• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Từng bước hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở

21/10/2014 15:47

(Cinet)- Trong những năm qua, cùng với việc triển khai phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa của Ban chỉ đạo Trung ương phát động, thành phố Đà Nẵng còn đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, trong đó chú trọng việc đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm.

Ảnh minh họa

(Cinet)- Trong những năm qua, cùng với việc triển khai phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa của Ban chỉ đạo Trung ương phát động, thành phố Đà Nẵng còn đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, trong đó chú trọng việc đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm.

Từ đầu năm tới nay, thành phố Ðà Nẵng đã đầu tư cho lĩnh vực văn hóa 359 tỷ đồng. Điều đáng nói là việc tập trung đầu tư không chỉ đơn thuần về kinh phí mà chính là sự vào cuộc quyết liệt của lãnh đạo thành phố trong việc chỉ đạo, điều hành các ngành liên quan. Đây được xem là động thái tích cực nhằm khắc phục những hạn chế bấy lâu nay về thực trạng hệ thống thiết chế văn hóa ở Đà Nẵng. Theo thống kê mới nhất của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, toàn thành phố hiện có 7/7 Trung tâm văn hóa - thể thao cấp quận, huyện đã hoàn thành phần quy hoạch và bố trí đất để xây dựng công trình. Tuy nhiên, các hạng mục đã được đầu tư chủ yếu phục vụ hoạt động thể thao, thiếu các hạng mục cho hoạt động văn hóa. Bên cạnh đó, một hạn chế lớn là hầu như các nhà văn hóa phường, trung tâm văn hóa, thể thao xã được bố trí trên địa bàn đông dân cư, có nơi trong kiệt, hẻm; nguồn kinh phí xây dựng hạn chế, chưa bảo đảm các tiêu chí của một thiết chế văn hóa, cơ sở vật chất, trang thiết bị còn thiếu đồng bộ, lạc hậu, chắp vá...

Trước thực trạng đó, tại cuộc họp với ngành văn hóa vào đầu năm 2014, Bí thư Thành ủy Ðà Nẵng Trần Thọ đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đầu tư, cải tạo các công trình văn hóa, đồng thời yêu cầu Sở Kế hoạch và Ðầu tư, Sở Tài chính phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Ðà Nẵng rà soát, trình bổ sung nguồn vốn đầu tư ngành văn hóa năm 2014 với mức tăng 1,5 lần so với năm 2013.

Ông Nguyễn Hữu Chiến - Phó Giám đốc Sở VHTTDL Đà Nẵng cũng cho rằng: "Ðã đến lúc cho văn hóa một điểm tựa để phát triển, cần đầu tư dài hạn từ 10 đến 20 năm nữa chứ không thể làm theo kiểu chắp vá tạm thời".

Đà Nẵng sẽ tiếp tục đầu tư hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa. Ảnh minh họa/internet



Với định hướng đó, trong mục tiêu đến năm 2020, Đà Nẵng phấn đấu phát triển đồng bộ hệ thống thiết chế văn hóa thể thao cơ sở, từng bước khắc phục tình trạng chênh lệch về mức hưởng thụ văn hóa, thể thao, vui chơi, giải trí của nhân dân ở từng khu vực trên địa bàn thành phố.

Cụ thể, 100% các Trung tâm văn hóa thể thao quận, huyện được đầu tư và hoàn thiện, đạt tiêu chuẩn của Bộ Sở Văn hóa Thể thao Du lịch; 80% phường, xã có thiết chế Trung tâm văn hóa thể thao, trong đó được đầu tư trang thiết bị và dành tối thiểu 30% thời gian sử dụng trong năm để tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí cho trẻ em, đồng thời 20% phường, xã còn lại phải có thiết chế văn hóa và 100% Nhà văn hóa – Khu thể thao thôn được nâng cấp, hoàn thiện theo tiêu chuẩn của Bộ Sở Văn hóa Thể thao Du lịch.

Ủy ban nhân dân tỉnh Đà Nẵng cũng thống nhất với danh sách 07 công trình văn hóa bức thiết cần triển khai đầu tư, bao gồm: Trung tâm Văn hóa thể thao quận Hải Châu; Bể bơi tại Trung tâm Văn hóa quận Thanh Khê; Nhà văn hóa quận Sơn Trà; Nhà Biểu diễn đa năng thuộc công trình Trung tâm văn hóa thể thao quận Ngũ Hành Sơn; Nhà thi đấu đa năng, khán đài sân vận động thuộc công trình Trung tâm văn hóa thể thao quận Liên Chiểu – giai đoạn 2; Trung tâm văn hóa thể thao phường Hòa An, quận Cẩm Lệ; và Nhà thi đấu đa năng, điện chiếu sáng tổng thể thuộc công trình Trung tâm văn hóa thể thao huyện Hòa Vang.

Trong thời gian tới, người dân Đà Nẵng sẽ có thêm nhiều không gian vui chơi, giải trí, thể dục thể thao. Ảnh minh họa/internet



Như vậy, 07 công trình có tổng mức đầu tư dự kiến là gần 160,5 tỷ đồng sẽ được tu bổ, nâng cấp từ nguồn vốn ngân sách xây dựng cơ bản của thành phố và được phân kỳ triển khai thực hiện trong giai đoạn 2014 - 2017.

Ngoài ra, trong kế hoạch từ 2014 - 2015 sẽ bố trí hơn 17 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách thành phố để đầu tư cho các hạng mục trồng cây xanh cảnh quan, điện chiếu sáng, ghế đá, thiết bị vui chơi cho trẻ em, thiết bị tập thể dục cho người lớn tại 6 khu vui chơi giải trí hoạt động hiệu quả tại các phường Thuận Phước, Thanh Bình, Hòa Thuận Tây, Hòa Cường Bắc, Khuê Trung và Nại Hiên Đông và tại 12 khu vui chơi giải trí khác để chuyển đổi thành Trung tâm văn hóa thể thao phường.

Có thể nói, với những định hướng trên, Đà Nẵng đã xác định rõ việc đầu tư cho các thiết chế văn hóa chính là góp phần cho sự phát triển của đất nước đồng thời phát huy mạnh mẽ vai trò của các tổ chức xã hội trong công tác quản lý, điều hành các hoạt động văn hóa… Đây chính là chủ trương đúng đắn và thiết thực trong giai đoạn hiện nay để không ngừng nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, đẩy mạnh sự phát triển toàn diện về mọi mặt.

T.T

 

 

 
 

NỔI BẬT TRANG CHỦ