• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Ứng xử với Tết như thế nào cần thiết và quan trọng hơn việc bàn chuyện gộp Tết truyền thống

Thời sự 06/02/2019 08:39

(Tổ Quốc) - Cứ đến hẹn lại lên, mỗi dịp Tết đến, cuộc tranh cãi nên bỏ Tết ta để gộp vào ăn tết Tây theo dương lịch lại rộ lên. Nhưng Tết dù thế nào cũng không có lỗi. Và ứng xử với Tết như thế nào cần thiết, quan trọng hơn việc bàn chuyện gộp Tết truyền thống.

Một bên những người đưa ra ý tưởng cũng như ủng hộ quan điểm bỏ Tết Nguyên đán – Tết cổ truyền của dân tộc vì cho rằng kỳ nghỉ Tết dài và tâm lý hội hè làm ảnh hưởng đến cuộc sống cũng như sản xuất. Bên cạnh đó, họ còn viện dẫn Nhật Bản cũng bỏ Tết truyền thống để gộp ăn Tết theo phương Tây.

Tết, bên cạnh những nỗi lo thường nhật của cuộc sống thì còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro như: tai nạn, say rượu, đánh nhau… khiến một số gia đình ngày Tết lẽ ra là ngày vui trở thành ngày buồn và đáng sợ.

Còn một bên – mà số này đông hơn rất nhiều, có cả những nhà văn hóa thì khẳng định không nên bỏ và không thể bỏ được Tết truyền thống. Tết truyền thống là hồn cốt, là nơi lưu giữ, trao truyền nhiều giá trị văn hóa.

Ứng xử với Tết như thế nào cần thiết và quan trọng hơn việc bàn chuyện gộp Tết truyền thống  - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Vi Phong

Thế nhưng nếu đem câu chuyện Tết truyền thống để đánh đổi với sự phát triển kinh tế hay những thứ khác e rằng là vội vàng. Bởi xét cho cùng sự mệt mỏi, phiền hà, những nguy cơ rủi ro của dịp Tết là do chính con người chúng ta gây nên. Tết hay bất cứ một dịp nghỉ nào trong năm đều với mục đích tốt đẹp như nghỉ ngơi, nhớ đến truyền thống, tri ân các thế hệ trước…để nuôi dưỡng đời sống tinh thần.

Có một chuyện mà có lẽ những người ủng hộ việc bỏ Tết ta không biết, đó là ngay cả những công nhân khu công nghiệp làm cho các công ty Nhật Bản, thì dịp Tết tây hay Tết Nguyên đá họ đều bố trí số ngày nghỉ khá dài liền nhau (dù phần lớn sau đó phải làm bù) để người lao động có cơ hội được về quê đoàn tụ và ăn Tết với gia đình sau bao ngày làm lụng vất vả và đằng đẵng xa cách. Và chính cách làm này đã níu kéo người lao động gắn bó với công ty, và chưa muốn có một sự dịch chuyển nào của Tết Nguyên đán.

Ứng xử với Tết như thế nào cần thiết và quan trọng hơn việc bàn chuyện gộp Tết truyền thống  - Ảnh 2.

Ảnh minh họa. Bảo Trung

Có một nhận định rằng, người làm việc nhiều nhất là người biết cách sắp xếp để hưởng thụ nhiều nhất. Những dịp cuối tuần, các kỳ nghỉ ngắn ngày dịp lễ… họ đều thu xếp để tự thưởng cho bản thân về sum họp gia đình hoặc khám phá những miền đất mới.

Hơn nữa, không đâu xa, ngay cả các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore… đều là những nước phát triển mà không bỏ Tết Nguyên đán, không gộp Tết Nguyên đán. Mỗi dịp nghỉ Tết tại Trung Quốc là một cuộc Xuân vận khổng lồ mà nhiều người thấy choáng ngợp. Tuy nhiên sự phát triển của đất nước họ là một minh chứng cho thấy Tết Nguyên đán không phải là nguyên nhân cản trở sự phát triển của kinh tế của đất nước.

