• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Trung Quốc vạch "ranh giới đỏ", tung cảnh báo gia tăng căng thẳng với Mỹ

Thế giới 02/02/2021 16:58

(Tổ Quốc) - Nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc mới đây đã lên tiếng cảnh báo tân chính quyền Mỹ đừng vượt qua "làn ranh đỏ" của Bắc Kinh.

Trong một bài phát biểu trên video, Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc Dương Khiết Trì cho hay, hai nước đang "đứng trước thời khắc chủ chốt" để tái xây dựng quan hệ và hợp tác sau khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức. Tuy nhiên, theo ông Dương, Mỹ cần phải nỗ lực sửa chữa những thiệt hại đến từ "loạt chính sách chệch hướng" dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump.

"Trung Quốc chúng tôi hy vọng Mỹ sẽ vượt lên trên cách suy nghĩ lỗi thời 'tổng bằng không', cạnh tranh giữa nước lớn; sau đó, hợp tác với Trung Quốc nhằm giữ cho mối quan hệ đi đúng hướng", ông Dương nhấn mạnh. Cựu Ngoại trưởng Trung Quốc cũng kêu gọi Mỹ "dừng việc bắt nạt sinh viên, hạn chế truyền thông Trung Quốc, đóng cửa các Viện Khổng Tử và chèn ép các công ty Trung Quốc". Bên cạnh đó, ông Dương cũng khẳng định Hong Kong, Tây Tạng và Tân Cương là "ranh giới đỏ không thể bước qua".

Trung Quốc vạch "ranh giới đỏ", tung cảnh báo gia tăng căng thẳng với Mỹ - Ảnh 1.

Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc Dương Khiết Trì (ảnh: Getty)

Bải phát biểu trước Ủy ban Quốc gia về quan hệ Mỹ - Trung của nhà ngoại giao kỳ cựu Trung Quốc là thông điệp ở cấp cao nhất gửi tới nước Mỹ kể từ khi ông Biden chính thức nắm quyền vào ngày 20/1. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là một trong những nhà lãnh đạo thế giới cuối cùng gửi lời chúc mừng tới chiến thắng của ông Biden trước đối thủ Trump trong cuộc bầu cử vào tháng 11 năm ngoái. Và sau lễ nhậm chức tại Washington, hai nhà lãnh đạo vẫn chưa nói chuyện với nhau.

Chính quyền Dân chủ của Mỹ đang thể hiện mong muốn duy trì áp lực lên Trung Quốc từ thương mại cho tới nhân quyền. Hôm thứ hai, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói với kênh MSNBC, Mỹ nên cung cấp "nơi ấn náu" cho những người bị đàn áp chính trị đến từ Hong Kong. Trước đó, ông Blinken cũng dành những từ ngữ nặng nề khi đề cập tới các hành động của Trung Quốc tại Tân Cương.

"Cho tới giờ, tất cả dấu hiệu từ cả hai phía cho thấy không bên nào sẵn sàng có động thái đầu tiên để điều phối căng thẳng song phương", giáo sư về chính trị toàn cầu và quan hệ quốc tế từ Đại học Pennsylvania, Avery Goldstein nhận định trước bài phát biểu của ông Dương. "Bất chấp việc chuyển giao sang chính quyền mới, xu thế nổi bật vẫn là tiếp nối chứ không phải là thay đổi trong mối quan hệ có vấn đề này".

Phát biểu của ông Yang phù hợp với lập trường của Bắc Kinh rằng, các chính sách thất thường của Mỹ xuất phát từ sự chia rẽ ngày càng sâu sắc trong xã hội Mỹ. Trong những tuần gần đây, giới ngoại giao Mỹ liên tục miêu tả các hành động của chính quyền Trump là "điên rồ" và coi Washington là nguyên nhân khiến quan hệ giữa hai nước bị xói mòn.

"Thông điệp của ông Yang rất rõ ràng. Sau 4 năm khó khăn dưới thời Trump, đã tới lúc cả hai bên dành ra thời gian và tự xem xét lại bản thân", giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Nam Kinh, Zhu Feng chỉ ra. "Những điên rồ trong chính sách Trung Quốc – luôn ngập tràn sự ghét bỏ - của Tổng thống Trump, cuối cùng đã trở thành thất bại. Mỹ nên suy nghĩ về những thiệt hại như vậy trong quan hệ song phương [với Trung Quốc]".

Cả Bắc Kinh và Washington đều thể hiện muốn làm giảm căng thẳng sau những bất ngờ chính sách đầy tính khiêu khích trong những năm qua. Trong khi ông Dương kêu gọi Mỹ dừng coi Trung Quốc là "một đối thủ chiến lược" còn Ngoại trưởng Blinken lại tìm cách hạ thấp nguy cơ xảy ra đụng độ giữa hai cường quốc sở hữu hạt nhân.

"Có những khía cạnh đối đầu trong mối quan hệ - chắc chắn rồi, nhưng vẫn có một vài lĩnh vực hợp tác", ông Blinken nói trên kênh MSNBC. "Tuy nhiên, cho dù đang đối mặt với khía cạnh nào của mối quan hệ, chúng ta đều phải tiếp cận Trung Quốc từ môt lập trường mạnh mẽ chứ không phải là yếu ớt".

Ông Dương Khiết Trì nhấn mạnh các cơ hội hợp tác giữa hai bên trong nhiều địa hạt như biến đổi khí hậu, viện trợ đại dịch và chính sách kinh tế vĩ mô… Phát biểu của ông về việc giảm áp lực visa lên sinh viên và truyền thông Trung Quốc cũng mở ra một lĩnh vực có khả năng đạt được thỏa thuận song phương. Tháng trước, điều phối viên của Tổng thống Biden về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, Kurt Campbell từng tiết lộ, Mỹ có thể thay đổi những động thái này nhằm xây dựng niềm tin với Trung Quốc.

Bài phát biểu của ông Dương còn biểu trưng cho sự đồng thuận với dự án kéo dài nhiều thập kỷ với mục tiêu duy trì quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Ủy ban Quốc gia về quan hệ Mỹ-Trung đóng vai trò quan trọng trong "ngoại giao bóng bàn" từng giúp khởi đầu các cuộc thảo luận giữa hai bên trong những năm 1970.

"Sẽ là một sai lầm nếu nghĩ rằng quay trở lại với những người quen thuộc sẽ đồng nghĩa với việc các vấn đề nhận được nhiều quan tâm sẽ giảm đi", Chủ tịch Ủy ban, cựu Bộ trưởng Tài chính Jacob Lew nhận xét khi giới thiệu về ông Dương.

Chính quyền Biden bày tỏ cam kết sẽ bảo hộ tốt hơn các giá trị tự do như nhân quyền và dân chủ. "Đây là những vấn đề Mỹ chắc chắn sẽ đề cập tới. Sự đối đầu trong những vấn đề này sẽ vẫn tiếp diễn", ông Shi Yinhong, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Hoa Kỳ, Đại học Nhân dân Bắc Kinh (Trung Quốc) đánh giá.

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