• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Ứng xử với văn hóa nghệ thuật phải chú ý đến tính đặc thù

Văn hoá 28/09/2017 14:57

(Tổ Quốc) - Nhiều ý kiến thiết thực được đưa ra tại Hội thảo khoa học “Văn học Nghệ thuật thành phố Hồ Chí Minh - 30 năm Đổi mới” do Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Tp. Hồ Chí Minh tổ chức sáng nay, 28/9/2017.

Toàn cảnh Hội thảo khoa học Văn học Nghệ thuật 30 năm Đổi mới

Bà Phạm Phương Thảo - nguyên Phó Bí thư thành ủy TP Hồ Chí Minh, nguyên Chủ tịch Hội đồng nhân dân Tp. Hồ Chí Minh, cảnh báo một nguy cơ lớn: “Ta đang bị xâm lăng về văn hóa”. Theo bà, “khi đi vào kinh tế thị trường, với xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, truyền thông đa phương tiện, văn hóa nghệ thuật có điều kiện phát triển hơn, nhưng thách thức lớn hơn trước sự xâm nhập của văn hóa nước ngoài”. Do đó, “xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” theo yêu cầu đã được chỉ rõ trong nghị quyết 33 - Ban chấp hành Trung ương khóa XI và cũng là nội dung cần được đặc biệt quan tâm.

Đồng quan điểm này, nhạc sĩ Trần Long Ẩn - Chủ tịch Liên hiệp Các Hội Văn học Nghệ thuật Tp. Hồ Chí Minh nêu rõ thực trạng về “sự hụt hẫng về đề tài là vấn đề khó khăn, thách thức hết sức cấp bách, là điều mà không chỉ các nghệ sĩ sáng tác, các cấp lãnh đạo thành phố cần quan tâm để chống lại sự lai căng về văn hóa nghệ thuật”.

Ngay trong trình bày đề dẫn, PGS.TS Trần Luân Kim - Trưởng Ban Lý luận phê bình - Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TP. Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh mục đích cần thiết của Hội thảo “nhằm tổng kết 30 năm Đổi mới hoạt động văn học nghệ thuật Tp. Hồ Chí Minh, là cơ hội quan trọng điểm lại những đổi thay, những thành tựu to lớn đã đạt được; nhưng cũng là dịp soi rọi những thiếu sót, yếu kém, từ đó rút ra những quy luật vận hành, những bài học kinh nghiệm”. Theo ông, “văn học nghệ thuật chính là tinh túy của văn hóa”. Trên thực tế, việc vận hành theo cơ chế thị trường là quy luật và thực tế khách quan, nhưng “khi đưa mọi thứ vào thị trường” thì các cấp quản lý cần quan tâm đầy đủ hơn nữa đến chiến lược phát triển, vì ứng xử “với văn hóa nghệ thuật phải chú ý đến tính đặc thù”.

Nhiều ý kiến được Lãnh đạo các Hội Văn học Nghệ thuật, các văn nghệ sĩ đưa ra nhân Hội thảo

Bà Thân Thị Thư - Ủy viên Ban thường vụ thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo thành ủy TP. Hồ Chí Minh, đặt câu hỏi: Tại sao chúng ta vẫn chưa có nhiều tác phẩm đỉnh cao, những tác phẩm giá trị về tư tưởng, nghệ thuật? Tại sao còn thiếu những khuôn mặt trẻ? Là dịp để mổ xẻ đời sống văn học nghệ thuật, chỉ ra những bất cập cản trở sự phát triển Văn học nghệ thuật của thành phố, đề ra những giải pháp căn cơ, trước mắt và lâu dài nhằm đề xuất cho lãnh đạo thành phố cải tiến, thay đổi về cơ chế, chính sách, quy hoạch, kế hoạch phát triển”. Theo bà, các cấp quản lý cần tới lắng nghe.

Đạo diễn, NSUT, nhà giáo Trần Minh Ngọc đánh giá về “những cái được” hoạt động Sân khấu và khán giả Tp. Hồ Chí Minh với 30 năm tương tác và đổi mới với quá trình 20 năm tồn tại (1986-2006) đã rút ra những kinh nghiệm có ích cho người làm sân khấu để thực hiện “xã hội hóa” với những cố gắng, thành công nhất định nhưng đã và đang bộc lộ những lo ngại khi “sân khấu rơi vào suy thoái - khi khán giả là người tiêu thụ thì sân khấu cũng trở nên tầm thường bởi sự dễ dãi của cả người làm sân khấu lân người xem. Chất lượng nghệ thuật giảm, chất lượng giải trí tăng và sân khấu xuống cấp dần”.

Với băn khoăn chất chứa nhiều ưu tư, tham luận “Xã hội hóa hoạt động văn học nghệ thuật tại Tp. Hồ Chí Minh - từ sức bật thành rào cản” của nhà thơ Lê Tú Lệ - Phó Chủ tịch thường trực Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Tp. Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh tác dụng tích cực của những “hoạt động văn học nghệ thuật theo phương thức xã hội hóa” đứng trước muôn vàn khó khăn. Tuy nhiên, từ quan điểm phát triển và mục tiêu phát triển, bà cũng thẳng thắn góp ý vào Đề cương quy hoạch phát triển ngành văn hóa Thành phố đến năm 2030 do Sở Văn hóa và Thể thao soạn thảo, khi trong đó tuy “6 quan điểm phát triển đều đúng”, nhưng vẫn mang tính chất “dàn mặt trận”, “không có mũi nhọn, không có đột phá” và đó thực ra “chỉ là thụ động phát triển”.

