• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

TS Lương Hoài Nam: Kinh tế ban đêm không hẳn bị bỏ ngỏ, có điều làm tự phát

Kinh tế 17/09/2019 13:48

(Tổ Quốc) - Kinh tế ban đêm với nhiều nước đã được khai thác và có chính sách phát triển từ nhiều năm. Tuy nhiên ở Việt Nam, khái niệm này vẫn còn mới mẻ và bỏ lỡ nhiều cơ hội phát triển kinh tế, đặc biệt là kinh tế du lịch. PV báo điện tử Tổ Quốc đã có cuộc trao đổi với TS Lương Hoài Nam, Thành viên Hội đồng tư vấn du lịch về vấn đề này.

Điều tối kỵ trong phát triển du lịch là để du khách đi ngủ sớm

- Những năm gần đây du lịch Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng nhanh chóng về cơ sở hạ tầng lẫn tăng trưởng lượng khách du lịch. Các tập đoàn lớn đầu tư nhiều sản phẩm góp phần cho dịch vụ du lịch của Việt Nam đã có sự chuyển biến, đa dạng và đẳng cấp hơn… Tuy nhiên, dường như du lịch Việt Nam vẫn bỏ ngỏ việc phát triển kinh tế ban đêm, đặc biệt là các thành phố lớn. Ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?

+ Kinh tế ban đêm phục vụ du lịch ở các thành phố lớn nước ta không hẳn là bị bỏ ngỏ, mà lâu nay được phát triển theo kiểu tự phát, thiếu quy hoạch và các chính sách, biện phát hỗ trợ. Nếu đặt mục tiêu duy trì tăng trưởng du lịch ở mức cao, tăng thời gian lưu trú và chi tiêu du lịch của du khách thì việc phát triển các hoạt động kinh tế ban đêm là giải pháp quan trọng. Điều tối kỵ trong phát triển du lịch là để du khách ăn tối xong rồi về khách sạn ngủ sớm vì không biết đi đâu, xem gì. Do vậy, theo tôi cần có nhiều nơi hấp dẫn trong thành phố để họ đi tiếp và vui vẻ tiêu tiền.

- Thực tế, tại nhiều quốc gia có ngành du lịch phát triển, họ đã đẩy mạnh kinh tế ban đêm (Night-time Economy) và coi đây là kênh hiệu quả để kích thích du khách tiêu tiền và lưu trú lâu hơn. Tuy nhiên, tại các điểm đến nổi tiếng của Việt Nam, việc thiếu thốn các dịch vụ vui chơi giải trí và sản phẩm phục vụ du khách về đêm lại là bài toán nan giải nhiều năm qua. Theo ông, đâu là lý do mấu chốt của vấn đề này?

+ Đối với các quốc gia chú trọng phát triển du lịch thì kinh tế ban đêm là một cấu thành lớn của kinh tế du lịch xét về tỷ trọng lao động, doanh thu của các cơ sở kinh danh lẫn trải nghiệm du lịch của du khách là khách hàng của các cơ sở kinh doanh.

Theo một nghiên cứu của Hội đồng kinh tế ban đêm của London, trong năm 2018 có 1,6 triệu người London tham gia các hoạt động kinh tế ban đêm, chiếm tới 1/3 tổng số lao động của cả thành phố, tạo ra giá trị kinh tế hơn 60 tỷ USD. Con số này lớn hơn gấp đôi doanh thu toàn ngành du lịch Việt Nam vào thời điểm hiện tại. Nhìn nhận một cách thực dụng, du khách tiêu tiền ban đêm nhiều hơn tiêu tiền ban ngày, việc London và một số thành phố du lịch khách trên thế giới chú trọng kinh tế ban đêm là có lý do xác đáng.

NAM_0939

TS Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng tư vấn du lịch.

Ở nước ta đã có những hoạt động kinh tế ban đêm phục vụ du lịch, chủ yếu là ăn uống. Cũng đã có một số thảo luận, thậm chí tranh luận về việc quy hoạch và cấp phép cho một số loại hình dịch vụ nhạy cảm ở một số thành phố lớn. Trong khi đó, Singapore đã đầu tư và đưa vào hoạt động hai siêu quần thể du lịch có song bài (casino) tại đảo Sentosa và khu Marina Bay mà không ít du khách đến đó là người Việt Nam. Ở nước ta có các hoạt động cờ bạc không? Tất nhiên là có và quy mô không hề nhỏ. Thế nhưng việc quy hoạch, cấp phép đầu tư casino mà người Việt Nam được phép vào chơi là rất nhạy cảm và khó khăn.

