• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Từ chuyện của Di - "Những đứa trẻ trong sương" nhìn lại tục "kéo vợ": Nét đẹp văn hóa thể hiện quan điểm tự do hôn nhân bỗng biến tướng thành vấn nạn

Văn hoá 23/12/2022 14:02

“Những đứa trẻ trong sương” không phải tác phẩm duy nhất xoay quanh tục "bắt vợ" ở vùng cao nguyên đá Hà Giang. Trong quá khứ, tục “bắt vợ” được nhắc đến nhiều trong thơ ca, đặc biệt văn học Việt Nam, phẩm kinh điển “Vợ chồng A Phủ” của nhà văn Tô Hoài khắc họa đậm nét về tục này.

Trong danh sách 15 "Phim tài liệu dài xuất sắc" tại Oscar 2023, Children of the Mist - "Những đứa trẻ trong sương" là bộ phim đầu tiên mang quốc tịch Việt Nam đạt được thành tích này.

“Những đứa trẻ trong sương” là phim dài 90 phút kể về cô bé người dân tộc Mông tên Di, 12 tuổi, sống trong bản gần trung tâm Sa Pa. Mùa xuân cũng là mùa của tục "kéo vợ", Di được một cậu bé trạc tuổi tên Vang chọn để "kéo về". Cố gắng phản kháng lại phong tục truyền thống địa phương nhưng cuộc sống của Di cũng thay đổi tiêu cực từ đó. Nhiều cô bé xinh xắn trạc tuổi Di cũng phải đối diện với tục kéo vợ khiến tương lai của các em mờ mịt và vô định.

“Những đứa trẻ trong sương” trên thực tế không phải là tác phẩm duy nhất xoay quanh tục "bắt vợ" ở vùng cao nguyên đá Hà Giang. Trong quá khứ, tục “kéo vợ” được nhắc đến nhiều trong thơ ca, nổi bật có tác phẩm kinh điển “Vợ chồng A Phủ” của nhà văn Tô Hoài.

Bộ phim về tục "Kéo vợ" của dân tộc Mông lọt vào top phim đề cử Oscar 2023 - Ảnh 1.

"Kéo vợ" - Từ nét đẹp văn hóa thể hiện quan điểm tự do hôn nhân...

Theo phong tục truyền thống, các nam thiếu niên người H'Mong được "kéo vợ" mỗi dịp Tết Nguyên đán. Khởi thủy từ một quan điểm đẹp là giúp những đôi trai gái yêu nhau đến được với nhau do nhiều nguyên nhân như không đủ điều kiện kinh tế, không môn đăng hộ đối, nhà trai không bị nhà gái thách cưới rườm rà hay hai bên gia đình không đồng ý.

Rất nhiều trường hợp nhà gái cương quyết từ chối mối hôn sự của con gái chỉ vì có mâu thuẫn giữa hai gia đình hoặc không ưa nhà trai. Khi nhà gái từ chối nhưng đôi trẻ sống chết có nhau, thì nhà trai chọn ngày lành đón dâu, con trai sẽ hẹn với người yêu đợi nửa đêm cha mẹ ngủ say và cô gái lén mở cửa theo chàng trai về nhà làm vợ chồng.

Từ chuyện của Di - "Những đứa trẻ trong sương" nhìn lại tục "kéo vợ": Nét đẹp văn hóa thể hiện quan điểm tự do hôn nhân bỗng biến tướng thành vấn nạn - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Về phía nhà trai, bắt một con gà mái và mời một phụ nữ đang có chồng trong họ, có cuộc sống hôn nhân hạnh phúc đến nhà chờ. Khi con trai dẫn người yêu về gọi cửa thì người phụ nữ ra mở và cầm gà đưa qua đầu hai đứa trẻ rồi quét sau lưng hàm ý xua đuổi những điều xui xẻo, sau đó chàng trai dẫn người yêu vào buồng đã chuẩn bị từ trước.

Theo tục, cô gái đã bị "kéo về" nhà trai sẽ không ra khỏi nhà trong suốt 3 ngày để đề phòng trường hợp cha mẹ đẻ đến bắt quay về. Khi 3 ngày này qua đi, nhà trai sẽ chủ động cử người sang nhà gái báo tin, mang theo sính lễ để hai bên gia đình làm đám cưới, chính thức công nhận sự kết duyên vợ chồng này.