Hội thảo thực sự nóng lên khi chủ tọa đoàn, nhạc sĩ Trần Long Ẩn đề nghị các đại biểu không đọc tham luận đã viết sẵn mà nên tóm lược ý chính và phát biểu tranh luận mở.

Các nghệ sĩ thẳng thắn bày tỏ quan điểm trong phần tranh luận mở nhân Hội thảo

Họa sĩ, NGND Uyên Huy - Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh bức xúc nêu những bất cập hiện có từ lâu giữa chủ thể sáng tác (nghệ sĩ), và chủ thể quản lý (cấp lãnh đạo TP). Thực tế đó là sự nghi ngại (theo ông là vừa “nghi”, lại vừa “ngại”). Có rất nhiều rào cản cần tháo gỡ mà cụ thể ở đây là trách nhiệm của Sở Văn hóa. Rất nhiều vấn đề cần được xem lại cách ứng xử của mình với văn học nghệ thuật. Rất nhiều việc đều tồn đọng: Nhiều tác phẩm tượng đẹp từ các trại sáng tác sao không được đem trưng bày tại thành phố? Tại sao lại thất hứa với các tác giả nước ngoài khi không trưng bày tác phẩm của họ, thậm chí không in cataloge như đã hứa ban đẩu? Tại sao không cho khôi phục nguyên trạng Lăng Bà Chiểu? Vai trò của các Hội Văn học nghệ thuật đã thể hiện nhiều mặt tích cực nhưng thực tế chưa được các cấp quản lý coi trọng đúng mức.

Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn - Phó Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC), Giám đốc Chi nhánh phía Nam nêu tác dụng công tác thực thi bảo vệ quyền tác giả đã và đang thúc đẩy hoạt động sáng tạo, đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế, phát triển đất nước, tạo hành lang pháp lý an toàn trong thực thi bảo hộ bản quyền tác giả; thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc tế, thực hiện cam kết quốc tế về bản quyền; thúc đẩy sự phát triển thị trường theo hướng cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng… và có điều kiện nâng cao, chăm sóc đời sống nghệ sĩ sáng tác.

Nhà văn Vũ Hạnh nêu vấn đề “văn hóa, văn nghệ trước đòi hỏi lớn của quá khứ và hiện tại trước sự bát nháo kéo dài” nhưng “không thấy những sự phản pháo quyết liệt ở trong văn học nghệ thuật”.

Nhà lý luận phê bình Lê Quang Trang nêu rõ đặc điểm “sáng tác chuyển mình”, khi “phương thức mới xuất hiện”, góp phần “hình thành và phát triển nhận thức mới về lý luận” …

PGS.TS Trần Trọng Đăng Đàn và NSND, diễn viên Trà Giang lưu ý Hội thảo về sự kiện cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam. Đau đớn nói về thương hiệu của Hãng phim truyện Việt Nam khi cổ phần hóa, các ý kiến đều đặt vấn đề với cung cách ứng xử và sự quan tâm của nhà nước về vấn đề văn hóa nghệ thuật. Đạo diễn Nguyễn Quốc Hưng phó Giám đốc Hãng phim truyền hình TP. Hồ Chí Minh trình bày về “xu thế và những thách thức” của “phim truyện truyền hình thành phố Hồ Chí Minh”.

PGS.TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm đặt vấn đề “Phê bình âm nhạc TP. Hồ Chí Minh tồn tại hay không tồn tại?”. Theo bà, nhiều bài viết phê bình toàn những lời có cánh, khen không thật lòng. Những lời phê thường bị phản pháo. Và trên thực tế ở ta vẫn chưa có một nền phê bình thực sự. Đại biểu Nguyễn Thị Cẩm Lệ đề cập “vai trò của ca khúc mang âm hưởng truyền thống trong đời sống âm nhạc thành phố Hồ Chí Minh thời hội nhập”. Ông Lê Xuân Thăng, Phó Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh thành phố và Đại tá Đào Văn Sử nhìn lại hoạt động những năm qua và ca ngợi “nhiếp ảnh nghệ thuật của những người lính” - là “ điểm sáng của những năm đổi mới”…

Hội thảo thu hút trên 200 đại biểu tham dự và với gần 40 bài tham luận cùng với nhiều ý kiến phát biểu trực tiếp sôi nổi, đã tổng kết trình bày đánh giá khoa học nhiều mặt về những thành tựu đã đạt được Văn học Nghệ thuật thành phố Hồ Chí Minh.

Kết luận, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TP. Hồ Chí Minh, nhạc sĩ Trần Long Ẩn đã nêu rõ, đây là Hội thảo đầu tiên với nội dung hết sức cần thiết và đánh giá kết quả của Hội thảo là những đóng góp mang tính khoa học cho đường hướng phát triển văn học nghệ thuật thành phố, góp phần vào thành tựu chung cho vùng và cả nước./.

Đỗ Lệnh Hùng Tú

NỔI BẬT TRANG CHỦ