Sáng 12/6, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam đã tổ chức Lễ kỷ niệm 40 năm thành lập (1977-2017).
Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, Các nguyên Phó Thủ tướng, nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm, Phạm Gia Khiêm, nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh, nguyên lãnh đạo Bộ Ngoại giao qua các thời kỳ, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đặng Thị Bích Liên, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Phạm Công Tạc, đại diện lãnh đạo nhiều tỉnh, thành, đại diện UNESCO quốc tế và đông đảo đại diện các đại sứ quán các nước tại Hà Nội…đã đến dự buổi lễ.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu tại buổi lễ |
Phát biểu của ông Lê Hoài Trung- Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Ủy bản Quốc gia UNESCO Việt Nam đã nhìn lại lịch sử 40 năm của UNESCO Việt Nam: Trong 40 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự quan tâm của các cấp Bộ, ngành, tổ chức, các địa phương và nhân dân cả nước, cùng sự ủng hộ giúp đỡ của bạn bè quốc tế, Ủy ban quốc gia UNESCO của Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng, đóng góp có hiệu quả vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, đặc biệt trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, khoa học, thông tin và truyền thông.
Ủy ban quốc gia UNESCO đã tranh thủ sự giúp đỡ của UNESCO trong việc tiếp cận với kiến thức, kinh nghiệm và các nguồn hỗ trợ quốc tế về tài chính, kỹ thuật để phục vụ công cuộc tái thiết và xây dựng đất nước; cũng như hỗ trợ xây dựng các đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, hoàn thiện hệ thống pháp luật, giúp cho việc đổi mới tư duy, nâng cao năng lực trong các lĩnh vực liên quan….
Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam đã góp phần hiệu quả trong việc quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến với thế giới thông qua việc gây dựng và vận động thành công được UNESCO công nhận 35 danh hiệu di sản…
Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam cũng đã góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế nói chung và tại UNESCO nói riêng. Việt Nam nhiều lần được tín nhiệm bầu vào các cơ quan chuyên môn quan trọng của UNESCO như 04 lần đảm nhiệm vai trò Hội đồng chấp hành; Thành viên Ủy ban Di sản thế giới, Ủy ban liên chính phủ bảo vệ di sản Văn hóa phi vật thể, Ủy ban liên Chính phủ bảo vệ và Phát huy sự đa dạng các biểu đạt văn hóa…Tại diễn đàn UNESCO, UNESCO Việt Nam cũng thể hiện là một thành viên tích cực, có trách nhiệm và khẳng định vai trò là kênh ngoại giao đa phương hữu hiệu, góp phần nâng cao vị thế đất nước.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL, Phó Chủ tịch Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, Trưởng Tiểu ban Văn hóa phát biểu tại buổi lễ |
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đặng Thị Bích Liên, Phó Chủ tịch Ủy ban UNESCO Việt Nam, Trưởng Tiểu ban Văn hóa cho biết: Trong thời gian tới, để hợp tác UNESCO ngày càng hiệu quả và thực chất, Tiểu ban Văn hóa tập trung thực hiện và đề xuất một số công việc như: Tiếp tục thực hiện tốt vài trò, đóng góp của Việt Nam tại các Công ước, cơ quan chuyên môn của UNESCO, tăng cường tính chủ động, đề xuất các sáng kiến, góp phần xây dựng những quy tắc, chuẩn mực quốc tế mới; Tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ sở pháp lý, cơ chế chính sách phục vụ công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa; Mở rộng hợp tác có chiều sâu với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, các cơ quan tổ chức của UNESCO, các Ban, Bộ. ngành địa phương trong nước trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa; Nâng cao chất lượng đạo tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, chuyên môn…
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam |
Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh chúc mừng những thành tựu đã đạt được của Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam và khẳng định: Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam đóng vai trò then chốt trong tiến trình hợp tác chặt chẽ giữa Việt Nam với UNESCO, được thể hiện rõ nét thông qua việc triển khai thành công nhiều chương trình của UNESCO tại Việt Nam. Ủy ban đã tranh thủ sự giúp đỡ của UNESCO trong việc tiếp cận với kiến thức, kinh nghiệm và các nguồn hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật tiên tiến trên thế giới để phục vụ công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Các chương trình như Thập kỷ xóa mù chữ, Chương trình giáo dục cho mọi người, thập kỷ quốc tế phát triển văn hóa, ưu tiên về bình đẳng giới… đã đưa UNESCO đến gần với cuộc sống thường nhật của người dân, góp phần nâng cao chất lượng đời sống, vật chất và tinh thần cho nhiều gia đình, địa phương và cộng đồng dân cư.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng cho rằng, Ủy ban UNESCO Việt Nam đã phát huy xuất sắc vai trò là cầu nối lịch sử, văn hóa, đất nước và con người Việt Nam với thế giới, qua đó nâng cao vai trò, vị thế và sức mạnh mềm của Việt Nam trên trường quốc tế.
Trên cơ sở những thành tựu đã đạt được, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh yêu cầu, Ủy ban quốc gia UNESO, các Bộ, ngành, các tiểu ban chuyên môn và Ban thư ký, bám sát chủ trương của Đại hội XII của Đảng; tiếp tục tiếp thu, tận dụng ý tưởng, tri thức, kinh nghiệm, nguồn lực của UNESCO để đóng góp hiệu quả hơn nữa vào quá trình phát triển bền vững của đất nước. Đổi mới nếp nghĩ, cách làm, chuyên từ tham gia sang tư duy chủ động, tích cực đóng góp vào hoạch định và triển khai các chiến lược phát triển của UNESCO. Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, từng bước tăng số lượng cán bộ của Việt Nam làm việc tại UNESCO, kể cả các vị trí lãnh đạo cao nhất của UNESCO.
Theo Tổ Quốc