỏ tấn công lẫn nhau.

Dẫu sao Trung Quốc cũng đã chìa tay giúp đỡ châu Phi khi mà phương Tây phớt lờ mảnh đất này. Sau Chiến tranh Lạnh, phương Tây gần như bỏ mặc châu Phi và kết quả là trong thập kỷ 1990 châu lục này chìm trong đói kém và bạo lực. Chính sự có mặt mạnh mẽ của Trung Quốc ở châu Phi đã buộc nhiều nước phương Tây phải can dự trở lại châu lục này. Trung Quốc đã góp phần biến châu Phi từ mảnh đất chỉ trông chờ viện trợ nước ngoài thành địa điểm làm ăn kinh doanh. Theo số liệu của Liên hợp quốc, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào châu Phi đạt 88 tỷ USD. Dù vậy, hiện vẫn chưa rõ liệu về lâu dài những lợi ích này có xoá nhoà những vấn đề mà “cường quốc mới” đang gây ra trên mảnh đất châu Phi hay không. Câu trả lời có lẽ nằm ở chính giới tinh hoa của châu Phi. Cáp Ve và một vài nước khác đã chứng minh rằng với cách tiếp cận trung thực, công khai minh bạch, mối quan hệ Trung Quốc-châu Phi có thể có lợi cho cả hai phía./.

Nguyễn Nguyên

NỔI BẬT TRANG CHỦ