Theo tôi, chúng ta chỉ nên tập trung làm tốt hơn các hoạt động kinh tế ban đêm hoàn toàn lành mạnh (nhà hàng, nhà hát, các hoạt động ca múa nhạc, giải trí ngoài trời, chợ đêm…), hoặc ít ra là "ít nhạy cảm hơn" (như quán bar, vũ trường, tiệm sauna/massage…). Bắt đầu từ việc quy hoạch các hoạt động kinh tế ban đêm về không gian, hoàn thiện các thủ tục cấp phép, quản lý trên tinh thần tạo điều kiện thuận lợi cho người đầu tư, kinh doanh, đồng thời chính quyền có các biện pháp đồng bộ đảm bảo an ninh, trật tự, vệ sinh ở các điểm đông người.

- Tại một số TP của Việt Nam như Hà Nội, TP HCM hay Nha Trang, Phú Quốc, Đà Nẵng đã manh nha một số hoạt động kinh tế du lịch về đêm như chợ đêm, các quán bar, hay các tour văn hóa, ẩm thực… Dưới góc độ kinh tế du lịch, ông thấy, việc chỉ có chợ đêm, các quán bar có thể làm nên cái gọi là kinh tế ban đêm không? Và cách làm kinh tế đêm của các thành phố lớn của Việt Nam như vậy liệu đã đi đúng hướng?

+ "Kinh tế ban đêm" là khái niệm dùng để chỉ các hoạt động kinh tế diễn ra từ 6 giờ chiều đến 6 giờ sáng và hiểu theo cách đó thì "kinh tế ban đêm" đã có từ rất xa xưa, luôn luôn tồn tại, ở các thành phố nước ta hay ở bất kỳ quốc gia nào khác.

Gọi chợ đêm, các quan bar là "kinh tế ban đêm" không có gì sai. Vấn đề là, khi một địa phương có chiến lược rõ ràng về kinh tế ban đêm thì (a) ngoài các quán bar, chợ đêm còn có rất nhiều những hoạt động kinh tế ban đêm khác và (b) bản thân các quán bar, chợ đêm, cũng như các hoạt động kinh tế ban đêm khác sẽ được quy hoạch quy củ, thủ tục cấp phép dễ dàng, các điều kiện hoạt động thuận lợi, được hỗ trợ một cách đồng bộ về đảm bảo anh ninh, trật tự, vệ sinh, giao thông, v.v., mang lại hiệu quả và khả năng tăng trưởng, thậm chí đến mức thay đổi cả diện mạo, cuộc sống đô thị.

Năm 2017, khi Thị trưởng London ông Sadiq Khan thành lập Hội đồng kinh tế ban đêm, ông đặt mục tiêu rất rõ ràng là biến London thành "24-hour City"("Thành phố 24 giờ") và khi đó London sẽ rất khác so với trước đây, không chỉ với du khách, mà với cả cuộc sống của người dân London. Do vậy, để có thể đánh giá mức độ quan tâm của một địa phương đối với kinh tế ban đêm, hãy xem họ đã có tầm nhìn và các mục tiêu phát triển kinh tế ban đêm được lượng hóa một cách rõ ràng chưa, đã có các chính sách quản lý phù hợp và bộ máy hỗ trợ các hoạt động kinh tế chưa?

Quan trọng là quy hoạch đô thị

- Đà Nẵng lâu nay vẫn là một thủ phủ du lịch, nhưng ngay cả ở TP này, cái gọi là kinh tế ban đêm để kích thích du khách tiêu tiền vẫn chưa được đầu tư ra tấm ra món. Theo ông, Đà Nẵng cần có những thay đổi gì để có thể khai thác tốt nhất những thế mạnh của nền kinh tế ban đêm?

+ Trong nội đô, cái khó của Đà Nẵng nói riêng và các thành phố lớn ở nước ta nói chung là ở quy hoạch đô thị. Mọi thành phố ở châu Âu đều có khu phố cổ ở trung tâm rất phù hợp cho các hoạt động phục vụ du lịch ban đêm, còn các thành phố ở nước ta thì không có. Tìm được một vài tuyến phố để làm phố ẩm thực, phố đi bộ, chợ đêm đã rất khó rồi. Hướng khả thi hơn là quy hoạch một số khu phức hợp dịch vụ du lịch như ở Singapore (đảo Sentosa, Marina Bay). Một thực tế là các nhà đầu tư ở nước ta thích xin đất xây nhà ở (chung cư cao tầng, villa, nhà phố) để bán hơn là để đầu tư các dịch vụ du lịch (về bản chất là "chi tiền chẵn, thu tiền lẻ"), cho nên công tác quy hoạch đô thị đóng vai trò hết sức quan trọng để có nhiều công trình văn hóa, các khu du lịch, vui chơi giải trí.

Chẳng hạn, nếu lấy lại được khu đất sân vận động Chi Lăng, có lẽ Đà Nẵng nên dùng khu đất này để xây dựng một khu phức hợp phục vụ văn hóa, du lịch thay vì để xây nhà ở, mặc dù nếu xây nhà ở thì sẽ được nhiều tiền hơn. Nếu không có một tầm nhìn và kỷ cương quy hoạch đô thị, các thành phố nước ta sẽ trở thành nơi có nhiều nhà ở, nhưng rất thiếu nơi thụ hưởng văn hóa, vui chơi giải trí, sẽ không thành "đô thị đáng sống" mà là "đô thị đáng chán", không chỉ đối với du khách, mà còn với chính người dân địa phương.

