• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Trường Đại học Bách khoa Hà Nội tuyển sinh chương trình tiên tiến Phân tích kinh doanh

Giáo dục 21/05/2019 09:24

(Tổ Quốc) - Phân tích kinh doanh - Ngành học “quyến rũ” nhất thế kỷ 21 - Đây là nhận định của Harvard Business Review - Tạp chí uy tín hàng đầu thế giới dành cho doanh nhân và các nhà quản trị doanh nghiệp. Với 'tiềm năng' của nghề này, trong năm học 2019-2020 trường ĐH Bách khoa Hà Nội tuyển 30 chỉ tiêu cho chương trình Phân tích kinh doanh (EM-E13).

Nhận định trên được đưa ra là hoàn toàn có cơ sở, khi Phân tích kinh doanh là nghề đứng đầu trong số 25 nghề nghiệp tốt nhất, đứng 16 về mức lương với trung bình hơn 116.000 USD và có nhiều vị trí được tìm kiếm tuyển dụng nhất trong năm 2015 ở Hoa Kỳ theo Glassdoor. Đặc biệt, khi Công ty tư vấn quản lý toàn cầu McKincey & Company công bố, năm 2018, nước Mỹ có thể phải đối mặt với tình trạng thiếu từ 140.000-190.000 nhân lực với các kỹ năng phân tích sâu, cũng như 1,5 triệu nhà quản lý và nhà phân tích, thì càng chứng tỏ, sức "mê hoặc" của ngành này chưa bao giờ có dấu hiệu sụt giảm.

Trên thực tế, nhu cầu nhân lực có kỹ năng phân tích dữ liệu đang tăng vọt, và chính tiền lương đang bắt đầu phản ánh điều đó. Các nhân viên có kỹ năng phân tích thường kiếm được mức lương cao hơn so với những người còn lại. Cụ thể, 1 nhà phân tích nhân sự lương cao hơn 44% so với 1 nhà tuyển dụng, và 1 NV phân tích tiếp thị có lương cao hơn 75% so với 1 NV phụ trách viết bài. Hơn thế, rõ ràng người quản lý, giám đốc và các chuyên gia cấp cao ngày càng cần kỹ năng phân tích để quản lý tốt đội nhóm công ty bên cạnh các kỹ năng khác.

Hầu hết các tổ chức; từ các công ty nằm trong top 100 của bảng xếp hạng Fortune cho đến các tổ chức chính phủ và phi lợi nhuận đều phụ thuộc nhiều vào dữ liệu lớn và phức tạp. Ngay cả những doanh nghiệp nhỏ nhất ngày nay cũng tiếp cận một loạt các thông tin lớn và phức tạp như trải nghiệm của người dùng, lưu lượng truy cập web hoặc sự hài lòng của khách hàng và từ điều chỉnh mô hình kinh doanh cho đến áp dụng chiến thuật marketing, dữ liệu này phải được khai thác bằng nhiều cách.

Trường Đại học Bách khoa Hà Nội tuyển sinh chương trình tiên tiến Phân tích kinh doanh  - Ảnh 1.

Số doanh nghiệp thành lập mới tại Việt Nam năm 2018

Tại Việt Nam, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2018 có 131,3 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, và Việt Nam có năm thứ ba liên tiếp đạt kỷ lục về tăng trưởng doanh nghiệp. Môi trường cạnh tranh khốc liệt khiến các tổ chức, doanh nghiệp ngày càng nhận rõ tầm quan trọng của dữ liệu và thông tin đối với việc đưa ra các quyết định kinh doanh thông minh. Việc này đòi hỏi các tổ chức, doanh nghiệp cần có đội ngũ nhân lực có khả năng phân tích và phát huy được sức mạnh của dữ liệu trong hỗ trợ ra quyết định, đề xuất định hướng phát triển của tổ chức, doanh nghiệp. Tuy nhiên, cũng như Mỹ và nhiều nước trên thế giới và trong khu vực, Việt Nam đang thiếu hụt đội ngũ chuyên gia giỏi trong lĩnh vực này.

Phân tích kinh doanh là tìm hiểu nhu cầu thay đổi kinh doanh, đánh giá tác động kinh doanh của những thay đổi đó, nắm bắt, phân tích và ghi lại các yêu cầu và hỗ trợ việc truyền đạt và cung cấp các yêu cầu với các bên liên quan. Một chuyên gia phân tích kinh doanh sẽ có thể làm các công việc, như: tập hợp và xử lí dữ liệu lớn, phức tạp thông qua phân tích định lượng để dự đoán, đánh giá và đưa ra quyết định trong một số lĩnh vực kinh tế; bao gồm quản trị nhân sự, dịch vụ khách hàng, marketing, điều hành và tài chính.


Trước nhu cầu của xã hội, kể từ năm 2019, trường Đại học Bách khoa Hà Nội tuyển sinh chương trình tiên tiến Phân tích kinh doanh (EM-E13) với 30 chỉ tiêu. Chương trình được thiết kế hiện đại theo chuẩn quốc tế, phù hợp với bối cảnh nền kinh tế số hiện nay. Ngoài việc cung cấp các kiến thức chuyên ngành, chương trình còn chú trọng phát triển kỹ năng ứng dụng CNTT vào xử lý, phân tích dữ liệu để cái tiến quy trình kinh doanh, nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức, doanh nghiệp.

Điểm nổi bật của chương trình là sinh viên được học tập trong môi trường năng động, đạt chuẩn quốc tế, đào tạo chủ yếu bằng tiếng Anh; được tham gia nghiên cứu và làm việc trong các nhóm liên ngành ngay từ những năm đầu; được thực tập giải quyết các bài toán thực tiễn của doanh nghiệp ngay trong quá trình học và được trao đổi, chuyển tiếp sang học tập tại các trường đối tác nước ngoài.

Với yêu cầu trình độ ngoại ngữ đầu vào là IELTS 4.5 hoặc tương đương (nếu chưa đạt trình độ này, sinh viên sẽ được học tăng cường), chương trình tiên tiến Phân tích kinh doanh kỳ vọng sẽ đào tạo được những chuyên gia trong lĩnh vực phân tích kinh doanh có thể sử dụng thành thạo ngoại ngữ, có kỹ năng công nghệ và tin học tốt, đáp ứng yêu cầu câu việc trong bối cảnh bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.



Theo: Trường ĐH Bách khoa Hà Nội

NỔI BẬT TRANG CHỦ