• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Trung Quốc trước sức ép Donald Trump: Ngoài cứng, trong mềm

Thế giới 26/01/2017 20:37

(Tổ Quốc)-Ổn định kinh tế là trọng tâm trong năm Đại hội ĐCS 2017, thận trọng đối phó cuộc chiến thương mại của Mỹ.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC), ngày 24/1, đã bơm thêm vào thị trường nội địa một lượng tiền khổng lồ là 245,5 tỷ Nhân dân tệ (35,93 tỷ USD) dưới dạng cho 22 tổ chức tài chính vay trung hạn nhằm duy trì thanh khoản ổn định. PBOC cho biết lãi suất ở mức 2,95% đối với khoản vay 6 tháng và 3,1% đối với khoản vay 1 năm. Đây là lần đầu tiên PBOC tăng lãi suất nhằm kiểm soát mức tăng trưởng tín dụng và tài chính. Động thái trên sẽ giúp giảm tình trạng căng thẳng về khả năng thanh khoản trong hệ thống tài chính trước dịp Tết Nguyên đán.

Nhưng nguyên nhân sâu xa là thực hiện chủ trương của ông Tập Cận Bình tập trung vào việc củng cố quyền lực trước Đại hội Đảng lần thứ 19 trong tình trạng đấu tranh quyền lực phát triển gay gắt. Và vì vậy sự ổn định kinh tế sẽ được ưu tiên hơn cải cách và cải tổ. Điều này có nghĩa là Bắc Kinh sẽ mở rộng tín dụng và đầu tư nhà nước, mặc dù các công cụ này ngày càng kém hiệu quả và đẩy nợ doanh nghiệp của Trung Quốc lên mức nguy hiểm.

Hàng hóa tại cảng Thanh Đảo (Trung Quốc) chuẩn bị xuất khẩu sang Mỹ: tương lai không rõ ràng với chính sách bảo hộ mậu dịch của Trump

Đối phó với sức ép thương mại của Mỹ: ngoài cứng, trong mềm

Ông Tập sẽ cố gắng bằng mọi giá để tỏ ra mạnh mẽ trước dân chúng trong nước trong cuộc đối đầu với ông Trump khi cuộc chiến thương mại đến gần. Chính quyền mới ở Mỹ có thể lợi dụng tình hình này để gây sức ép với Trung Quốc.

Theo Thời báo New York, ngày 25/1, Trung Quốc xem ra đã sẵn sàng cho một cuộc chiến thương mại, mà trong đó hai bên sẽ áp đặt thuế quan và hạn chế thương mại để trả đũa nhau. Trung Quốc đề xuất cho phép tăng cường đầu tư nước ngoài vào một số khu vực cụ thể, song gần như chưa có dấu hiệu cho thấy những kiến nghị này sẽ được thực thi trong tương lai gần.

Các cố vấn của ông Trump nói rằng Trung Quốc có nhiều thứ để mất hơn so với Mỹ nếu nổ ra chiến tranh thương mại, song tuần trước các quan chức Trung Quốc tuyên bố với các doanh nhân Mỹ rằng “Bắc Kinh đã sẵn sàng”. Họ cho biết đã lên một danh sách những biện pháp trừng phạt Mỹ nếu như Washington có hành động khơi mào. Ông Wu Xinbo, Giám đốc phụ trách Viện nghiên cứu Mỹ thuộc trường Đại học Phúc Đán ở Thượng Hải, nói: “Nếu như nổ ra một cuộc chiến tranh thương mại, Trung Quốc sẽ giảm bớt việc nhập khẩu máy bay Boeing và nông sản của Mỹ. Chúng tôi có thể quay sang nhập khẩu những sản phẩm này từ châu Âu, Australia và Canada. Và chúng tôi biết rằng sẽ có từ 20-30 bang ở Mỹ có những lực lượng vận động hành lang hùng hậu và các nhà máy của Boeing sẽ gây áp lực lên Quốc hội Mỹ”. 

Tuy nhiên, một số nhà quan sát lại cho rằng vẻ tự tin của Trung Quốc chỉ là giả tạo. Thời điểm này không thích hợp cho một cuộc chiến thương mại. Bilahari Kausikan, Đại sứ lưu động của Singapore, cho rằng Trung Quốc “thực sự cảm thấy không an toàn nếu phải tham gia chiến tranh thương mại”. Cả hai bên đều có thể bị thua thiệt, song Trung Quốc có nhiều thứ để mất hơn “vì trật tự chính trị trong nước của Mỹ không bị đe dọa nhưng sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc có thể bị ảnh hưởng”. 

Việc tân Tổng thống Mỹ giết chết hiệp định TPP mang mục đích hạn chế tầm ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc tại châu Á và củng cố vị thế của Mỹ tại khu vực tăng trưởng nhanh nhất thế giới, ông Trump đã tạo ra một khoảng trống để Chủ tịch Trung Quốc thế vào. Tại Diễn đàn Davos, ngày 17/1, ông Tập Cận Bình đã thử khoác chiếc áo nhà lãnh đạo kinh tế toàn cầu, với gợi ý rằng nếu Mỹ rút lui, Trung Quốc sẵn sàng đảm nhận vị trí đi đầu về mậu dịch tự do và bảo vệ môi trường toàn cầu. 

Làm chậm cải cách kinh tế toàn diện

Sau 3 thập niên tăng trưởng kinh tế nhanh nhờ vào xuất khẩu giá thành thấp và đầu tư vào cơ sở hạ tầng do nhà nước chỉ đạo, Trung Quốc đang ở trong giai đoạn đầu của một sự chuyển dịch kéo dài hướng tới một mô hình tăng trưởng kinh tế dựa vào tiêu dùng cá nhân và sản xuất các hàng hóa có giá trị gia tăng cao. Tiêu dùng tăng tất nhiên sẽ làm dịu cơn đau kinh tế dự kiến sẽ xảy ra trong 2017, cụ thể là xuất khẩu trì trệ và tăng trưởng yếu trong khu vực xây dựng.

Nhưng sẽ phải mất nhiều năm trước khi tiêu dùng trở thành động lực phát triển của Trung Quốc. Trong khoảng thời gian đó, các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ có ít sự lựa chọn ngoài việc sử dụng đầu tư vào cơ sở hạ tầng do nhà nước chỉ đạo, dù nó có thể không hiệu quả đi chẳng nữa, để duy trì sức khỏe của nền kinh tế và từ đó bảo đảm bảo ổn định chính trị xã hội.

Ở nơi nào thích hợp, các nhà cầm quyền ở Bắc Kinh sẽ thực hiện các bước đi thận trọng trong các sáng kiến cải cách./.

Lưu Việt

NỔI BẬT TRANG CHỦ