• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tuần đẫm máu tại Yemen đẩy liên minh của Arab Saudi tới "vực thẳm" đổ vỡ

Thế giới 01/09/2019 07:56

(Tổ Quốc) - Rạn nứt trong quan hệ giữa chính phủ Yemen và UAE đang gây tác động tiêu cực tới liên minh chống Houthis do Arab Saudi dẫn đầu.

Chính phủ Yemen và UAE đáng lẽ phải ở cùng một phe trong cuộc xung đột đã kéo dài nhiều năm tại quốc gia Tây Á. Tuy nhiên, giờ đây chính quyền Tổng thống Abd Rabbuh Mansur Hadi lại cáo buộc UAE làm thiệt mạng 40 binh lính và thường dân trong một loạt các cuộc không kích vào thành phố Aden trong tuần vừa qua. Điều này vô hình chung khiến liên minh do Arab Saudi dẫn đầu chống lại lực lượng nổi dậy Houthi tiếp tục rơi vào xáo trộn.

Cập nhật trên Twitter, Bộ trưởng Thông tin Yemen Moammar Eryani tuyên bố, các cuộc không kích cho thấy "UAE không đủ chấp nhận những nỗ lực của chính phủ Yemen nhằm khôi phục lại thể chế và tương lai quan hệ giữa Yemen và UAE đang gặp nguy hiểm".

https%3A%2F%2Fcdn

Cuộc xung đột Yemen đã kéo dài nhiều năm (ảnh: CNN)

Đáp trả lại, UAE khẳng định, họ chỉ tiến hành không kích chống lại "lực lượng khủng bố tại Aden nhưng không đề cập tới các cuộc tấn công vào quân đội chính phủ. Theo ông Michael Knights tại Viện Washington về Chính sách Cận Đông, UAE "không sẵn lòng chấp nhận các yếu tố kiểu al-Qaeda di chuyển và cung cấp dịch vụ cho chính phủ [Yemen]".

UAE đã trang bị và huấn luyện cho một lực lượng khác tại Aden là Hội đồng Quá độ miền Nam (STC) – hiện đang kiểm soát phần lớn thành phố và đặc biệt muốn giành độc lập cho miền nam Yemen. Abu Dhabi cũng tỏ ra không tin tưởng vào một trong những đồng minh chủ chốt của Saudi tại Yemen là Đảng Islah – một phong trào Hồi giáo.

Chính phủ Yemen giờ đây đang cáo buộc STC và lực lượng Houthis hợp tác với nhau để "ép chính phủ và quân đội quốc gia vào các cuộc chiến đem lại lợi ích cho Iran và các công cụ của mình tại Yemen".

Căng thẳng và tranh cãi khiến Arab Saudi càng thêm "đau đầu". Hơn 4 năm trước Riyadh khởi xướng "Chiến dịch Cơn bão Quyết định" sau khi Houthis giành quyền kiểm soát hầu hết Yemen. Hiện tại, Houthis vẫn nắm quyền kiểm soát thủ đô và phần lãnh thổ rộng lớn miền bắc trong khi lực lượng Al Qaeda tại Bán đảo Arab (AQAP) cố thủ tại một số tỉnh khác.

Những nỗ lực của UAE và Sau đưa chính phủ Yemen và STC ngồi vào bàn đàm phán, cho tới nay vẫn không có kết quả. Ông Knights nhận định, một hệ quả là các đơn vị tinh nhuệ nhất đã bị đưa khỏi những mặt trận chống lại Houthis, do cả chính phủ và STC đều muốn bảo vệ các vị trí của mình tại loạt tỉnh phía nam.

