(Tổ Quốc) - Những ngày qua, cụm từ “trường quốc tế” thực sự đã trở thành từ khóa được rất nhiều người quan tâm. Chỉ cần tra trên Google ngay lập tức cho ra khoảng 35 triệu kết quả về trường quốc tế.
Không phải thế...
Trường tiểu học Geteway nơi xảy ra vụ việc thương tâm
Mọi chuyện bắt đầu từ vụ việc em học sinh lớp 1 của một trường tiểu học mang danh quốc tế tại Hà Nội, bị bỏ quên trên xe bus (xe đưa đón học sinh), dẫn đến tử vong. Ngay sau khi những thông tin về vụ việc thương tâm này được báo chí đăng tải, dư luận đã bắt đầu dấy lên nhiều nghi ngại và đặt câu hỏi về danh xưng "quốc tế" mà không ít các trường học trên địa bàn Hà Nội nói riêng cũng như cả nước nói chung đang sử dụng.
Thế nào là trường quốc tế? Ai cấp phép, ai quản lý, ai giám sát hoạt động của những ngôi trường mang danh quốc tế này? Và từ đây, một loạt lỗ hổng đã dần lộ diện và dư luận, người dân, đặc biệt là các bậc phụ huynh đang có con em theo học tại các trường mang danh quốc tế không khỏi hoang mang.
Về vấn đề này Luật sư Đỗ Thị Ánh Tuyết, Công ty luật TNHH Lưu Đại Nghĩa cho biết, hiện tại, theo Khoản 1 Điều 48 Luật Giáo dục 2005 quy định hệ thống giáo dục quốc dân của Việt Nam có 3 loại hình nhà trường gồm: Trường công lập, trường tư thục và dân lập (trong Luật Giáo dục 2019, loại hình dân lập chỉ áp dụng cho cơ sở giáo dục mầm non). Như vậy, theo quy định hiện hành, pháp luật chỉ quy định 3 loại hình trường nêu trên. Hoàn toàn không có loại hình trường nào là "trường quốc tế" trong quy định của Luật Giáo dục.
"Ở Việt Nam hiện không có quy định nào quy định phân loại trường quốc tế hay không quốc tế. Chỉ có quy định phân thành 3 loại hình, trường công lập, trường tư thục và dân lập. Trong đó, trường tư thục được phân làm 2 loại là trường có vốn 100% của Việt Nam và trường có vốn nước ngoài.", Luật sư Ánh Tuyết nhấn mạnh.
Tuy nhiên, hiện nay ở Việt Nam vẫn có những ngôi trường mang danh quốc tế. Lý giải về điều này, Luật sư Ánh Tuyết cho hay " Hiện nay, một số loại hình trường được người dân chúng ta quen gọi là trường "quốc tế" chủ yếu là các trường có 100% vốn đầu tư nước ngoài, có sự thúc đẩy của cơ quan ngoại giao nước ngoài. Những trường này thường đo các cơ quan ngoại giao (đại sứ) hỗ trợ thành lập để phục vụ nhu cầu học tập cho con em của người nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam và dạy hoàn toàn bằng tiếng nước ngoài. Ngoài ra, còn có một số trường do doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài đầu tư, dạy chương trình của Bộ GD-ĐT, lấy bằng của Việt Nam nhưng dạy thêm chương trình nước ngoài bằng tiếng Anh. Bên cạnh đó, có không ít trường ngoài công lập, do người Việt Nam thành lập, dạy chương trình của Bộ GD-ĐT song có thể dạy thêm chương trình học bằng tiếng Anh để lấy các chứng chỉ của Cambridge, hoặc dạy nhiều giờ tiếng Anh hơn".
... nhưng vẫn vào
Rõ ràng căn cứ vào quy định của Luật Giáo dục hiện nay cho thấy, Việt Nam hoàn toàn không có loại hình trường "quốc tế". Trong khi đó, theo ý kiến của không ít các chuyên gia, việc các trường tự gắn mác quốc tế chính là để nhằm thu hút học sinh và gia tăng mức học phí. Mà cụ thể hơn đó là nhằm vào tâm lý sính ngoại của một bộ phận không nhỏ người Việt Nam.
Hình minh họa - Ảnh Nam Nguyễn
"Chính tâm lý sính ngoại của một bộ phận không nhỏ người Việt Nam đã phần nào khiến cho các trường từ mầm non, đến đại học đều mượn danh quốc tế để nhằm đánh bóng tên tuổi, thu hút phụ huynh học sinh. Tâm lý sính ngoại từ những đồ gia dụng, thực phẩm, quần áo, thuốc men và cả giáo dục nữa cũng đều thích gắn mác ngoại. Trong nhóm bạn của tôi cũng vậy, nhiều người rất tự hào khi giới thiệu con mình đang học ở trường quốc tế A, quốc tế B, hay đang theo học chương trình ngoại khóa của Anh, của Mỹ… Nhưng, thực tế thì không phải trường nào mang mác quốc tế cũng đều có chất lượng quốc tế. Không ít trường mang danh quốc tế nhưng lại hoàn toàn không có tí gì dính dáng đến quốc tế cả." Luật sư Ánh Tuyết nói.
Đồng quan điểm này, chị Lê Thanh Tuyền (Khu đô thi Nam An Khánh, Hà Nội) chia sẻ: "Có lẽ vụ việc tại trường Gateway khiến không ít bậc phụ huynh phải giật mình và tự hỏi bản thân xem liệu mình có đang tiếp tay cho những việc làm bát nháo hay không. Tôi thấy trên nhiều trang mạng xã hội nói rằng việc loạn mác quốc tế tại các trường hiện nay khiến các bậc phụ huynh không biết đâu mà lần, thiếu thông tin hay các phụ huynh bị nhà trường đánh lừa…"
Trên tư cách một phụ huynh, anh Nguyễn Hoàng Nam (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, người Việt Nam cũng như người Á Đông đều vẫn rất coi trọng việc học hành của con cái. Không ít gia đình sẵn sàng bỏ nhiều tiền để đầu tư vào việc học cho các con. Vì thế mà việc các bậc phụ huynh lựa chọn các trường được cho là quốc tế để gửi con, em mình theo học là chuyện dễ hiểu. Có điều, có không ít người mang tâm lý sính ngoại nên đã dễ dãi gửi con em mình theo học tại những trường tưởng là quốc tế song lại không phải vậy.
"Nhiều người rất cẩn thận nếu không nói là khó tính khi bỏ ra vài trăm nghìn để mua một món hàng và truy xuất nguồn gốc xuất xứ của nó, nhưng lại tỏ ra quá dễ dãi trong việc tìm hiểu xem trường con, em mình học có đúng là quốc tế hay không ?"- anh Nguyễn Hoàng Nam nói./.