Tết không phải là một thực thể xác định, bắt người này phải thế này hay thế khác thì Tết mới về, mới đến. Tết là một thời điểm cố định sẽ tuần tự đến theo sự luân chuyển của thời gian như 'Những bông hoa vẫn cứ nở đúng mùa" (Nguyễn Trọng Tạo). Cũng như nhiều nước phương Tây không "đón Tết", "ăn Tết" Nguyên đán thì Tết vẫn cứ đến và trôi đi. Bởi vậy những quan niệm, ứng xử với Tết như thế nào là do chính con người tạo ra. Chúng ta không nên tự rằng buộc bản thân vào những hủ tục lạc hậu, rườm rà, thiếu văn minh trong những ngày Tết như đốt nhiều vàng mã, mê tín dị đoan, lãng phí chi tiêu, sa đà vào ăn uống nhậu nhoẹt để say khướt… Bên cạnh đó lao động chân chính, không tranh thủ chộp giật, làm ăn phi pháp, gian dối, mỗi dịp Tết là sự kêu gọi cần thiết để góp phần cho Tết đỡ trở thành gánh nặng, nỗi sợ của mỗi người.

Còn đối với cán bộ, Tết không tham ô, tham nhũng, tranh thủ vơ vét, nịnh bợ cấp trên để nâng đỡ, mua chuộc. Cấp dưới không hợp thức hóa quà biếu, tiền mừng tuổi để đút lót, hối lộ. Quà biếu, tiền mừng tuổi… chỉ mang tính tượng trưng với ý nghĩa may mắn thì trong lòng người cho và nhận sẽ thấy nhẹ nhàng, thanh thản và Tết sẽ đẹp hơn rất nhiều. Một nhà văn đã thốt lên rằng: "Bình tâm sống thuận theo những nhu cầu có thật của mình, bất kể tuần tiết, bất kể ngoại cảnh. Những "bóng ma" sinh ra từ tâm, phải lấy tâm của chính mình chế ngự".

Ứng xử với Tết như thế nào cần thiết và quan trọng hơn việc bàn chuyện gộp Tết truyền thống  - Ảnh 3.

Ảnh minh họa/ Bảo Trung

Sự phát triển của xã hội, của cuộc sống cũng như suy nghĩ của người đương đại đã có những thay đổi nên Tết cũng cần có những thay đổi. Vì thế muốn đất nước phát triển là phải ở nỗ lực mỗi cá nhân, mỗi tập thể trong lao động và ý thức xây dựng giữ gìn những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Văn hóa là thứ để phân biệt giữa dân tộc này với dân tộc khác, là thứ để người khác muốn khám phá, tìm hiểu thể thêm yêu sự khác biệt đó. Nếu chúng ta chỉ phát triển kinh tế mà không song hành với những giá trị văn hóa thì rất nguy hiểm. Nếu chúng ta kết hợp được tốt văn hóa truyền thống với văn hóa hiện đại thì sẽ có động lực để phát triển.

Không phải ngẫu nhiên năm mới bắt đầu bằng mùa xuân để chồi non lộc biếc cựa mình cho một hành trình sống mới được khơi mở. Vì thế, thử làm một giả định nếu chỉ ăn Tết tây thì chao ôi là thiếu. Ít nhất cái không khí của mùa xuân phơi phới sẽ không còn. Hoa mai, hoa đào có lẽ cũng đang lim dim nụ chờ ngày bung nở. Và những cuộc đoàn tụ, chờ đợi bên mâm cơm sum họp với đầy đủ gia đình họ hàng sẽ thiếu đi. Ngày sum họp không có cơ hội hân hoan nhận ra đứa trẻ ngày một lớn hay sợi tóc mẹ cha ngày một bạc, tấm lưng ngày một còng để bồi đắp thêm tình yêu thương, để sống tốt hơn, ý nghĩa hơn, đền đáp công lao sinh thành cũng cần thiết lắm sao?.

Trong cái hối hả, nhộn nhịp của cuộc sống đời thường hãy cứ để Tết là một cách đích đẹp khép lại một năm, nhắc nhở chúng ta những giá trị tốt đẹp ở ngay gia đình, bạn bè, đồng nghiệp và cả cộng đồng. Nếu cứ nhất thiết gộp Tết ta và Tết tây thì có lẽ những khoảng lặng tâm hồn cần thiết của mỗi người sẽ bị cuốn đi…

Nhị Xuân

NỔI BẬT TRANG CHỦ