Yemen%20protest

Nhiều ý kiến kêu gọi Mỹ chấm dứt cung cấp vũ khí cho liên minh do Saudi dẫn đầu can thiệp Yemen (ảnh: getty)

Liên minh chiến lược

Quan hệ đối tác Arab Saudi và UAE – hai nền kinh tế lớn nhất trong các nước Arab, luôn thể hiện mức độ thân cận cao nhất tại Trung Đông. Nó một phần được truyền cảm hứng từ lập trường chung của hai nước với Iran và sự ủng hộ người Sunni trong giới Hồi giáo. Không chỉ cùng khởi xướng lệnh cấm vận đối với Qatar sau cáo buộc Doha hỗ trợ cho nhóm Huynh đệ Hồi giáo và có quan hệ với Iran; Saudi và UAE còn "bật đèn xanh" cho các lệnh trừng phạt của chính quyền Donald Trump chống lại Tehran.

Tuy nhiên, những rạn nứt cũng bắt đầu xuất hiện trong liên minh này. Tháng trước, UAE bắt đầu cắt giảm quân đội tại Yemen và gọi đó là sự tái triển khai quân đã được lên kế hoạch từ trước.

Mặc dù có hiện diện quân sự tại Yemen khá khiêm tốn, nhưng UAE cũng đạt được một số "thành tựu" nhất định. Hồi tháng Bảy, một quan chức UAE từng chia sẻ với kênh CNN về việc Abu Dhabi đã huấn luyện khoảng 90.000 tay súng Yemen. Giờ đây, Saudi đang đối mặt với hai thách thức lớn: tìm cách để đảo ngược lại lợi thế của Houthi và giữ cho Yemen không bị chia cắt – giữa một cuộc khủng hoảng nhân đạo được đánh giá là tồi tệ nhất trong thế kỷ 20.

Không chỉ kiểm soát thủ đô và phần lớn miền bắc, lực lượng đối lập còn tiến hành các cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái vào các mục tiêu tại Saudi với tần suất… hàng tuần.

Nếu Saudi phát động một chiến dịch tấn công trên mặt đất vào Yemen, nó chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn tới dân thường trong khi tỷ lệ thành công không hề chắc chắn. Houthis tỏ ra không hề "dễ chơi" với các tay súng được tổ chức tốt, đồng thời có sự hỗ trợ từ Iran và có thể là cả lực lượng Hezbollah.


Mặc dù vẫn cung cấp vũ khí và tình báo cho liên minh Saudi-UAE tại Yemen, nhưng dường như Washington đang ngày càng nhận thức rõ hơn về viễn cảnh "sa lầy" của cuộc chiến. Giữa tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper nhấn mạnh, "với hầu hết các cuộc xung đột như vậy, chúng tốt nhất nên kết thúc – chúng thường kết thúc, với một hiệp định chính trị. Và chúng tôi sẽ chờ xem nếu các bên đã sẵn sàng đi tới giai đoạn đó".

CNN cũng dẫn lời một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay, Washington "ủng hộ một giải pháp thương lượng giữa chính phủ Yemen và STC cũng như các nỗ lực hòa giải tranh chấp". "Những chia cắt sâu sắc hơn trong nội bộ Yemen sẽ chỉ làm gia tăng những gì mà người dân Yemen đang phải chịu đựng đồng thời kéo dài cuộc xung đột", quan chức trên nói thêm.

Về phần mình, chuyên gia Michael Knights tỏ ra không kỳ vọng hòa bình tại Yemen sẽ diễn ra sớm. Theo ông, cả Hoàng Thái tử Saudi Mohammed bin Salman hay Houthis sẽ không ngồi vào bàn đàm phán cho tới khi họ có thể coi đó là một chiến thắng".

Ông cũng phân tích thêm, các yếu tố quan trọng nhất của lực lượng Houthis là họ đang được hưởng lợi về mặt kinh tế từ cuộc chiến còn chính phủ được quốc tế công nhận của Tổng thống Hadi chỉ giữ vai trò là một đồng minh chính của Saudi tại Yemen. Nếu quá trình quá độ của Liên Hợp Quốc bắt đầu, ông Hadi gần như chắc chắn sẽ phải rời bỏ vị trí.

Giờ đây, những người khát khao hòa bình nhất, có lẽ chỉ là những thường dân thống khổ của Yemen mà thôi.

Phương Đỗ

NỔI BẬT TRANG CHỦ