- Cụ thể hơn, chúng ta cần làm những gì cả về mặt chính sách lẫn phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù để kích hoạt kinh tế ban đêm tại các TP du lịch, đặc biệt là với Đà Nẵng, thưa ông?

+ Ở trên tôi vừa nói đến việc quy hoạch và đầu tư xây dựng các khu phức hợp phục vụ du lịch, trong đó có các hoạt động ban đêm, ví dụ ở khu đất sân vận động Chi Lăng, hay dự án khu đô thị lấn biển mà nếu Đà Nẵng sẽ làm thì nên có nhiều công trình phục vụ du lịch. Đà Nẵng cũng có thể làm các đường phố đi bộ, phố ẩm thực, đường sách, chợ đêm…

- Nhìn sang các quốc gia khác, đặc biệt các quốc gia láng giềng và trong khu vực, ông có thể chia sẻ một số kinh nghiệm phát triển kinh tế ban đêm của những quốc gia này để có thể áp dụng cho Việt Nam không thưa ông?

+ Kinh tế ban đêm chủ yếu là ở các thành phố lớn và do vậy chúng ta hoàn toàn có thể học hỏi được từ những thành phố du lịch thành công như Singapore, Hong Kong. Cần có sự đa dạng về dịch vụ đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng khách khách nhau. Đơn cử vấn đề ẩm thực, sẽ là sai lầm nếu nghĩ rằng người nước ngoài đến nước ta để ăn các món ăn Việt Nam trong suốt chuyến đi. Không ai ăn mãi các món ăn nước ngoài được. Người Việt khi đi du lịch Pháp vẫn tìm đến nhà hàng Việt Nam. Tương tự như thế, ở Việt Nam, người Pháp vẫn muốn tìm đến nhà hàng Pháp, người Nhật vẫn muốn tìm đến nhà hàng Nhật, người Hàn vẫn muốn tìm đến nhà hàng Hàn... Do vậy, các thành phố lớn ở nước ta cần có sự đa dạng quốc tế về ẩm thực.

Lễ hội, bao gồm cả các hoạt động ban đêm, cũng là một loại hình kinh tế du lịch phổ biến trên thế giới, nhưng ở các địa phương nước ta các lễ hội thường nặng tính hình thức, nhẹ tính thương mại. Cần cải tiến cách làm lễ hội ở các địa phương nước ta, sao cho ổn định về thời điểm tổ chức, với nhiều hoạt động thú vị, hấp dẫn, tạo được doanh thu, lợi nhuận. Khi đó nhiều du khách nội địa, quốc tế sẽ lên lịch đi du lịch đến các địa phương vào các dịp lễ hội vì tính hấp dẫn của chúng (ví dụ: Lễ hội bia quốc tế Berlin), thay vì chỉ thu hút được một số du khách tình cờ có mặt ở địa phương đúng dịp lễ hội theo cách làm phổ biến lâu nay.

- Ông đánh giá như thế nào về vai trò định hướng của lãnh đạo các địa phương, và sự vào cuộc của các nhà đầu tư có tiềm lực, nếu như nền kinh tế ban đêm được chú trọng?

+ Nếu coi kinh tế ban đêm là một chiến lược kinh tế địa phương thì vai trò của lãnh đạo địa phương là không thể thiếu, không chỉ trong việc định hướng, mà còn trong việc xác định các mục tiêu (KPI) cụ thể và triển khai thực hiện. Ở London, kinh tế ban đêm đã tồn tại hàng trăm năm nay theo kiểu tự phát, nhưng như một chiến lược kinh tế thì nó mới rõ nét từ thời Thị trưởng Sadiq Khan, với việc thành lập Hội đồng kinh tế ban đêm trong năm 2016 và tầm nhìn "24-hour City"("Thành phố 24 giờ"). Phải có chương trình và bộ máy thực hiện chương trình.

Chúng ta không cần phải lo về tiềm lực tài chính, năng lực quản lý của các nhà đầu tư. Không ít các nhà đầu tư tư nhân ở Việt Nam có thể thực hiện các dự án đầu tư hàng tỷ USD. Chính quyền chỉ cần làm tốt công tác quy hoạch và cung cấp quỹ đất phù hợp cho các khu phức hợp du lịch, các việc còn lại sẽ do các nhà đầu tư tư nhân đảm nhiệm. Nếu có nhu cầu, họ sẽ hợp tác liên doanh liên kết với các nhà đầu tư nước ngoài trong việc đầu tư, vận hành. Cái khó nhất, theo tôi, là đất.

- Xin cảm ơn ông!

Thái Linh

NỔI BẬT TRANG CHỦ