(Toquoc)-Muốn có nền điện ảnh phát triển thì trường quay chưa đủ.Vấn đề chính vẫn là con người.
(Toquoc)- Muốn có nền điện ảnh phát triển thì trường quay chưa đủ. Trường quay cũng chỉ là nhà xưởng, máy móc. Vấn đề chính vẫn là con người. Nguồn nhân lực mới là quan trọng.
Điện ảnh Việt
+ Thưa ông, xây dựng mô hình trường quay Cổ Loa- trường quay đầu tiên có quy mô và chuyên nghiệp nhất Việt Nam hiện nay, đồng nghĩa với việc chưa có một khuôn mẫu để chúng ta học tập, điều này có khó khăn gì đối với việc xây dựng trường quay Cổ Loa?
- Đúng là chúng tôi chưa có kinh nghiệm xây dựng trường quay trong nước, chưa có mô hình mẫu, nên rất vất vả. Nguồn nhân lực thực hiện chưa có kinh nghiệm, phải học ở các nước trên thế giới và chọn điều phù hợp với điều kiện của mình để áp dụng.
Khó khăn nữa là nguồn ngân sách đầu tư cho văn hoá của chúng ta thấp so với thế giới do kinh tế chúng ta còn khó khăn. Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã hết lòng tập trung đầu tư kinh phí nhưng cũng không xuể. Từ nguồn vốn ít ỏi đó, chúng ta phải xem chúng ta đầu tư cái gì. Đầu tư phải khắc phục nhược điểm, tránh đầu tư dàn trải.
Khi hoàn thành, trường quay sẽ trở thành một trung tâm du lịch, văn hoá
+ Khởi động khá lâu, từ năm 2008 (cuối năm 2007, Bộ VH, TT&DL đã phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng, phục hồi, nâng cấp trường quay Cổ Loa), đến nay, trường quay đã xây dựng được những gì, thưa ông?
- Chúng tôi rất vướng trong việc giải phóng mặt bằng. Trong năm 2010, mới chỉ làm được việc cải tạo, phục hồi, nâng cấp trường quay và chúng tôi phấn đấu sẽ phải xong trường quay nội cảnh. Ngoại cảnh đã phục vụ phim Thái sư Trần Thủ Độ và Huyền sử thiên đô là những phim chào mừng Đại lễ 1000 năm. Tuy nhiên, chúng tôi mới chỉ cung cấp được mặt bằng và điều kiện hạ tầng làm phim vhứ chưa có được những cảnh như: núi non, sông suối…như những trường quay của các nước. Hiện cũng đã có hồ. Núi non, sông suối chúng tôi sẽ thực hiện trong thời gian tới. Chúng tôi đặc biệt chú ý đến ngoại cảnh ở trường quay Cổ Loa vì trường quay cho phim lịch sử, phim cách mạng của chúng ta còn thiếu. Những cung điện, khu dân cư… được xây dựng sẽ mang kiến trúc của 3 triều đại nổi bật và cũng khá tương đồng nhau là Lý, Trần và Lê. Sẽ đầu tư khoảng 4-5 ha cho khu vực này. Thuận lợi của chúng tôi là đã có được mặt bằng diện tích khá lớn.
+ Điện ảnh Việt Nam đang chờ đợi có một trường quay chuyên nghiệp, hiện đại, được đầu tư lớn. Theo ông, với nhu cầu làm phim hiện nay, cần xây dựng bao nhiêu trường quay?
- Đại hội Hội Điện ảnh vừa rồi cũng rất bức xúc chuyện trường quay. Để làm phim phải có trường quay, làm phim lịch sử càng cần. Chúng ta yếu thể loại phim này thì càng phải đầu tư cho hạ tầng làm phim.
Một trường quay Cổ Loa là không đủ. Cần hệ thống các trường quay, trường quay vệ tinh (ở miền núi, biển, hải đảo…) xoay quanh trường quay chính để khi cần sẽ thực hiện cảnh quay ở đó. Tại sao các nước đều đầu tư cho trường quay vì trường quay chính là biểu hiện có một nền công nghiệp điện ảnh thực sự.
Nhu cầu về phim của chúng ta chưa được đáp ứng. Có thể nói điện ảnh Việt Nam đang thụt lùi. Những năm 1980, chúng ta đã có 30 phim trong khi dân số mới là 40 triệu người. Nếu đúng tốc độ phát triển, đến năm 2020, chúng ta có 100 triệu dân thì phải có 90 phim. Và hiện tại chúng ta có hơn 80 triệu dân thì phải có 60 phim (nhưng ta mới chỉ có 10 phim).