Thực chất tục "kéo vợ" của người Mông được thực hiện trên cơ sở hai bên nam, nữ đều đủ tuổi kết hôn, không vi phạm pháp luật và trước khi cô gái cùng người yêu về nhà làm vợ, người chồng đã xin ý kiến cha mẹ đồng ý, sau đó thực hiện các nghi lễ cưới - hỏi.

...biến tướng thành vấn nạn

Nhưng câu chuyện của Di - "Children of the mist" lại rất khác, nó là biểu tượng cho sự biến tướng của nét văn hóa truyền thống tốt đẹp này. Những thân phận như Di không hiếm.

Từ chuyện của Di - "Những đứa trẻ trong sương" nhìn lại tục "kéo vợ": Nét đẹp văn hóa thể hiện quan điểm tự do hôn nhân bỗng biến tướng thành vấn nạn - Ảnh 3.

Sự việc gây xôn xao dư luận thời gian trước khi bé gái SN 2006 bị nhóm nam thanh niên "bắt vợ" khi đang đi chơi. Ảnh cắt từ clip.

Trên thực tế ngày nay, không ít cha mẹ dung túng cho con mình lợi dụng tục "kéo vợ" để lấy được người con gái mà anh ta mong muốn, đôi khi là một cô gái xinh đẹp anh ta chỉ vừa gặp dưới chợ được ít ngày.

Cứ mỗi độ Tết đến xuân về, MXH lại được phen trao đảo trước các đoạn clip ghi lại cảnh "kéo vợ" đầy bức xúc. Năm 2017, một bé gái mới học lớp 9 ở Sa Pa bị cả gia đình một cậu trai xúm vào "kéo", cô bé chống cự dữ dội nhưng bất lực. Sự bất lực có ở cả những người xung quanh chứng kiến vụ việc, cả các giáo viên của cô bé nhưng họ chẳng thể làm được gì. Rốt cuộc, sau 2 tiếng vật lộn, cô bé bị đưa về gia đình kia. Phải đến khi gia đình bé gái cùng chính quyền tới tận nhà giải thích, khuyên căn, cô bé mới được về nhà.

Từ chuyện của Di - "Những đứa trẻ trong sương" nhìn lại tục "kéo vợ": Nét đẹp văn hóa thể hiện quan điểm tự do hôn nhân bỗng biến tướng thành vấn nạn - Ảnh 4.

Bé gái kháng cự trước hành động giống "bắt vợ" của nam thanh niên.

Chỉ sau đó ít ngày, lại thêm vụ việc tương tự xảy đến với bé gái người Thái ở Quỳ Hợp (Nghệ An). Trong một đoạn clip khoảng 3 phút viral trên MXH, cô bé bị 4 nam thanh niên tổ chức bắt lên xe máy mặc cô bé vùng vẫy kêu cứu. Xung quanh, người ta chỉ đứng nhìn vì "đây là phong tục địa phương".

Hay mới đây nhất, hồi Tết 2022, bé gái S. (Pải Lủng, Mèo Vạc, Hà Giang) - bằng tuổi Di (Children of the mist) trở thành "nạn nhân" tiếp theo. S. bị "bắt vợ" ngay trong lần hẹn đầu tiên với thanh niên tên Chơ (16 tuổi) dù không hề đồng ý yêu. S. may mắn hơn, cô bé được giải cứu sau 30 phút giằng nhờ lực lượng công an có mặt kịp thời.

Từ chỗ là một nét văn hóa truyền thống tốt đẹp, "kéo vợ" đã bị biến tướng như thế, nó vô hình chung đẩy nhiều bé gái vào cảnh đường cùng, phải chịu đựng và chôn mình trong những cuộc hôn nhân không mong muốn.

Di của "Children of the mist", Lò Thị Mai - cô gái H'Mông "bắn tiếng Anh như gió" ngày nào: Nạn nhân hủ tục và những ngã rẽ cuộc đời

Lò Thị Mai - cô gái H'Mông từng trở thành hiện tượng mạng nhờ tài "bắn tiếng Anh như gió" cũng là một nạn nhân như thế. Phải nhờ may mắn Mai mới thoát được và nhờ đó có cuộc sống tốt đẹp như hiện tại.

