(Tổ Quốc) - Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng đề nghị cần xem nhà đầu tư làm dự án kinh doanh nước sạch có thực sự để phục vụ nhân dân hay chỉ nhằm kiếm lợi nhuận, rồi sau đó đẩy rủi ro cho người khác.
- 20.11.2019 Người Thái đang "áp đảo" tại Công ty Nước mặt Sông Đuống
- 17.11.2019 Đại biểu Quốc hội: Vụ giá nước Sông Đuống "cần phải có cơ quan chức năng thẩm định"
- 14.11.2019 "Nước sạch Sông Đuống giá cao gấp đôi, tại sao UBND TP Hà Nội vẫn đặt bút ký hợp đồng?"
- 23.10.2019 Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường: "Vụ việc nước sạch Sông Đà ô nhiễm cho thấy kiểm soát an ninh nguồn nước có vấn đề lớn"
- 22.10.2019 Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng: "Vụ nước sạch Sông Đà bốc mùi cho thấy hệ thống pháp luật có lỗ hổng"
Phát biểu tại buổi thảo luận về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) ngày 20/11, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng, về vấn đề chuyển nhượng một phần của các dự án đầu tư, đề nghị phải có kiểm soát để tránh tình trạng "tay không bắt giặc", các dự án lòng vòng...
Liên quan đến nước sạch, ĐB đoàn Bến Tre cho biết, ông có nhận được thông tin đã có 5 nhà đầu tư người Thái nắm quyền kiểm soát (vừa nắm quyền HĐQT vừa tham gia ban kiểm soát của Công ty CP nước mặt Sông Đuống).
"Vậy phải xem thực sự nhà đầu tư làm dự án có phải để kinh doanh phục vụ nhân dân theo đúng tư cách của nhà kinh doanh hay không, hay chỉ vì mục đích kiếm lợi nhuận? Sau đó đẩyi rủi ro cho người khác, đặc biệt là để lại rủi ro cho nhân dân", ĐB Lưu Bình Nhưỡng nói.
Về vấn đề này, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, ông không thấy kinh doanh nước sạch trong danh mục kinh doanh có điều kiện và đề nghị xem lại kinh doanh nước sạch có thuộc mục kinh doanh thực phẩm hay không. Nếu không thì đề nghị đưa vào danh mục kinh doanh có điều kiện.
ĐB Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh, ông không phản đối tư nhân tham gia kinh doanh nước sạch hay cấm chuyển nhượng vốn, song nước sạch đối với các khu đô thị lớn là vấn đề an ninh và ở một số quốc gia khi liên quan đến an ninh thì người ta phải thiết kế luật để kiểm soát. Ví như nhà máy nước của chúng ta cung cấp nước cho mấy triệu dân nhưng chúng ta có biết ai làm chủ nó không? Nếu theo luật hiện nay, một nhà đầu tư nước ngoài làm chủ, nhưng họ chuyển nhượng cho công ty A nào đó. Công ty A lại chuyển cho công ty B... và khi chúng ta tìm ra thì lại là một công ty nước ngoài nào đó khác nữa ở tận đâu vốn chỉ vài nghìn USD...
"Như vậy thì rất nguy hiểm vì nước sạch là vấn đề an ninh. Chúng ta cần cảnh giác đề phòng quốc gia có ý đồ xấu hoặc thế lực khủng bố có ý đồ xấu lợi dụng việc này để gây ra hành vi phạm pháp", ĐB đoàn TP HCM nhấn mạnh.
Cũng nêu ý kiến về việc này, ĐB Nguyễn Thị Xuân Thu, (Khánh Hòa) bức xúc khi dẫn lại câu chuyện nước sạch Sông Đà bị ô nhiễm do kẻ xấu đổ dầu thải vào nguồn nước làm ảnh hưởng tới sức khỏe và tốn kém chi phí cho hàng triệu người dân Thủ đô.
Bà nói: "Cảnh người dân xếp hàng rồng rắn chờ lấy nước như những năm 1970, 1980 vừa lặp lại ở Thủ đô sau sự cố đổ dầu thải vào nguồn nước sạch sông Đà đã gây bất bình trong dư luận, khi mà điều kiện sống, phát triển kinh tế ở Thủ đô đã tiến xa so với 40 - 50 năm trước. Điều này cho thấy Nhà nước cần quản lý chặt chẽ và phải đưa nước sạch vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện", ĐB Nguyễn Thị Xuân Thu nói.
Đồng quan điểm trên, ĐB Hồ Thanh Bình (An Giang) thống nhất đưa kinh doanh nước sạch vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện vì liên quan an ninh nguồn nước.
ĐB này lưu ý không nên phân biệt đối tượng đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh nước sạch bởi sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này sẽ tạo sự cạnh tranh, phát triển cho ngành nước sạch.