Còn nếu so sánh với Hàn Quốc có 47 triệu dân và làm 70 phim điện ảnh/năm; có gần 20 trường quay, thì để đạt được mức là nước có nền công nghiệp điện ảnh, Việt Nam phải sản xuất hơn 100 phim điện ảnh/năm và có khoảng 20 trường quay chuyên nghiệp.
+ Việc có những trường quay xã hội hoá như ở Hưng Yên (trường quay phim Những người độc thân vui vẻ) hay trường quay phim lịch sử của đạo diễn Lý Huỳnh…, theo ông, có đảm bảo chất lượng và nhu cầu làm phim?
- Việc xã hội hoá trường quay là cần thiết. Có nhiều trường quay mới đáp ứng được nhu cầu làm phim. Tuy nhiên, đầu tư cho trường quay phải tập trung vào những điểm yếu của chúng ta hiện nay. Hiện âm thanh, hình ảnh đang là nhược điểm của chúng ta thì phải đầu tư mạnh trang thiết bị cho việc làm ra âm thanh, hình ảnh tốt nhất.
Do chúng ta chưa quan tâm nên chất lượng hình ảnh, âm thanh của chúng ta chưa tốt. Bởi thế, các phim của chúng ta chưa bao giờ được tham gia một Liên hoan chính thức. Để khắc phục việc làm phim ẩu của các nhà sản xuất, có lẽ cần nghiêm khắc hơn trong việc phát hành. Phải đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, âm thanh thì mới được chiếu phim. Vì chất lượng âm thanh, hình ảnh không tốt không chỉ hại đến sức khoẻ mà còn thể hiện sự không tôn trọng khán giả. Để làm được việc này, chúng ta đầu tư cho trường quay thế nào cũng phải chú trọng đầu tư âm thanh, hình ảnh.
Tương tự, chúng ta nói điện ảnh là kênh truyền bá văn hoá Việt Nam, nếu không đáp ứng tiêu chuẩn âm thanh, hình ảnh, các nước họ không cho chiếu phim của ta thì quảng bá sao được.
Tại sao chúng ta đã xây dựng khung pháp lý quy định thời lượng chiếu phim phải có 30% phim truyền hình Việt; 25% phim điện ảnh… mà không đầu tư cho làm phim? Nếu theo quy định, chúng ta cần đến 35 phim nhựa/năm nhưng hiện chúng ta mới chỉ có 10 phim. Như vậy, quy định đưa ra đã chưa thực hiện được. Thời gian từ 2015- 2020 chúng ta phải sản xuất đến 50- 60 phim, vì vậy, càng phải xã hội hoá việc xây dựng trường quay.
+ Có thể hiểu khi có trường quay, điện ảnh Việt
- Bộ VH, TT&DL ra quyết định phục hồi trường quay Cổ Loa là rất kịp thời. Ở nước nào cũng thế, Nhà nước phải là nền tảng. Trường quay cũng chỉ là nhà xưởng. Nguồn nhân lực mới là quan trọng. Phải đào tạo những người làm điện ảnh cho đất nước chứ không phải chỉ đào tạo người làm điện ảnh cho Nhà nước. Tiền thuế là của dân đóng góp, được Nhà nước đào tạo về làm cho cơ quan Nhà nước hay làm cho cơ quan tư nhân đều được. Bởi chúng ta làm điện ảnh, chứ không phải làm khoa học. Phải có tư tưởng thoáng thì mới mong có sự phát triển của điện ảnh.
Tương tự, phải đào tạo đội ngũ chuyên môn có trình độ, đào tạo ở nước ngoài. Như đội ngũ chuyên môn của chúng tôi đều đào tạo tại chỗ, chưa thể đáp ứng được hết yêu cầu công việc. Trường quay, nếu phát triển đúng với quy mô thì sẽ trở thành trung tâm đào tạo thực hành cho ngành, tạo nội lực phát triển cho ngành. Đây cũng là nhiệm vụ quan trọng của trường quay khi được đầu tư xây dựng.
+ Ngoài việc sử dụng làm trường quay, trường quay Cổ Loa có thể trở thành địa điểm du lịch, tham quan như mô hình các trường quay ở các nước phát triển không, thưa ông?
- Khi hoàn thành, trường quay không chỉ là nơi làm phim mà sẽ trở thành một trung tâm du lịch, văn hoá, tạo thành một tour du lịch: Thành cổ Hoàng thành, khu di tích Cổ Loa và trường quay Cổ Loa… đáp ứng nhu cầu du lịch, vui chơi, giải trí, giáo dục lịch sử rất tốt.
Hồng Hà (thực hiện)