“Mai nhớ lúc ấy chị đi đám cưới, chị có quen một người, chỉ quen gặp vài ba lần thôi chứ không thân. Mai bị ông ấy kéo về làm vợ. Rất may mắn chị bỏ chạy đi được, lúc ấy chị có người yêu, bạn bè xung quanh giúp đỡ. Hai ngày sau chị nghe thấy ông ấy không kéo được chị về làm vợ nên rất buồn.

Từ thời ba mẹ của Mai đã bị như thế rồi, thời ông bà, bố mẹ đã bị rồi. Nhưng Mai nghĩ sao mình phải kéo vợ như thế này, nếu mình thích thì nhờ cha mẹ đi hỏi cưới chứ sao phải kéo vợ? Mình có gia đình đàng hoàng mà!", Lò Thị Mai nhớ lại, sự bức xúc dường như vẫn còn nguyên trong cô.

Từ chuyện của Di - "Những đứa trẻ trong sương" nhìn lại tục "kéo vợ": Nét đẹp văn hóa thể hiện quan điểm tự do hôn nhân bỗng biến tướng thành vấn nạn - Ảnh 5.

Cuộc sống hạnh phúc hiện tại của Lò Thị Mai.

Vượt qua ngã rẽ nghiệt ngã ấy, Mai lớn lên và được yêu theo lựa chọn của trái tim mình. Giờ đây, cô là bà mẹ 2 con và có cuộc sống tốt đẹp tại Mỹ. Dù chưa được xem toàn bộ bộ phim "Những đứa trẻ trong sương" nhưng qua những tiết lộ của đoàn làm phim, Di không có được cái kết tốt đẹp như thế. Di phản kháng, Di chống đối lại hủ tục của dân tộc mình và cuộc sống của em đối diện với những điều tiêu cực.

Từ chuyện của Di - "Những đứa trẻ trong sương" nhìn lại tục "kéo vợ": Nét đẹp văn hóa thể hiện quan điểm tự do hôn nhân bỗng biến tướng thành vấn nạn - Ảnh 6.

Poster phim "Những đứa trẻ trong sương".

Nhưng còn đó nhiều bé gái không được may mắn như Lò Thị Mai hay mạnh mẽ như Di, giờ đây thứ ở lại với họ có thể là lời ru buồn, và những đứa trẻ không cha. "Kéo vợ" biến tướng trở thành những "cuộc tình chớp nhoáng" và kết cục đau lòng là điều khó tránh khỏi. Những cô bé đang tuổi ăn tuổi lớn phải làm mẹ, và đương nhiên, ở cái tuổi ăn chưa no - lo chưa tới ấy, cuộc sống hôn nhân của chúng gặp rất nhiều vấn đề.

Những người được gọi là chồng cũng không hơn tuổi là bao, cũng đang tuổi chơi nên chẳng chăm lo gì cho gia đình, suốt ngày theo bạn bè ham chơi, nửa đêm say túy lúy mới mò về nhà. Trách nhiệm làm vợ, làm mẹ đè nặng lên đôi vai tong teo của những cô bé mới 13, 14 tuổi. Chính vì vậy, nhiều người đã không thể chịu đựng cuộc hôn nhân ép buộc, rời bỏ nhà chồng ôm những đứa con còn đỏ hỏn về nhà mẹ đẻ.

Thậm chí, có nhiều trường hợp bị lợi dụng, cưỡng ép quan hệ tình dục dẫn đến mang thai. Nhưng vì trình độ dân trí còn hạn chế, đến khi biết chuyện thì đã quá muộn, họ chỉ có thể trở thành mẹ đơn thân, một mình nuôi con trong sự hắt hủi của người đời vì "chửa hoang".

Hiện nay, dù ở một số vùng đã đỡ hơn, song tục lệ này vẫn còn tồn tại. Khả năng phản kháng của các em gái, thiếu nữ hầu hết yếu ớt; còn chính quyền rất khó xử lý.

Hạ Phong

NỔI BẬT TRANG CHỦ